Các nghị quyết – Nghĩa vụ thực thi của Việt Nam theo Hiến chương – Pháp luật Việt Nam có liên quan – Việc thực thi của Việt Nam qua các bản báo cáo
Chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã kéo dài hàng thập kỷ, và bị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án và áp đặt nhiều trừng phạt cùng với chương trình phát triển tên lửa đạn đạo. Triều Tiên đã tiến hành thử vũ khí hạt nhân 05 lần trong các năm 2006, 2009, 2013, 2016 (2 lần). Các nghị quyết trừng phạt Triều Tiên bao gồm nghị quyết 1718 (2006), 1874 (2009), 2094 (2013), 2270 (2016), 2321 (2016), 2356 (2017), 2371 (2017), 2375 (2017) và gần đây nhất là Nghị quyết 2397 ngày 22 tháng 12 năm 2017.
Các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an cho đến bây giờ vẫn ở mức phi-vũ lực theo Điều 41 của Hiến chương Liên hợp quốc. Các biện pháp vũ lực theo Điều 42 chưa được áp dụng. Các biện pháp này tập trung vào cấm vận vũ khí, đóng băng tài sản, cấm đi lại, cấm vận tài chính (bao gồm cấm cung cấp tài chính, đóng cửa chi nhánh ngân hàng Triều Tiên ở các nước), cấm xuất nhập khẩu một số hàng hóa, chủ yếu là hàng hóa xa xỉ, than đá, khoáng sản và dầu khí), kiểm tra tàu thuyền, máy bay, hàng hóa ra và vào Triều Tiên, cấm tiếp nhận tàu thuyền, tàu bay của Triều Tiên có liên quan, áp đặt hạn chế đối với hoạt động của các nhà ngoại giao và lao động Triều Tiên ở các nước,…[1] Nghị quyết 1718 (2006) cũng thành lập Ủy ban Trừng phạt (Ủy ban 1718) bao gồm đại diện của 15 thành viên HĐBA để thu thập thông tin, theo dõi và tiến hành các biện pháp thực thi cần thiết để bảo đảm việc thực thi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.[2] Năm 2009, Nghị quyết 1874 thành lập một ban chuyên gia (panel of experts) để hỗ trợ cho Uỷ ban 1718, luôn bao gồm các chuyên gia có quốc tịch của năm nước P5 cùng Nhật Bản và Hàn Quốc.
Nghĩa vụ của Việt Nam phải thực thi các nghị quyết trừng phạt Triều Tiên
Theo Điều 25 Hiến chương Liên hợp quốc, tất cả các quốc gia thành viên LHQ có nghĩa vụ phải chấp nhận và thực thi các quyết định của Hội đồng Bảo an phù hợp với Hiến chương. Do đó Việt Nam có nghĩa vụ pháp lý phải chấp nhận các nghị quyết trên và phải thực thi các biện pháp trừng phạt nêu trong các nghị quyết, bất kể quan hệ chính trị-ngoại giao giữa hai nước. Việc không thi hành sẽ vi phạm nghĩa vụ Hiến chương Liên hợp quốc.
Pháp luật Việt Nam có liên quan
Dưới góc độ pháp luật Việt Nam, Điều 6 Luật điều ước quốc tế năm 2016 cho phép và yêu cầu các cơ quan nhà nước Việt Nam phải thực thi các nghĩa vụ điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc. Tuy nhiên các cơ quan nhà nước Việt Nam sẽ có thể từ chối thực thi nếu quy định điều ước đó trái với quy định Hiến pháp.[3] Việc từ chối thực thi này vẫn được xem là vi phạm nghĩa vụ Hiến chương và do đó Việt Nam vẫn sẽ chịu trách nhiệm pháp lý quốc tế. Luật pháp quốc gia không thể là lý do để từ chối thực thi nghĩa vụ điều ước quốc tế.[4] Trong trường hợp Triều Tiên, có vẽ không có vẻ không vấn đề gì trái Hiến pháp Việt Nam có thể phát sinh. Một vấn đề khác là quan hệ giữa nghị quyết Hội đồng Bảo an và các điều ước quốc tế mà Việt Nam và Triều Tiên cùng là thành viên nếu chúng xung đột với nhau. Trong trường hợp này, Điều 103 Hiến chương quy định nghĩa vụ theo Hiến chương, bao gồm cả nghĩa vụ theo các nghị quyết của HĐBA, được ưu tiên áp dụng.
Phản ứng ngoại giao của Việt Nam
Việt Nam đều có phản ứng ngoại giao sau những lần thử hạt nhân của Triều Tiên. 2017: 9 lần NPN BNG có phát biểu về Triều Tiên “vi phạm nghiêm trọng”[5], trước đó “quan ngại sâu sắc/hết sức quan ngại và vi phạm”[6]
Việc thực thi của Việt Nam từ 2006 đến nay
Việt Nam đã tiến hành các biện pháp thực thi nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng Bảo an khi nghị quyết 1718 (2006) được đưa ra. Các biện pháp và kết quả thực thi của Việt Nam được thể hiện trong các báo cáo thực thi (implementation reports) gửi cho Ủy ban 1718. Việt Nam đã nộp 05 báo cáo.[7]
Báo cáo ngày 01/11/2007 về thực thi Nghị quyết 1718 (2006). Về cơ bản báo cáo không nêu rõ các biện pháp và kết quả thực thi của Việt Nam mà chú trọng vào việc giải thích cơ sở pháp lý theo pháp luật Việt Nam về các lĩnh vực bị trừng phạt. Việt Nam khẳng định lại quan điểm nhất quán chống phổ biến vũ khí giết người hàng loạt và tiến đến xóa bỏ hoàn toàn các loại vũ khí này. Việt Nam khẳng định cam kết sẽ thực thi và hợp tác với các quốc gia khác để thực thi các biện pháp trừng phạt. Trong kết luận, Báo cáo chỉ ra rằng “thực tế quan hệ giữa Việt Nam và Triều Tiên trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, y tế và thông tin,.. rất ít hoặc không có và các hoạt động đó không vi phạm Nghị quyết 1718 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.”[8]
Báo cáo ngày 09/08/2009 về thực thi Nghị quyết 1874 (2009). Báo cáo nêu rõ sau khi Nghị quyết 1874 được thông qua Thủ tướng Việt Nam đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thực thi nghị quyết, và đã ra một Quyết định của Thủ tướng về thực thi nghị quyết này (“Prime Minister’s Decree on the implementation of resolution 1874 (2009)”).[9] Gần như giống với báo cáo năm 2007, báo cáo này chủ yếu giải thích về quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam.
Báo cáo ngày 12/8/2013 về thực thi Nghị quyết 2094 (2013).[10] Theo báo cáo này, Việt Nam đã cho dịch ngay lập tức văn bản nghị quyết và các phụ lục đi kèm sang tiếng Việt, báo cáo Thủ tướng và gửi đến các bộ ngành liên quan. Ba tuần sau khi được thông qua, ngày 29/03/2013 Thủ tướng đã có chỉ đạo các bộ ngành thực thi nghiêm túc nghị quyết này, theo đó, chỉ đạo các bộ ngành xác định đầu mối giải quyết và thông tin cho các đơn vị trực thuộc về nội dung của nghị quyết và các cá nhân, tổ chức và hàng hóa bị trừng phạt. Về cơ bản, giống với báo cáo năm 2007 và 2009 Việt Nam giải thích (có cập nhật) các quy định pháp luật Việt Nam có liên quan. Một số nội dung mới , cụ thể hơn được đưa ra. (1) Về việc phong tỏa tài chính theo đoạn 11-15 Nghị quyết, Ngân hàng Nhà nước thực thi cao độ các biện pháp phòng ngừa trong khi chỉ đạo các tổ chức tín dụng và ngân hàng áp dụng đầy đủ, ở mức cao nhất, các tiêu chuẩn về nhận dạng khách khác và báo cáo các giao dịch tiền mặt lớn (CTR200, CTR500), giao dịch tiền điện tử quốc tế và các giao dịch nghi ngời cho Vụ chống rửa tiền, thanh tra ngân hàng và cơ quan giám sát nhằm giám sát, xử lý và báo cáo cho các cơ quan chức năng. Về kiểm tra hàng hóa theo đoạn 16-19 Nghị quyết, theo chỉ đạo của Thủ ướng ngày 29/3/2013, Bộ Công thương đã ra chỉ thị số 387/BCT-KV1 yêu cầu các tổ chức, tập đoàn, chi nhánh và liên doanh tuân thủ nghị quyết này trong quan hệ với Triều Tiên. Theo đó, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo các cơ quan tiến hành kiểm tra hàng hóa xuất xứ từ hoặc đang đi đến Triều Tiên trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm cảng biển và sân bay, phù hợp với luật pháp quốc gia và quốc tế, với quan điểm bảo đảm các hàng hóa này không thuộc danh mục cấm theo các nghị quyết trừng phạt của HĐBA. Tổng cục Hải quan có trách nhiệm chính trong việc kiểm tra hàng hóa này. Cho đến ngày báo cáo, Việt Nam không phát hiện bất kỳ vi phạm Nghị quyết nào. Các cá nhân, tổ chức của Việt Nam cũng không có quan hệ với các cá nhân, tổ chức trong danh sách của Nghị quyết 2094 (2013).
Báo cáo ngày 23/6/2016 về việc thực thi Nghị quyết 2270 (2016).[11] Nghị quyết đã được dịch nhanh chóng sang tiếng Việt và văn bản đã được thông tin cho tất cả các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương qua đường văn bản hoặc qua các cuộc họp liên cơ quan. Các bộ, ngành và chính quyền định phương đã phổ biến nội dung nghị quyết đến các đơn vị trực thuộc. Bộ Ngoại giao là cơ quan đầu mối thực thi nghị quyết. Về cơ bản, giống với báo cáo năm 2007, 2009 và 2013 Việt Nam giải thích (có cập nhật) các quy định pháp luật Việt Nam có liên quan. Điểm mới là báo cáo đã có phần tách riêng các biện pháp thực hiện. Biện pháp thực thi chủ yếu của Việt Nam là thông tin và phổ biến nội dung của Nghị quyết trên đến các cơ quan, tổ chức, bao gồm cả các tàu thuyền và tàu bay, trong lãnh thổ Việt Nam. Về cấm vận hàng hóa, Việt Nam báo cáo rằng Việt Nam không ký hay thực hiện bất kỳ giao dịch hay trao đổi nào liên quan đến các hàng hóa bị cấm theo Nghị quyết. Về cấm đi lại, các cá nhân trong danh sách cấm của Nghị quyết đã được Việt Nam đưa vào danh sách “chưa cho nhập cảnh”. Việt Nam cũng giải thích rõ hai trường hợp công dân Triều Tiên cụ thể bị nêu tên trong danh sách cấm của Nghị quyết là Kim Jung Jong và Choe Song Il đang là bí thư thứ ba và nhân viên tại Đại sứ quán Triều Tiên tại Hà Nội. Việt Nam cũng đã thực thi các biện pháp kinh tế và tài chính theo yêu cầu của Nghị quyết (tuy nhiên không nêu cụ thể trong báo cáo). Về việc cấm mở chi nhánh ngân hàng Triều Tiên, Ngân hàng Nhà nước thông tin rằng chưa bao giờ cấm phép và cũng không có thông tin về việc tồn tại chi nhánh hay văn phòng đại diện của Ngân hàng thương mại Tanchon của Triều Tiên tại Việt Nam. Không có ngân hàng Việt Nam nào có mặt tại Triều Tiên. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng yêu cầu Ủy ban 1718 thay dòng miêu tả về Kim Jung Jong và Choe Song Il trong phụ lục I của Nghị quyết, từ “đại diện Ngân hàng thương mại Tanchon tại Việt Nam” thành “đại diện Ngân hàng thương mại Tanchon” và không đề cập đến Việt Nam.
Báo cáo ngày 28/04/2017 về việc thực thi Nghị quyết 2321 (2016).[12] Báo cáo này khá ngắn, đi trực tiếp vào các biện pháp thực thi của Việt Nam và đã bỏ qua phần giải thích về pháp luật Việt Nam. Đây là một điểm mới, tiến bộ. Một số biện pháp thực thi của Việt Nam như đưa 11 cá nhân trong danh sách cấm đi lại của Nghị quyết vào danh sách “không đủ điều kiện để nhập cảnh” (“not eligible for entry”) theo Luật xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014.
Nhìn vào 05 báo cáo của Việt Nam có thể đưa ra 02 nhận xét. Thứ nhất, Việt Nam ngày càng chủ động thực thi các nghị quyết của HĐBA, biểu hiện việc không nêu rõ bất kỳ biện pháp thực thi nào trong báo cáo năm 2006 đến việc nêu trực tiếp các biện pháp thực thi trong báo cáo 2017. Thứ hai, các biện pháp thực thi của Việt Nam cho thấy ít có ảnh hưởng đến Triều Tiên, có thể do hai nước ít có quan hệ hoặc do những lý do khác. Điều duy nhất có ảnh hưởng thực tế đến Triều Tiên là đưa vào danh sách không cho nhập cảnh các cá nhân bị cấm đi lại.
Trần H. D. Minh
———————————————————————
[1] Xem tóm tắt nội dung các nghị quyết tại https://www.un.org/sc/suborg/en/sanctions/1718/resolutions
[2] Nghị quyết 1718 (2006), đoạn 12.
[3] Luật điều ước quốc tế năm 2016, Điều 3.
[4] Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế năm 1969, Điều 27.
[5] https://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/pbnfn/ns170905165606; https://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/pbnfn/ns170917164144; https://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/pbnfn/ns170831173831; https://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/pbnfn/ns170801162831; https://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/pbnfn/ns170706132640; https://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/pbnfn/ns170530230710;
[6] https://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/pbnfn/ns170520160646; https://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/pbnfn/ns170311001648; https://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/pbnfn/ns170217184444;
[7] Xem tại https://www.un.org/sc/suborg/en/sanctions/1718/implementation-reports
[8] Letter dated 19 January 2007 from the Permanent Representative of the SRV to the United Nations addressed to the Chairman of the Committee, S/AC.49/2007/9 ngày 31/01/2007, tr. 7.
[9] Không tìm thấy trên internet. Note verbale dated 9 August 2009 from the Permanent Mission of Viet Nam to the United Nations addressed to the Chairman of the Committee, S/AC.49/2009/31 ngày 17/8/2009, tr. 2.
[10] Note verbale dated 12 August 2013 from the Permanent Mission of Viet Nam to the United Nations addressed to the Chair of the Committee, S/AC.49/2013/20 ngày 13/8/2013.
[11] Note verbale dated 23 June 2016 from the Permanent Mission of Viet Nam to the United Nations addressed to the Chair of the Committee, S/AC.49/2016/36 ngày 24/6/2016.
[12] Note verbale dated 28 April 2017 from the Permanent Mission of Viet Nam to the United Nations addressed to the Chair of the Committee, S/AC.49/2017/58 ngày 01/5/2017.
Trả lời