[110] Hạn chế tối đa việc thẩm phán Tòa ICJ tham gia xét xử trọng tài quốc tế

Báo cáo gây chấn động của ISSD – Vi phạm Điều 16(1) Quy chế Tòa? – Các hạn chế mới được đưa ra – Tác động của việc rút lui của các thẩm phán

Gần đây, trên blog EJIL Talk! chuyên về luật pháp quốc tế đã có một loại ba bài đăng liên quan đến các hạn chế mới được áp đặt lên các thẩm phán của Tòa ICJ: New Restrictions on Arbitral Appointments for Sitting ICJ Judges của Musto, ICJ Judges to Stop Acting as Arbitration in Investor-State Disputes của Davoise, và Failing the Hague Stress Test của Sourgens.

1. Một báo cáo gây chấn động của ISSD

Tháng 11 năm 2017, một báo cáo do hai nhà nghiên cứu tại Viện Quốc tế về Phát triển Bền vững (IISD) đưa ra các đánh giá về thực trạng các thẩm phán Tòa ICJ tham gia làm trọng tài viên trong các vụ kiện trong tài đầu tư (xem báo cáo tại đây). Theo báo cáo, dựa trên những thông tin công khai, có ít nhất 07 thẩm phán đương nhiệm và 13 nguyên thẩm phán Tòa ICJ đã từ hoặc đang là trọng tài viên trong các vụ kiện trọng tài đầu tư khi họ đang làm việc cho Tòa. Theo thống kê, thẩm phán Tòa ICJ tham gia vào khoảng 10% tất cả các vụ kiện trọng tài.

Những thẩm phán tham gia nhiều vụ kiện trọng tài đầu tư nhất trong thời gian họ đang là thẩm phán Tòa ICJ bao gồm:

  • Peter Tomka (thẩm phán đương nhiệm từ 2003, người Slovakia) tham gia 16 vụ mới;
  • Christopher Greenwood (thẩm phán từ 2009 – 2018, người Anh) tham gia 07 vụ mới, và 04 vụ khác tham gia trước khi được bầu vào Tòa;
  • James Crawford (thẩm phán đương nhiệm từ 2015, người Australia) tham gia 05 vụ mới, và 04 vụ khác tham gia trước khi được bầu vào Tòa;
  • Abdulqawi Yusuf (đương nhiệm từ 2009, người Somali) tham gia 07 vụ mới.

Báo cáo đã gây ra tranh cãi khá lớn về việc một số thẩm phán đã nhận lời tham gia quá nhiều vụ kiện trọng tài bên ngoài khuôn khổ của Tòa. Hơn nữa, những vụ kiện này không phải là vụ kiện giữa các quốc gia với nhau (inter-state arbitration) thuần túy thuộc lĩnh vực công pháp quốc tế, mà là vụ kiện giữa nhà đầu tư và quốc gia (investor-state arbitration) có tính chất kinh tế.

Báo cáo chỉ ra một trong những yếu tố có thể đã thúc đẩy các thẩm phán tham gia trọng tài là yếu tố kinh tế (economic incentives). Theo báo cáo, riêng Liên hợp quốc trả lương hàng năm cho mỗi thẩm phán là 173,000 USD (2016), cộng thêm phụ cấp cho việc sinh sống và làm việc tại Hà Lan. Chánh án Tòa nhận thêm 15,000 USD phụ cấp chức vụ. Tất cả các khoản đều được miễn thuế. Sau khi nghỉ hưu, mỗi thẩm phán được nhận lương hưu bằng 50% lương cơ bản hàng năm.

Các vụ kiện trọng tài trả tiền cao hơn cho các thẩm phán. Ba thẩm phán tham gia nhiều vụ kiện trọng tài nhất là Tomka, Greenwood và Crawford nhận trong 07 vụ có số liệu là 1,1 triệu USD mỗi người. Trong các vụ trọng tài đầu tư, dựa trên một nghiên cứu của OECD, báo cáo ước tích trung bình mỗi thẩm phán tham gia nhận mức cao hơn, trung bình khoảng 426,000 USD mỗi vụ.

2. Vi phạm Điều 16(1) Quy chế Tòa?

Điều 16(1) Quy chế Tòa ICJ quy định “Không thẩm phán nào của Tòa có thể thực hiện các chức năng chính trị hay hành chính, hay tham gia vào bất kỳ công việc có tính chất nghề nghiệp.” Musto đặt câu hỏi rằng liệu việc thẩm phán đương nhiệm tham gia trọng tài có được xem là “công việc có tính chất nghề nghiệp.” Tòa ICJ đã từng xem xét vấn đề này vào năm 1995 – 1996 (xem báo cáo đoạn 199 trong Báo cáo của Tòa gửi cho Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1996, và đoạn 29-33 trong Báo cáo của Ủy ban tư vấn về Các vấn đề Hành chính và Ngân sách (ACABQ) năm 1995).

Tòa dựa bao yếu tố để cho rằng Điều 16(1) “cho phép các thẩm phán thỉnh thoảng nhận lời làm trọng tài viên”: truyền thống lâu đời của Tòa án Thường trực Công lý Quốc tế, ý định được ghi nhận của Hội nghị Liên hợp quốc về Tổ chức Quốc tế nơi đã thông qua văn bản Điều 16 của Quy chế, và thực tiễn của các thẩm phán tòa quốc gia.[1] Hai điều kiện đặt ra cho Tòa là: (1) ưu tiên tuyệt đối cho công việc của Tòa, và (2) không nhận lời các vụ việc mà có thể sau đó sẽ được đệ trình lên Tòa.[2] Tòa khẳng định việc một số ít thẩm phán tham gia trọng tài không những phù hợp với Quy chế Tòa mà còn thể hiện đóng góp vào sự pháp triển của luật quốc tế.[3]

3. Các hạn chế mới được áp đặt

Trong phát biểu của Chánh án Abdulqawi Yusuf trước Đại hội đồng ngày 25 tháng 10 năm 2018, Chánh án thông báo rằng Tòa đã rà soát lại thực trạng và đưa ra các quy định rõ ràng hơn trong vấn đề hoạt động trọng tài của các thẩm phán. Các thẩm phán của Tòa đã quyết định rằng “thông thường các thẩm phán sẽ không nhận lời tham gia trọng tài quốc tế. Đặc biệt, họ sẽ không tham gia vào trọng tài giữ nhà đầu tư – Quốc gia hoặc trọng tài thương mai. Tuy nhiện, trong trường hợp ngoại lệ … Tòa sẽ cho phép các Thẩm phán tham gia vào vụ kiện trọng tài giữa quốc gia và quốc gia.”[4]

Như vậy, Tòa đã quyết định rằng:

  • Về nguyên tắc, các thẩm phán sẽ từ chối tham gia làm trọng tài viên; và
  • Trong trường hợp ngoại lệ liên quan đến trọng tài giữa quốc gia và quốc gia (inter-state arbitration), các thẩm phán muốn tham gia làm trọng tài viên phải được sự cho phép trước của Tòa; và
  • Trong mọi trường hợp, các thẩm phán không tham gia trọng tài đầu tư và trọng tài thương mại.

Cũng lưu ý rằng Tòa vẫn cho rằng hoạt động trọng tài của các thẩm phán là phù hợp, chỉ là hiện nay Tòa có nhiều vụ việc cần giải quyết cho nên các hạn chế mới được đặt ra![5]

4. Tác động của việc hạn chế tham gia làm trọng tài viên

Trong ý kiến mình, Musto cho rằng đây có thể là bước tiến của Tòa nhưng có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động trọng tài đầu tư. Hai tác động tiêu cực có thể thấy là việc thiếu các cá nhân đủ trình độ để làm trọng tài viên, và, khả năng chất lượng lập luận pháp lý sẽ bị giảm.

Còn Sourgens cho rằng việc đặt ra lệnh cấm tham gia trọng tài đầu tư là một sự tấn công vào tính chính đáng của hoạt động trọng tài đầu tư!

Nhìn từ góc độ khác, Davoise cho rằng quyết định của Tòa đã góp phần (nhưng không loại trừ hoàn toàn) ba quan ngại khi các thẩm phán tham gia hoạt động trọng tài: (1) có thể xem là vi phạm Điều 16(1) Quy chế Tòa, (2) trọng tài viên được trả tiền theo giờ do đó sẽ khuyến khích các thẩm phán dành nhiều thời gian cho vụ kiện trọng tài hơn là vụ kiện của Tòa, và (3) đặt ra câu hỏi về tính độc lập và trung lập của Tòa.

Davoise cũng dẫn lại ý kiến của Ủy ban tư vấn năm 1995 cho rằng giải thích của Tòa không thực sự thuyết phục. Ủy ban nêu một loạt các câu hỏi: “phạm vi hoạt động bên ngoài của các Thẩm phán; thời gian dành cho các hoạt động đó; số tiền nhận được nhận từ các hoạt động đó; phạm vi sử dụng cơ sở vật chất của Tòa, bao gồm cả nhân viên, vào các hoạt động đó.”[6] Tiếc rằng, lúc đó Đại hội đồng không tiếp tục theo đuổi vấn đề này.

Các câu hỏi do Ủy ban nêu ra có lý ở một số khía cạnh. Thứ nhất, thẩm phán Tòa ICJ nhận lương từ Liên hợp quốc cho một công việc mang tính chất toàn thời gian. Thứ hai, cũng hợp lý khi đặt ra câu hỏi các thẩm phán dành bao nhiêu thời gian cho các vụ kiện trọng tài, và liệu họ có sử dụng cơ sở vật chất, thư viện và hệ thống hành chính của Tòa cho hoạt động trọng tài. Thứ ba, các thẩm phán không làm trọng tài pro bono (miễn phí, phục vụ cộng đồng). Nếu các thẩm phán chỉ nhận các chi phí phát sinh trực tiếp khi tham gia xét xử trọng tài thì có lẻ đã có ít bị phản ứng hơn.

Thiết nghĩ rằng việc các thẩm phán tham gia làm trọng tài viên nên được sớm chấm dứt hoàn toàn với hai lý do. Một, số lượng chuyên gia pháp lý ngày càng tăng. Có thể 20 hay 30 năm về trước, số lượng chuyên gia về luật quốc tế còn hạn chế. Hiên nay, việc đào tạo tiến sĩ luật quốc tế ở các trường đại học tốt nhất thế giới đã và đang được mở rộng. Tài liệu về luật quốc tế được xuất bản nhiều hơn hẳn so với trong quá khứ. Việc các thẩm phán tham gia vào hoạt động trọng tài đã không còn thực sự cần thiết. Hai, với vị trí thẩm phán Tòa ICJ, họ nên được xem là các công chức quốc tế, dành toàn bộ thời gian để thực thi nhiệm vụ quốc tế của mình – một nhiệm vụ mà cộng đồng quốc tế đã trao cho họ. Hơn nữa, thẩm phán Toà ICJ là một trong những vị trí việc làm danh giá nhất và đáng kính trọng nhất trong lĩnh vực luật quốc tế. Sự danh giá và sự kính trọng đặt ra yêu cầu cao về sự cống hiến và uy tín.

Trần H.D. Minh

Xem thêm bài về Tính trung lập và độc lập của trọng tài viên: Vụ Crotia v. Slovenia.

———————————————————————————

[1] Báo cáo ACABQ (1995) 12 [31].   [2] Như trên, [32].   [3] Báo cáo của Tòa gửi Đại hội đồng (1996) 43 [199].   [4] Phát biểu của Chánh an Yusuf trước Đại hội đồng (25 tháng 10 năm 2018) 12.   [5] Như trên, 11.   [6] Twelfth Report of the ACABQ (1995) Doc. A/50/7/Add.11 4 [15].

1 bình luận về “[110] Hạn chế tối đa việc thẩm phán Tòa ICJ tham gia xét xử trọng tài quốc tế

Add yours

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: