[97] Nguyên tắc bình đẳng chủ quyền

Luật pháp quốc tế có 07 nguyên tắc cơ bản, có vai trò nền tảng trong hệ thống pháp luật quốc tế sau Thế chiến thứ hai đến nay. Các bài viết trước đã phân tích các nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực (và ngoại lệ quyền tự vệ chính đáng), nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế (phần đầu của post này), nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khácnguyên tắc pacta sunt servanda, nguyên tắc bình đẳng chủ quyền, và nguyên tắc dân tộc tự quyết. Bài viết này sẽ phân tích một trong các nguyên tắc đó: nguyên tắc bình đẳng chủ quyền. Cấu trúc phân tích gồm 03 phần: Nguồn – Nội dung chính – Ngoại lệ.

I. Nguồn của nguyên tắc

Nguyên tắc bình đẳng chủ quyền được xem là nền tảng tiên đề của các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế.[1] Gần đây, Tòa ICJ đã khẳng định nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các Quốc gia là “một trong những nguyên tắc cơ bản của trật tự pháp lý quốc tế.”[2] Nguyên tắc này được ghi nhận trong các điều ước quốc tế, trong đó quan trọng nhất là Điều 2(1) Hiến chương Liên hợp quốc. Việc Điều 2 về các nguyên tắc của Liên hợp quốc đã dành khoản đầu tiên để ghi nhận nguyên tắc bình đẳng chủ quyền cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của nguyên tắc này. Lịch sử hình thành Liên hợp quốc cũng cho thấy vai trò đặc biệt này. Tại Hội nghị Mat-xcơ-va năm 1943, lần đầu tiên các quốc gia đồng minh phát thảo ra các nguyên tắc cơ bản cho một tổ chức quốc tế mới sẽ được thành lập sau khi kết thúc chiến tranh.[3] Tuyên bố chung sau Hội nghị của Mỹ, Anh, Liên Xô và Trung Quốc ghi nhận “sự cần thiết thành lập một tổ chức quốc tế chung nhanh nhất có thể, dựa trên nguyên tắc bình đẳng chủ quyền của tất cả các quốc gia yêu chuộng hòa bình, và mở cho tất cả các quốc gia như thế gia nhập, dù là nước lớn hay nhỏ, nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.”[4]

Điều 2(1) Hiến chương quy định: “Tổ chức này dựa trên nền tảng là nguyên tắc bình đẳng chủ quyền của tất cả các Thành viên của Tổ chức.” Các điều ước quốc tế thành lập tổ chức quốc tế khác cũng ghi nhận nguyên tắc tương tự: Điều 10 Hiến chương Tổ chức Liên Mỹ, Điều III.1. Hiến chương Tổ chức Liên minh châu Phi, Điều 2(2)(a) và Điều 5 Hiến chương ASEAN.

Trong Vụ Nicaragua v. Mỹ năm 1986, Tòa ICJ đã công nhận nguyên tắc bình đẳng chủ quyền là một quy định tập quán quốc tế, và là nội hàm cơ bản của nguyên tắc chủ quyền quốc gia. Tòa nhận định: “Khái niệm pháp lý cơ bản của chủ quyền Quốc gia trong tập quán quốc tế được thể hiện, inter alia, tại Điều 2, khoản 1 của Hiến chương Liên hợp quốc.”[5]

II. Nội dung chính

Tuyên bố về các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế trong Nghị quyết 2625 năm 1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc – Tuyên bố này được xem là một văn bản “giải thích có giá trị” (authoritative interpretation) của Hiến chương,[6] – đã giải thích rõ ràng nội hàm của nguyên tắc này. Nội hàm chính của nguyên tắc này là:

“Tất cả các Quốc gia đều bình đẳng về chủ quyền. Các Quốc gia bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, và là thành viên bình đẳng của cộng đồng quốc tế, bất kể khác biệt về kinh tế, xã hội, chính trị hay các khác biệt khác.”

Nói cách khác, nguyên tắc này cấu thành từ hai bộ phận: Chủ quyền và Bình đẳng. Mọi quốc gia đều chó chủ quyền và chủ quyền đó là bình đẳng với nhau. Chủ quyền là khái niệm trung tâm của luật pháp quốc tế đương đại (xem thêm post này), là quyền lực tối cao của một quốc gia bên trong lãnh thổ của mình và bên ngoài lãnh thổ trong quan hệ với các quốc gia khác.[7] Thẩm phán James Crawford của Tòa ICJ từng giải thích nội hàm chủ quyền theo cách dễ hiểu như sau:

“Luật pháp quốc tế xem mỗi quốc gia như một thực thể có chủ quyền, theo nghĩa rằng quốc gia mặc nhiên có toàn bộ thẩm quyền để hoạt động không chỉ bên trong quốc gia mà còn ở phạm vi quốc tế, để ký kết (hoặc không ký kết) các điều ước quốc tế và các cam kết khác, để quan hệ (hoặc không quan hệ) với quốc gia khác bằng nhiều cách thức, để đồng ý (hoặc không đồng ý) giải quyết các tranh chấp quốc tế.”[8]

Chủ quyền của mọi quốc gia đều bình đẳng trước luật pháp quốc tế, bất kể sự khác biệt về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, hay điều kiện tự nhiên. Nguyên tắc này chỉ bảo đảm các quốc gia bình đẳng về mặt pháp lý. Cũng lưu ý rằng mặc dù Tuyên bố năm 1970 giải thích rằng mọi quốc gia đều “bình đẳng về quyền và nghĩa vụ” nhưng thực chất chỉ đối với các quyền và nghĩa vụ cơ bản của các quốc gia theo luật pháp quốc tế chung. Bởi vì, mỗi quốc gia chịu ràng buộc bởi các quyền và nghĩa vụ pháp lý khác nhau, tùy thuộc vào số lượng và nội dung các điều ước quốc tế từng quốc gia ký kết. Bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, do đó, chỉ áp dụng với các quyền và nghĩa vụ theo tập quán quốc tế chung và các nguyên tắc pháp luật chung – những nguồn có giá trị pháp lý phổ quát.

Tuyên bố năm 1970 còn giải thích cụ thể hơn nội hàm chi tiết của bình đẳng, như sau: (a) bình đẳng về pháp lý, (b) được hưởng các quyền theo xuất phát từ chủ quyền hoàn toàn, (c) có nghĩa vụ tôn trọng tư cách của các quốc gia khác, (d) bất khả xâm phạm về toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị, (e) có quyền tự do lựa chọn và phát triển chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, và (f) có nghĩa vụ tuân thủ đầy đủ và thiện chí nghĩa vụ quốc tế và chung sống hòa bình với các quốc gia khác. Có thể thấy nội hàm của nguyên tắc bình đẳng chủ quyền có điểm tương tự như nội hàm của nguyên tắc cấm can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác, nguyên tắc dân tộc tự quyết và nguyên tắc pacta sunt servanda.

sovereign equality

Nội hàm bất khả xâm phạm về toàn vẹn lãnh thổ đã được Tòa ICJ xem xét đến trong Vụ Nicaragua v. Mỹ. Tòa cho rằng tập quán quốc tế cho phép chủ quyền của một quốc gia mở rộng ra ngoài lãnh thổ đất liền, bao quát cả nội thủy, lãnh hải và vùng trời phía trên lãnh thổ và lãnh hải,[9] và các quốc gia có nghĩa vụ phải tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của quốc gia khác.[10] Mỹ đã vi phạm chủ quyền của Nicaragua khi tiến hành các chuyến bay trái phép trên vùng trời quốc gia của Nicaragua, và đặt thủy lôi trong nội thủy và lãnh hải của Nicaragua.[11]

III. Ngoại lệ

Về nguyên tắc, các quốc gia có chủ quyền bình đẳng. Ngoại lệ có thể là duy nhất của nguyên tắc bình đẳng chủ quyền là sự đồng ý tự nguyện từ bỏ vị thế bình đẳng pháp lý. Về mặt pháp lý, các quốc gia có thể thông qua việc ký kết điều ước quốc tế, hình thành tập quán khu vực hay đưa ra cam kết đơn phương thông qua hành vi pháp lý đơn phương của mình. Khi đó, một số quốc gia sẽ tạo ra bất bình đẳng. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng sự bất bình đẳng đó là tự nguyện và dựa vào chính sự đồng ý (consent) của các quốc gia. Ví dụ như, khi phê chuẩn Hiến chương Liên hợp quốc, các quốc gia thành viên, bao gồm Việt Nam, đã tự nguyện chấp nhận sự bất bình đẳng giữa 05 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an và các quốc gia thành viên còn lại. Anh, Mỹ, Pháp, Nga và Trung Quốc luôn có mặt trong Hội đồng Bảo an; trong khi 09 ủy viên không thường trực sẽ được bầu theo nhiệm kỳ 02 năm và thậm chí không được đảm nhận vị trí ủy viên hai nhiệm kỳ liên tục. Năm ủy viên thường trực còn có quyền phủ quyết (veto) tất cả các dự thảo quyết định của Hội đồng Bảo an. Sự bất bình đẳng thể hiện rất rõ nét, nhưng là sự bất bình đẳng dựa trên sự đồng ý tự nguyện của 188 quốc gia còn lại. Các quốc gia hoàn toàn có thể không phê chuẩn Hiến chương Liên hợp quốc, hoặc tự tạo ra một tổ chức bình đẳng hơn (ví dụ như ASEAN). Tại Hội đồng Bảo an, các quốc gia đã tự mình từ bỏ vị thế bình đẳng pháp lý của mình.

Một điểm đặc biệt lưu ý là nguyên tắc bình đẳng chủ quyền chỉ bảo đảm cho các quốc gia sự bình đẳng về mặt pháp lý. Cần phân biệt rõ để tránh có so sánh khập khiễn giữa bình đẳng pháp lý và sự bất bình đẳng trên thực tế về mặt chính trị, kinh tế hay xã hội. Trong cộng đồng quốc tế, xét về mặt chính trị sẽ có các quốc gia có quyền lực khác nhau, có thể chia thành siêu cường, cường quốc, cường quốc khu vực, cường quốc tầm trung, và những nước nhỏ. Xét về mặt kinh tế-xã hội, có các nước phát triển, nước đang phát triển, nước kém phát triển. Xét về mặt khoa học-kỹ thuật, có thể có nước tiên tiến, có nước lạc hậu. Những sự khác biệt đó không phải là sự bất bình đẳng pháp lý và không thể được xem là ngoại lệ của nguyên tắc bình đẳng chủ quyền.

Trần H. D. Minh

Xem thêm các post về các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế:

  1. Nguyên tắc cấm sử dụng hay đe doạ sử dụng vũ lực (ví dụ thực tiễn cáo buộc sử dụng vũ lực gần đây tại post nàynàynày, và này).
  2. Ngoại lệ sử dụng vũ lực hợp pháp: Quyền tự vệ chính đáng
  3. Nguyên tắc hoà bình giải quyết tranh chấp quốc tế (phần đầu của post này).
  4. Nguyên tắc cấm can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác
  5. Nguyên tắc pacta sunt servanda
  6. Nguyên tắc dân tộc tự quyết

———————————————————————-

[1] J Kokott, ‘States, Sovereign Equality’ [1], in Max Planck Encyclopedia of Public International Law [MPEPIL].

[2] Tranh chấp liên quan đền việc thu giữ một số tài liệu và dữ liệu (Timor Leste v. Australia) [2014] (Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời) ICJ Rep 147, 153 [27].

[3] History of the UN Charter: 1943: Moscow and Teheran Conferences, truy cập tại http://www.un.org/en/sections/history-united-nations-charter/1943-moscow-and-teheran-conferences/index.html (truy cập ngày 04/9/2018).   [4] Như trên.

[5] Vụ Hoạt động quân sự và bán quân sự ở Nicaragua (Nicaragua v Mỹ) [1986] (Phán quyết về nội dung) ICJ Rep 14, 111 [212].

[6] MN Shaw, International Law, 6th ed. (Cambridge University Press 2008) 253; J Kokott (n 1) [19].   [7] Như trên, 487.

[8] J Crawford, ‘Sovereignty as a legal value,’ in trong J Crawford & M Koskenniemi, Cambridge Companion to International Law (Cambridge University Press 2012) 118.

[9] Vụ Nicaragua v. Mỹ (n 5) 111 [212].   [10] Như trên, 111 [213].   [11] Như trên, Kết luận 5 và 6, 147 [5]-[6].

8 bình luận về “[97] Nguyên tắc bình đẳng chủ quyền

Add yours

  1. thưa thầy, vậy còn trường hợp quốc gia bị hạn chế do có sự vi phạm pháp luật quốc tế thì có được coi là ngoại lệ không ạ?
    VD: NƯỚC A là thành viên của LHQ bị LHQ thông qua nghị quyết trừng phạt vì một hành động vi phạm nào đó của nước A. Nghị quyết đó tạo ra sự bất bình đẳng về chủ quyền của nước A và các nước thành viên khác?

    1. Có thể xem là một ví dụ cho ngoại lệ của nguyên tắc bình đẳng chủ quyền, nếu quốc gia đó đã đồng ý chịu ràng buộc bởi một quy định luật quốc tế nào đó (ví dụ như Hiến chương Liên hợp quốc chẳng hạn) cho phép bị hạn chế, trừng phạt như thế khi quốc gia này vi phạm luật quốc tế. Ví dụ như vậy rơi vào trường hợp quốc gia đó bằng chủ quyền của mìn tự nguyện từ bỏ địa vị bình đẳng của mình.

      Minh

Gửi phản hồi cho Tran H.D. Minh Hủy trả lời

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑