Điều khoản tranh chấp – Phản đối về điều kiện thụ lý vụ việc – Luật áp dụng – Tòa kết luận các vi phạm của Pakistan – Tiếp tục hoãn thi hành án tử hình cho đến khi vụ việc được xem xét lại một cách thực chất
Năm 2017 Ấn Độ khởi kiện Pakistan ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) với cáo buộc Pakistan đã vi phạm quy định về quyền tiếp xúc lãnh sự của Ấn Độ theo Công ước Viên về Quan hệ Lãnh sự năm 1963. Hành vi vi phạm bị cáo buộc của Pakistan liên quan đến Jadhav – công dân Ấn Độ – bị nước này bắt giữ và tuyên án tử hình với tội danh hoạt động gián điệp và khủng bố trên lãnh thổ Pakistan. Ông Jadhav khi bị bắt có hộ chiếu mang tên Hussein Mubarak Patel. Trong quá trình điều tra và xét xử, Ấn Độ đã gửi hơn 10 công hàm khẳng định Jadhav là công dân của mình và yêu cầu quyền tiếp cận. Tuy nhiên, Pakistan đã từ chối.
Ngày 18.5.2017, theo đề nghị của Ấn Độ, Tòa ICJ đã ra Quyết định áp dụng biển pháp khẩn cấp tạm thời, yêu cầu Pakistan hoãn thi hành án tử hình với ông Jadhav.
Ngày 17.7.2019 vừa qua, Tòa ICJ ra Phán quyết, trong đó xem xét đến vấn đề thẩm quyền và nội dung của vụ việc. Xem nguyên văn Phán quyết, và tóm tắt của Ban thư ký Tòa. Tòa kết luận mình có thẩm quyền bằng đồng thuận của 16 thẩm phán, và có 7 kết luận khác với với số phiếu rất tập trung 15-01, với phiếu chống duy nhất của Thẩm phán ad hoc Jullani do Pakistan chỉ định (xem thêm Ý kiến phản đối của Jullani). Dưới đây là trích lại điều khoản tranh chấp theo Công ước Viên năm 1963, và tóm tắt một số điểm nổi bật của Phán quyết.
- Điều khoản tranh chấp
Ấn Độ cáo buộc Pakistan vi phạm Điều 36 của Công ước Viên về Quan hệ lãnh sự năm 1963 khi từ chối các đề nghị được tiếp xúc lãnh sự với Jadhav. Điều 36(1)(c) quy định về “Liên lạc và tiếp xúc với công dân của nước gửi” quy định rằng:
“(a) viên chức lãnh sự có quyền tự do liên lạc với công dân Nước cử. Công dân Nước cử cũng có quyền tự do như vậy trong việc liên lạc và tiếp xúc với viên chức lãnh sự của Nước cử;
(b) nếu đương sự yêu cầu, cơ quan chức năng của Nước tiếp nhận sẽ báo ngay cho cơ quan lãnh sự của Nước cử biết trong khu vực lãnh sự của cơ quan này có công dân của Nước cử bị bắt, bị tù, bị tạm giam chờ xét xử hoặc bị tạm giữ dưới bất kỳ hình thức nào. Cơ quan này cũng sẽ chuyển ngay mọi thông tin mà người bị bắt, bị tù, bị tạm giam hoặc tạm giữ gửi cho cơ quan lãnh sự. Cơ quan chức năng nói trên cũng sẽ báo ngay cho đương sự biết những quyền mà họ được hưởng theo khoản này;
(c) viên chức lãnh sự có quyền đến thăm công dân của Nước cử đang bị tù, tạm giam hay tạm giữ; nói chuyện, liên lạc thư từ và thu xếp đại diện pháp lý cho người đó. Trong khu vực lãnh sự của mình, viên chức lãnh sự cũng có quyền đến thăm bất cứ công dân nào của Nước cử đang bị tù, bị tạm giam hay tạm giữ theo một bản án.”
- Về điều kiện thụ lý của Tòa ICJ đối với vụ kiện
Ấn Độ và Pakistan đều là thành viên của Công ước Viên và Nghị định thự về giải quyết tranh chấp bắt buộc của Công ước này. Theo Điều 1 của Nghị định thư, Tòa ICJ có thẩm quyền bắt buộc để giải quyết các tranh chấp liên quan đến giải thích hay áp dụng Công ước. Pakistan không phủ nhận rằng có tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước ([3]). Do đó, Tòa xác định mình có thẩm quyền xem xét vụ việc này ([38]).
Tuy nhiên, Pakistan nêu ba phản đối về điều kiện thụ lý (admissibility) của vụ việc: lạm dụng thủ tục (abuse of process), lạm quyền (abuse of rights) và Ấn Độ đã có vi phạm trước đó. Tòa ICJ bác bỏ cả ba phản đối đó. Ở đây, phản đối thứ ba của Pakistan có điểm thú vị nên sẽ tóm tắt thêm.
Pakistan cho rằng Ấn Độ không thể mang vụ việc ra trước Tòa ICJ bởi vì chính Ấn Độ đã vi phạm nghĩa vụ của mình khi từ chối cung cấp thông tin phục vụ điều tra theo yêu cầu của phía Pakistan, cung cấp hộ chiếu có tên giả cho Jadhav và phải chịu trách nhiệm về hoạt động gián điệp và khủng bố của Jadhav.[1] Pakistan viện dẫn học thuyết ‘bàn tay sạch’ (the doctrine of ‘clean hand’) và nguyên tắc ex turpi causa non oritur action (nghĩa là nguyên đơn không thể yêu cầu lợi ích từ chính hành vi vi phạm của mình) và nguyên tắc ex injuria jus non oritur (nghĩa là hành vi vi phạm không thể tạo ra quyền hợp pháp).[2]
Tòa bác bỏ học thuyết ‘bàn tay sạch’ nhưng không cung cấp một lập luận hoàn chỉnh lý do bác bỏ (đoạn 61), mà đơn giản dẫn lại kết luận tương tự trong Phán quyết ngày 13.02.2019 về thẩm quyền trong Vụ Một số tài sản Iran giữa Iran và Mỹ. Trong Phán quyết Vụ Iran v. Mỹ đó, Tòa khẳng định là không cho ý kiến về học thuyết này (xem thêm ở post này).[3] Có vẻ Tòa cho rằng học thuyết này không có giá trị trong luật quốc tế, hoặc nếu có giá trị thì cần lập luận và bằng chứng đầy đủ hơn. Tóm lại, không phải dễ để viện dẫn học thuyết ‘bàn tay sạch’ để yêu cầu Tòa ICJ không thụ lý một vụ việc.
Về nguyên tắc ex turpi causa non oritur actio, Pakistan trích lại nguyên tắc này như một nguyên tắc chung của pháp luật từ phán quyết của Tòa án Thường trực Công lý Quốc tế (PCIJ – tiền thân của Tòa ICJ) vào năm 1927 trong Vụ nhà máy ở Chorzów. Tuy nhiên, Tòa ICJ dẫn lại chính phán quyết đó, và chỉ ra rằng Tòa PCIJ giải thích nguyên tắc này theo nghĩa là nguyên đơn không thể yêu cầu lợi ích cho hành vi vi phạm của bị đơn bởi vì chính nguyên đơn đã có hành vi vi phạm dẫn khiến cho bị đơn không thể thực hiện nghĩa vụ của mình ([62]). Pakistan đã không chỉ ra được vì sao hành vi được cho là vi phạm của Ấn Độ lại khiến cho Pakistan phải vi phạm nghĩa vụ về quyền tiếp xúc lãnh sự của Ấn Độ đối với Jadhav ([63]). Không có quan hệ nhân quả giữa hành vi bị cho là vi phạm của Ấn Độ và hành vi của Pakistan từ chối quyền tiếp cận lãnh sự.
Với lý do tương tự, Tòa cũng bác bỏ phản đối của Pakistan viện dẫn nguyên tắc ex injuria jus non oritur. Lưu ý rằng Tòa ICJ đã từng chấp nhận hai nguyên tắc này trong Vụ Dự án Gabcikovo-Nagymaros giữa Hungary và Slovakia.[4]
- Về luật áp dụng
Pakistan cho rằng nước này không vi phạm quyền tiếp xúc lãnh sự của Ấn Độ theo Điều 36 của Công ước Viên bởi vì ba lý do: (1) Điều 36 không áp dụng trong những vụ việc liên quan đến gián điệp, (2) luật áp dụng trong vụ việc này là luật tập quán quốc tế điều chỉnh hoạt động gián điệp trong quan hệ lãnh sự và theo luật tập quán này thì quyền tiếp xúc lãnh sự có thể bị hạn chế, và (3) quan hệ lãnh sự giữa Ấn Độ và Pakistan được điều chỉnh theo Thỏa thuận năm 2008 về Quyền tiếp xúc lãnh sự.[5] Tóm lại, lập luận chính của Pakistan là Công ước Viên năm 1963 không áp dụng trong vụ việc này bởi vì đây là vụ việc về gián điệp được điều chỉnh theo luật tập quán quốc tế và Thỏa thuận năm 2008.
Tòa ICJ bác bỏ cả ba lập luận trên của Pakistan.
- Điều 36 của Công ước Viên có áp dụng trong vụ việc liên quan đến gián điệp?
Tòa cho rằng lời văn của Điều 36, và cả các điều khoản khác của Công ước, không hề nhắn đến các vụ việc liên quan đến gián điệp.[6] Đọc lời văn của Điều 36 trong ngữ cảnh và mục đích và đối tượng của Công ước cũng không hề cho thấy điều này không áp dụng đối với một số nhóm cá nhân, ví dụ như các cá nhân bị cáo buộc hoạt động gián điệp.[7] Như vậy, nội hàm của Điều 36 không loại trừ quyền tiếp cận lãnh sự đối với cá nhân bị cáo buộc hoạt động gián điệp.
Kết luận trên phù hợp với lịch sử đàm phán Điều 36. Mặc dù vấn đề gián điệp được nêu ra khi Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC) dự thảo Công ước, nhưng Ủy ban không thảo luận sâu.[8] Tại Hội nghị ngoại giao tại Viên năm 1963 để thông qua Công ước, vấn đề hoạt động gián điệp có được nêu ra nhưng trong không với hàm ý là quyền tiếp cận lãnh sự theo Điều 36 sẽ không áp dụng cho các vụ việc liên quan đến hoạt động gián điệp.[9]
Tóm lại, Pakistan không có căn cứ để cho rằng Điều 36 không áp dụng cho các cá nhân bị cáo buộc hoạt động gián điệp.
- Liệu luật tập quán quốc tế có đặt ra ngoại lệ cho quyền tiếp cận lãnh sự trong các vụ việc liên quan đến gián điệp?[10]
Tòa ICJ đồng ý rằng Lời nói đầu của Công ước Viên năm 1963 có ghi nhân rằng “các quy định của luật tập quán quốc tế tiếp tục điều chỉnh những vấn đề không được điều chỉnh trực tiếp theo các quy định của Công ước này”. Tuy nhiên, vấn đề liên quan đến quyền tiếp cận lãnh sự theo Điều 36 đối với các cá nhân bị cáo buộc hoạt động gián điệp không phải là “vấn đề không được điều chỉnh” theo Công ước. Như đã giải thích ở trên, Điều 36 áp dụng cho các cá nhân liên quan đến vụ việc về hoạt động gián điệp. Do đó, luật tập quán quốc tế không áp dụng trong vụ việc này.
- Về Thỏa thuận giữa Ấn Độ và Pakistan về Quyền tiếp cận lãnh sự năm 2008?
Năm 2008, Ấn Độ và Pakistan ký một thỏa thuận về quyền tiếp cận lãnh sự, trong đó có quy định rằng hai nước sẽ tạo thuận lợi lãnh sự cho nhau, và “trong trường hợp bắt giữ, giam giữ hay kết án dựa trên căn cứ chính trị hay an ninh, mỗi bên sẽ xem xét vụ việc dựa trên bản chất của vụ việc”.[11] Pakistan cho rằng,[12] vụ Jadhav liên quan đến hoạt động gián điệp và khủng bố, do đó, là một vụ việc liên quan đến “căn cứ an ninh” nêu trên. Theo đó, Thỏa thuận cho phép Pakistan được phép xem xét quyền tiếp cận lãnh sự dựa trên “bản chất vụ việc”.
Tòa bác bỏ cách giải thích của Pakistan với lý do là chính Thỏa thuận ghi nhận rằng mục đích của Thỏa thuận là nhằm “mong muốn thúc đẩy mục đích đối xử nhân đạo với công dân của nhau khi bị bắt giữ, giam giữ hay bỏ tù ở nước kia.”[13] Do đó, việc xem xét vụ việc theo bản chất không thể đồng nghĩa với việc từ chối quyền tiếp cận lãnh sự. Nếu hai nước muốn giới hạn quyền tiếp cận lãnh sự theo Điều 36 Công ước Viên thì đã ghi nhận rõ ràng một điều khoản như thế.[14]
Hơn nữa, Tòa cho rằng nếu Thỏa thuận năm 2008 có ý định loại bỏ hay giới hạn quyền tiếp cận lãnh sự theo Điều 36 của Công ước Viên thì sẽ vi phạm vào quy định tại Điều 73(2) Công ước. Điều 73(2) chỉ cho phép các quốc gia ký kết các thỏa thuận về quan hệ lãnh sự nhằm “xác nhận, bổ sung, mở rộng” các quy định của Công ước, chứ không phải là nhằm thay thế quy định của Công ước.[15]
- Các quyền và nghĩa vụ mà Pakistan đã vi phạm
Điều 36(1)(b) Công ước 1963 quy định cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận phải thông báo ngay các quyền của công dân nước cử khi bắt giữ người này. Tòa cho rằng Pakistan đã vi phạm Điều 35(1)(b) khi không thông báo cho ông Jadhav các quyền tiếp xúc lãnh sự ([102]).
Điều 36(1)(b) cũng quy định “nếu đương sự yêu cầu” cơ quan chức năng của nước tiếp nhận phải thông báo “ngay” (without delay) cho cơ quan lãnh sự của nước gửi trong trường hợp đương sự bị bắt giữ hay giam giữ. Tòa lưu ý rằng đương sự sẽ không biết được mình có các quyền tiếp xúc lãnh sự gì nếu không được cơ quan chức năng của nước tiếp nhận thông báo về quyền của mình.[16] Do Pakistan đã không thông báo cho ông Jadhav các quyền của ông này theo Điều 36, do đó, Pakistan có nghĩa vụ phải thông báo cho Ấn Độ về việc bắt giữa ông này, kể cả khi ông này không có yêu cầu ([109]). Trong vụ việc này, Pakistan đã có thông báo cho Ấn Độ.
Do Pakistan chỉ thông báo cho Ấn Độ sau 3 tuần tính từ khi bắt giữ Jadhav, Tòa cần xem xét tiếp liệu Pakistan đã vi phạm nghĩa vụ thông báo “ngay” (without delay) cho Ấn Độ hay không. Nhắc lại quan điểm của mình trong Vụ Avena và các công dân Mexico khác giữa Mexico và Mỹ năm 2004, Tòa khẳng định yêu cầu thông báo ngay không có nghĩa là phải thông báo “ngay lập tức khi bắt giữ và trước khi thẩm vấn”.[17] Bối cảnh của từng vụ việc cần phải xem xét đến. Tòa nhắc lại rằng trong Vụ Mexico v. Mỹ nêu trên,[18] một mặt Tòa cho rằng đã có vi phạm khi thông báo chỉ gửi sau 40 giờ kể từ thời điểm bắt giữ do các bằng chứng cho thấy Mỹ đã biết rõ quốc tịch của người bị bắt tại thời điểm bắt giữ. Mặt khác, Tòa lại kết luận không có vi phạm khi thông báo được gửi sau 5 ngày kể từ thời điểm bị bắt, bởi vì quốc tịch của người bị bắt không rõ ràng. Soi vào trong vụ việc này, Tòa thấy rằng Pakistan đã phải biết ông Jadhav có quốc tịch Ấn Độ như được ghi nhận trên hộ chiếu của ông này. Tuy nhiên, Pakistan chỉ thông báo cho Ấn Độ sau 3 tuần kể từ khi bị bắt, do đó, đã vi phạm nghĩa vụ thông báo ngay ([113]).
Ngoài ra, Tòa còn kết luận Pakistan vi phạm quyền tiếp cận lãnh sự của Ấn Độ theo Điều 36(1)(a) và (c) khi từ chối cho viên chức lãnh sự của Ấn Độ tiếp xúc với ông Jadhav.[19] Tòa cho rằng việc Ấn Độ không hợp tác với Pakistan theo yêu cầu của Pakistan không là lý do Pakistan từ chối quyền tiếp xúc lãnh sự ([117]).
- Về yêu cầu của Ấn Độ đề nghị Tòa ICJ bác bỏ phán quyết tử hình của tòa án Pakistan
Mặc dù xác định rằng Pakistan đã vi phạm các quyền và nghĩa vụ theo Điều 36 của Công ước Viên, Tòa ICJ không chấp nhận yêu cầu của Ấn Độ bác bỏ phán quyết tử hình ông Jadhav của tòa án Pakistan. Tòa cho rằng việc truy tố và kết án ông Jadhav không là hành vi vi phạm, mà là hành vi từ chối quyền tiếp cận lãnh sự ([136]). Tòa cho rằng biện pháp khắc phục hậu quả cho hành vi sai phạm quốc tế của Pakistan trong vụ việc này là tiến hành xem xét lại một cách thực chất cáo trạng và bản án của ông Jadhav ([138]), và Pakistan có quyền lựa chọn biện pháp cụ thể để thực hiện yêu cầu trên ([146]). Cuối cùng, Tòa yêu cầu Pakistan tiếp tục hoãn thi hành án tử hình với ông Jadhav cho đến khi vụ việc này được xem xét lại một cách thực chất ([148]).
Trần H. D. Minh
————————————————————————————-
[1] Vụ Jadhav (Ấn Độ v. Pakistan) [2019] (Phán quyết) 18 [59]. [2] Như trên.
[3] Vụ một số tài sản Iran (Iran v. Mỹ) [2019] (Phán quyết về thẩm quyền) 36 [122].
[4] Vụ dự án Gabcikovo-Nagymaros (Hungary/Slovakia) [1997] (Phán quyết) 7, 67 [110] và 76 [133].r
[5] Vụ Jadhav (n 1) 20 [68]. [6] Như trên, [73]-[75]. [7] Như trên. [8] Như trên, [81]-[82]. [9] Như trên, [85]. [10] Như trên, [89]. [11] Như trên, trích lại tại [91]. [12] Như trên, [92]. [13] Như trên, [94]. [14] Như trên. [15] Như trên, [95]-[97]. [16] Như trên, [107]-[109]. [17] Như trên, [113]. [18] Như trên. [19] Như trên, [116]-[119].
Trả lời