[167] Các khu định cư của Israel xây tại Bờ Tây Palestine: Xem lại tính (bất) hợp pháp nhân việc Mỹ thay đổi quan điểm

Ngày 18.11.2019, trong cuộc họp báo với báo chí, Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo chính thức thông báo sự thay đổi chính sách của Mỹ đối với tình trạng pháp lý của các khu định cư của Israel ở Bờ Tây thuộc lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng. Ông tuyên bố:

“Sau khi xem xét tất cả các quan điểm pháp lý, chính quyền này đồng ý rằng … việc thành lập các khu định cư dân sự của Israel ở Bờ Tây không tự mình trái với luật pháp quốc tế.”

Tuyên bố này đi ngược lại chính sách trước đó được Ngoại trưởng Kerry dưới thời Chính quyền Tổng thống Obama đưa ra vào tháng 12.2016 khi Mỹ quyết định bỏ phiếu trắng để Hội đồng Bảo an thông qua Nghị quyết 2334 (2016) xác nhận lại việc thành lập các khu định cư Israel trên lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng là không có giá trị pháp lý và là vi phạm trắng trợ luật pháp quốc tế. Giải thích về lý do không dùng quyền phủ quyết (veto) để bảo vệ đồng minh Israel, Ngoại trưởng Kerry phát biểu rằng:

“Thực ra, nghị quyết này chỉ đơn giản xác nhận lại các tuyên bố trước đó của Hội đồng Bảo an trong vài thập kỷ qua. Không có gì mới cả. Vào năm 1978, cố vấn pháp lý của Bộ Ngoại giao đã gửi kết luận đến Quốc hội khẳng định rằng các chương trình của chính phủ Israel xây dựng các khu định cư dân sự trên lãnh thổ chiếm đóng là trái với luật quốc tế. Và chúng tôi không nhận thấy có bất kỳ thay đổi nào từ đó để ảnh hưởng đến kết luận quan trọng này.”

Ngoại trưởng Pompeo viện dẫn căn cứ nào?

Ngoại trưởng Pompeo cho rằng kết luận trên dựa vào việc xem xét luật quốc tế trong “hoàn cảnh, lịch sử và bằng chứng đặc thù” liên quan đến các khu định cư ở Bờ Tây. Rất tiếc Bộ Ngoại giao Mỹ chưa công bố (hoặc không công bố) các phân tích pháp lý dẫn đến sự thay đổi quan điểm nêu trên. Trong khi đó, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã khẳng định việc xây dựng các khu định cư này là vi phạm luật quốc tế trong Ý kiến tư vấn của mình vào năm 2004 trong Vụ liên quan đến hệ quả pháp lý của việc Israel xây dựng bức tường trên lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng. Xem bối cảnh vụ việc và tóm tắt Ý kiến tư vấn của Tòa, và toàn văn bằng tiếng Anh.

Để giúp có góc nhìn toàn diện hơn về tính (bất) hợp pháp của các khu định cư mà Israel xây dựng ở khu vực Bờ Tây, bài viết xin giới thiệu kết luận của Tòa ICJ trong vụ việc trên.

Tòa ICJ (2004): Việc xây dựng các khu định cư của Israel là vi phạm luật quốc tế

Quan điểm của Tòa rất rõ rằng là: việc xây dựng các khu định cư của Israel xây dựng trên lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng (the Occupied Palestinian Territory), bao gồm cả Đông Jerusalem, là vi phạm quy định của luật quốc tế [120], cụ thể là Điều 49(6) của Công ước Geneva thứ tư về Bảo vệ thường dân trong chiến tranh năm 1949.

Điều 49(6) này quy định rằng:

“Nước chiếm đóng không được trục xuất hay di chuyển một phần dân cư của chính mình vào lãnh thổ chiếm đóng.”

Theo Tòa ICJ, quy định này không chỉ nghiêm cấm việc trục xuất hoặc cưỡng ép di chuyển dân cư, mà còn nghiêm cấm bất kỳ biện pháp nào mà nước chiếm đóng sử dụng để tổ chức hay khuyến khích người dân của mình di chuyển vào lãnh thổ chiếm đóng [120]. 

Wall case 1

Kết luận của Tòa sau đó được ghi nhận vào Nghị quyết ES-10/15 (2004) trong Phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng được triệu tập để thảo luận Ý kiến tư vấn của Tòa. Nghị quyết được thông qua với tuyệt đại đa số quốc gia ủng hộ, chỉ có 06 nước bỏ phiếu chống: Australia, Israel, Mỹ, Marshall Islands, Micronesia, và Palau. Điều này thể hiện sự thống nhất cao độ của cộng đồng quốc tế với kết luận của Tòa ICJ.

Tòa cũng dẫn ra các nghị quyết của Hội đồng Bảo an bác bỏ tính hợp pháp của các khu định cư Israel. Nghị quyết 446 (năm 1979) khẳng định chính sách và việc xây dựng các khu định cư của Israel trên lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng “là không có giá trị pháp lý”. Quan điểm này được Hội đồng Bảo an tái khẳng định trong nghị quyết 452 năm 1979 và 465 năm 1980.

Nghị quyết 446 (1979) được thông qua vào ngày 22.03.1979 với 12 phiếu thuận và ba phiếu trắng của Na Uy, Anh và Mỹ. Nghị quyết kêu gọi Israel với tư cách là nước chiếm đóng phải “tuân thủ chặt chẽ Công ước Geneva về bảo vệ thường dân trong chiến tranh … hủy bỏ các hành động trước đó và ngưng có hành động dẫn đến thay đổi tình trạng pháp lý và bản chất địa lý và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiện trạng địa lý của các vùng lãnh thổ Ả-rập bị chiếm đóng từ năm 1967, bao gồm cả Jerusalem, và, cụ thể là không di chuyển dân cư của mình vào lãnh thổ Ả-rập bị chiếm đóng.”

Nghị quyết 452 (1979) được thông qua ngày 20.7.1979 với 14 phiếu thuận và một phiếu trắng của Mỹ. Nghị quyết cụ thể hơn khi kêu gọi “Chính phủ và người dân Israel ngừng khẩn cấp việc thành lập, xây dựng và lên kết hoạch các khu định cự trên lãnh thổ Ả-rập bị chiếm đóng từ năm 1967, bao gồm cả Jerusalem.”

Nghị quyết 465 (1980) được thông qua ngày 01.03.1980 bằng nhất trí (unanimously adopted). Nghị quyết có lời văn rất mạnh mẽ và trực tiếp chống lại việc tiếp tục duy trì và xây dựng các khu định cư của Israel trên lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng. Nghị quyết có đoạn:

“5. Xác định các hành vi của Israel làm thay đổi … lãnh thổ Palestine và các lãnh thổ Ả-rập khác bị chiếm đóng từ năm 1967, bao gồm Jerusalem, và bất kỳ khu vực khác là không có giá trị pháp lý và rằng chính sách và hành vi của Israel cho định cư người dân của mình và người nhập cư mới vào các vùng lãnh thổ đó là hành vi vi phạm trắng trợ Công ước Geneva về Bảo vệ thường dân trong chiến tranh…

6. Lấy làm tiếc sâu sắc việc Israel tiếp tục và ngoan cố theo đuổi các chính sách và hành vi đó và kêu gọi Chính phủ và người dân Israel hủy bỏ các hành vi đó, giải tán các khu định cư hiện nay và cụ thể là ngừng khẩn cấp việc thành lập, xây dựng và lên kế hoạch cho các khu định cư trên lãnh thổ Ả-rập bị chiếp đóng từ năm 1967, bao gồm cả Jerusalem;

7. Kêu gọi tất cả các Quốc gia không cung cấp bất kỳ hỗ trợ nào cho Israel mà có thử sử dụng cụ thể cho các khu định cư trên lãnh thổ chiếm đóng;”

Quan điểm của Thẩm phán Thomas Buergental (người Mỹ)

Thẩm phán Buergental là thẩm phán người Mỹ của Tòa ICJ tại thời điểm Tòa xem xét và ra Ý kiến tư vấn nêu trên. Ông bỏ phiếu chống cho tất cả các kết luận của Tòa ICJ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là ông cho rằng Ý kiến tư vấn sai về luật. Trong Tuyên bố của mình (không phải Ý kiến phản đối – Dissenting Opinion), ông giải thích rằng việc bỏ phiếu chống là do ông không nghĩ Tòa nên cho Ý kiến tư vấn khi bằng chứng không đầy đủ và rằng Tòa đã không xem xét thỏa đáng quyền tự vệ của Israel chống lại các hành vi khủng bố xuất phát từ lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng.

Ông đồng ý với Tòa rằng luật nhân đạo quốc tế, bao gồm Công ước Geneva thứ tư, và luật nhân quyền quốc tế áp dụng cho Lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng và phải được Israel tuân thủ một cách thiện chí [2]. Quan trọng là, ông khẳng định các khu định cư của Israel trên lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng là vi phạm Điều 49(6) của Công ước Geneva thứ 4. Ông nói:

“Tôi đồng ý rằng quy định này áp dụng cho các khu định cư của Israel tại Bờ Tây và rằng sự tồn tại của các khu định cư này vi phạm Điều 49, khoản 6.” [9]

Wall case 2

Như vậy, có thể khẳng định rằng riêng đối với các khu định cư mà Israel xây dựng ở Bờ Tây thuộc lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, tất cả các thẩm phán của Tòa ICJ đều nhất trí cho rằng việc xây dựng này là vi phạm luật quốc tế, cụ thể là Điều 49(6) của Công ước Geneva thứ tư. Thật khó có thể hình dung các cố vấn pháp lý của Bộ Ngoại giao Mỹ có thể nghĩ ra các lập luận pháp lý nào đủ mạnh để đi ngược lại với quan điểm nêu trên của Tòa ICJ.

Trần H. D. Minh

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: