[188] Điều kiện tự nhiên và xã hội của các đảo là điểm cơ sở trên đường cơ sở thẳng của Việt Nam

Trong 12 điểm cơ sở trên đường cơ sở thẳng của Việt Nam, có 10 điểm là được đặt trên các đảo. Các thông tin về một số đảo xa bờ quan trọng liên quan đến đặc điểm tự nhiên và lịch sử hoạt động của con người trên các đảo không có sẵn từ nguồn chính thức. Cho đến hiện nay, có vẻ chưa có bất kỳ nghiên cứu nào tổng hợp điều kiện địa lý của các đảo này. Trong khi đó, các thông tin như thế là cần thiết để có thể xác định quy chế pháp lý của các đảo này theo Điều 121 Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Bài viết nhằm lấp khoảng trống này. Các thông tin được sử dụng trong bài viết được tổng hợp từ các nguồn tin của cơ quan nhà nước, và trong trường hợp sử dụng thông tin báo chí, tác giả đã có rà soát, đối chiếu nhiều nguồn để bảo đảm tính xác thực của thông tin. Dù có sự cẩn trọng thích đáng, các kết luận của bài viết mang tính chất tương đối về bằng chứng.

1. Các đảo là điểm cơ sở của đường cơ sở của Việt Nam

Đường cơ sở hiện nay của Việt Nam là đường cơ sở thẳng, được xác lập theo Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam về đường cơ sở lãnh hải năm 1982.[1] Điều 8 Luật Biển Việt Nam năm 2012 xác nhận rằng: “Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam là đường cơ sở thẳng đã được Chính phủ công bố.”

Đường cơ sở thẳng của Việt Nam là hệ thống các đoạn thẳng nối 12 điểm cơ sở, trong đó điểm A0 chưa được xác định tọa độ cụ thể mà chỉ được công bố là “điểm tiếp giáp của hai đường cơ sở” của Việt Nam và Campuchia “nằm giữa biển, trên đường thẳng nối liền quần đảo Thổ Chu và Poulo Wai” và “nằm ở Tây Nam đường phân định vùng nước lịch sử giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Campuchia”. Các điểm cơ sở từ A1 đến 11 gồm: Hòn Nhạn (A1) thuộc quần đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang; Hòn Đá Lẻ (A2) thuộc tỉnh Cà Mau; Hòn Tài Lớn (A3), Hòn Bông Lang (A4), Hòn Bảy Cạnh (A5) thuộc quần đảo Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Hòn Hải (A6) thuộc nhóm đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận; Hòn Đôi (A7) thuộc tỉnh Khánh Hòa; Mũi Đại Lãnh (A8) thuộc tỉnh Phú Yên; Hòn Ông Căn (A9) thuộc tỉnh Bình Định; Đảo Lý Sơn (A10) thuộc tỉnh Quảng Ngãi; và Đảo Cồn Cỏ (A11) thuộc tỉnh Quảng Trị.

Trong 11 điểm cơ sở trên, 10 điểm nằm trên các đảo, và chỉ có một điểm – điểm A8 – là nằm trên đất liền. Điểm cuối của đường cơ sở ở trên Đảo Cồn Cỏ nằm trên đường đóng Vịnh Bắc Bộ theo Hiệp định về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tại Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, ký ngày 24/12/2000 (xem Hiệp định tại đây). 

2. Điều kiện tự nhiên của các đảo là điểm cơ sở

2.1. Hòn Nhạn (A1)

Hòn Nhạn thuộc xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang là một hòn đảo trong quần đảo Thổ Chu, có diện tích 3,37 hecta.[2] So sánh và đối chiều nhiều nguồn tin và hình ảnh trên báo chí, có bằng chứng đáng tin cậy là Hòn Nhạn là một đảo, cấu tạo từ đá trắng xếp chồng lên nhau, tạo nhiều hang cạn làm nơi làm tổ của chim nhạn, đỉnh cao nhất cách mặt nước biển khoảng 40 mét, không có nguồn nước ngọt, trên đảo chỉ có cây bụi.[3]

Hòn Nhạn
Hòn Nhạn (A1). Tuổi Trẻ Online, chú thích số 3.

Hòn Nhạn nằm gần đảo chính của quần đảo Thổ Chu với khoảng cách chỉ 3,5 km. Quần đảo Thổ Chu thuộc đơn vị hành chính là xã Thổ Châu, có 1.395,16 hecta, 621 hộ dân, với 1.909 nhân khẩu, và đang được xem xét để nâng cấp lên thành đơn vị hành chính cấp huyện.[4] Hòn Nhạn là điểm đến không thể thiếu khi du lịch đến quần đảo Thổ Chu. Cư dân ở quần đảo Thổ Chu có sử dụng Hòn Nhạn trong hoạt động kinh tế của mình như thu hoạch trứng nhạn, săn bắt chim nhạn hay thu hoạch tổ yến.[5]

2.2. Hòn Đá Lẻ (A2)

Hòn Đá Lẻ nằm trong cụm đảo Hòn Khoai 7,7 km thuộc xã Tân An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau là một quần thể đá đen có chiều dài 125 mét, chỗ rộng nhất 34 mét, điểm cao nhất khoảng 7 mét so với mặt nước biển, trên đảo không có thực vật, không nguồn nước, không có cư dân sinh sống, và là một đảo quân sự.[6] Xung quanh Hòn Đá Lẻ có rạn san hô bao quanh, ngư dân ở đất liền ra đóng đáy bắt hải sản, lên đảo tránh nắng gió, và các tàu sử dụng để tránh gió.[7] Đặc điểm của Hòn Đá Lẻ gần như tương tự như Hòn Nhạn (A1), nhưng có phần khắc nghiệt hơn khi đảo chỉ được sử dụng tạm thời để phục vụ cho hoạt động kinh tế của vùng nước xung quanh và mục đích quân sự, không có bất kỳ hoạt động kinh tế nào trên Hòn Đá Lẻ.

Hòn Đá Lẻ
Hòn Đá Lẻ (A2). Thanh Niên Online, chú thích số 6.

Hòn Đá Lẻ cách đảo Hòn Khoai 7,7 km và được ngư dân của Hòn Khoai và đất liền sử dụng. Về điều kiện tự nhiên, đảo Hòn Khoai có diện tích khoảng 4 km2, điểm cao nhất cách mặt nước biển 318 mét, cách đất liền hơn 6 hải lý, trên đảo có hai con suối nước ngọt chảy quanh năm, trên đảo còn rừng nguyên sinh với khoảng 1.400 loài thực vật.[8] Về hoạt động của con người trên đảo, hiện nay không có dân cư sinh sống, chỉ có cán bộ, chiến sĩ hải quân, biên phòng, kiểm lâm và nhân viên hải đăng; đảo được sử dụng là nơi neo đậu tránh bão của tàu thuyền, cung cấp nước nước ngọt cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo và ngư dân.[9] Ngoài ra, Hòn Khoai cũng có tiềm năng kinh tế rất lớn từ du lịch do được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia năm 1990, có di tích ngôn hải đăng do Pháp xây dựng từ năm 1920, và đang có dự án xây dựng cảng biển  lớn.[10]

2.3. Hòn Tài Lớn (A3), Bông Lang (A4), Bảy Cạnh (A5) thuộc huyện Côn Đảo

Cả ba điểm cơ sở A3 tại Hòn Tài Lớn, A4 tại Hòn Bông Lang và A5 tại Hòn Bảy Cạnh đều nằm rất gần nhau và gần đảo chính đảo Côn Đảo (hay còn gọi là Côn Lôn hay Côn Sơn) của huyện Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu –. Hòn Tài Lớn cách đảo chính Côn Đảo 1,6 km, Hòn Bông Lang cách 5 km, Hòn Bảy Cạnh cách 1,4 km, với diện tích lần lượt là 0,38 km2, 0,2 km2, và 5,5 km2.[11] Hòn Bông Lang tuy cách xa đảo chính nhưng lại chỉ cách Hòn Bảy Cạnh 500 mét.

Huyện Côn Đảo có 7.000 dân (năm 2013), với đảo chính Côn Đảo rộng 51,52km2,[12] có cảng biển và sân bay. Lịch sử cư trú trên Côn Đảo muộn nhất là từ năm 1819 khi Côn Đảo được quy về đạo Cần Giờ, tỉnh Gia Định.[13]

2.4. Đảo Hòn Hải (A6) thuộc huyện đảo Phú Quý

Đảo Hòn Hải thuộc Huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, là một đảo cấu tạo bằng đá, dài 130 mét, bề ngang rộng nhất 60 mét, điểm cao nhất 113 mét,[14] có một ngọn hải đăng được xây từ năm 2004,[15] và không có cư dân thường trú, nước ngọt hay nguồn lương thực. Địa hình hiểm trở và hải lưu phức tạp khiến việc tiếp cận, leo lên Hòn Hải rất khó khăn.[16] Hiện nay, trạm hải đăng đảo Hòn Hải có biên chế năm người, cứ bốn tháng thay ca một lần và “tiếp tế từ lương thực – thực phẩm, nước ngọt cho đến các vật dụng sinh hoạt.”[17] Điều kiện tự nhiên của đảo cũng không thể trồng trọt do bị gió mặt ảnh hưởng.[18]

Hòn Hải 2
Hòn Hải (A6). Zing, chú thích số 14.

Hòn Hải (A10) thuộc nhóm đảo Phú Quý, cách đảo Phú Quý – đảo lớn nhất của nhóm đảo này – 65-70km, tức khoảng 35 – 37 hải lý. Đảo Phú Quý (còn gọi là cù lao Thu hay cù lao Khoai Xứ) có diện tích 16,5 km2, có dân số khoảng 25.000 người và cư trú lâu dài trong lịch sử.[19] Có thông tin cho rằng con người cư trú trên đảo Phú Quý và các đảo lân cận từ hơn 3.000 năm trước, các dấu tích giếng nước, đề thời của người Chăm từ thế kỷ XIII – XIV, cư dân Việt định cư từ khoảng thế kỷ XVI – XVII cho đến nay.[20] Điều kiện tự nhiên và kinh tế-xã hội của đảo Phú Quý hơn hẳn so với đảo Lý Sơn (A10).

2.5. Hòn Đôi (A7)

Hòn Đôi thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa là một đảo nhỏ, cách đất liền khoản 500 mét, diện tích khoản 02 hecta.[21] Theo quan sát qua không ảnh của Viện Công nghệ Không gian, có thể thấy đây trên đảo chỉ có cây bụi, và không có dân cư hay bất kỳ công trình nào.[22] Hòn Đôi nằm trong tổng thể của danh thắng quốc gia Mũi Đôi – Hòn Đôi, cực đông của Việt Nam.

Hòn Đôi
Hòn Đôi (A7). Viện Công nghệ Không gian, chú thích số 22.

2.6. Hòn Ông Căn (A9)

Hòn Ông Căn là một đảo trong cụm đảo Hòn Cân thuộc thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Theo hình ảnh vệ tinh do Google Map cung cấp, Hòn Ông Căn là một đảo rất nhỏ, có cây bụi, không có dân cư hay công trình, và cách đất liền khoảng 7 km.

2.7. Đảo Lý Sơn (A10)

Đảo Lý Sơn
Đảo Lý Sơn (A10). Nguồn ảnh: Nguyễn Á, chú thích số 26.

Huyện đảo Lý Sơn cách đất liền 15 hải lý, có hai đảo lớn là Đảo Lý Sơn (còn gọi là Đảo Lớn hay Cù Lao Ré) và Đảo Bé (Cù Lao Bờ Bãi), gồm ba xã An Vĩnh, An Hải và An Bình. Diện tích tự nhiên 10,4 km2, dân số 19.307 người,[23] có khoảng 60% hộ dân sống bằng nghề biển, 30% hộ dân sống bằng nghề nông (chủ yếu là trồng hành, tỏi, ngô) và 10% hộ dân sống bằng các ngành nghề khác.[24] Con người bắt đầu tư trú trên đảo từ 3000 năm trước trong giai đoạn văn hóa Sa Huỳnh, quần cư dọc theo hai dòng suối nước ngọt cổ (suối Ốc và suối Chình), cư dân Việt đến khai khẩn, lập ấp từ cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII đến nay.[25] Về điều kiện kinh tế, tính đến năm 2010, nông nghiệp chủ yếu là trồng trọt hành, tỏi, ngô, chăn nuôi khoảng 6.000 con gia súc, gia cầm; hiện có 402 tàu thuyền đánh bắt cá, tổng công suất là 30.418 CV; có 241 cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, như sản xuất đá lạnh, sơ chế hải sản, khai thác đá xây dựng, may mặc, mộc dân dụng, chế biến nước mắm,…; có 625 cơ sơ sản xuất kinh doanh cá thể, doanh nghiệp tư nhân và hợp tác xã đang hoạt động, có một chợ huyện và hai chợ xã.[26]

2.8. Đảo Cồn Cỏ (A11)

Đảo Cồn Cỏ thuộc huyện Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị, có diện tích 230 hecta, độ cao trung bình 7 – 10 mét so với mục nước biển, dân số khoảng 400 người.[27]

Trần H. D. Minh

(*) Bài viết ban đầu là một báo cáo tổng hợp phục vụ cho một nghiên cứu mà sau này phát triển thành bài viết Quách Thị Huyền & Trần Hữu Duy Minh, “Áp dụng tương tự của Toà trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông vào việc xác định quy chế pháp lý của các đảo xa bờ quan trọng của Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, số 3 (118), tháng 11/2019, tr. 113 – 138.

————————————————

[1] Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 12 tháng 11 năm 1982 về đường cơ sở lãnh hải của Việt Nam, bản tiếng Anh trên website của Liên hợp quốc, https://www.un.org/Depts/los/LEGISLATIONANDTREATIES/PDFFILES/VNM_1982_Statement.pdf

[2] UBND Huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, “Danh sách các đảo thuộc huyện Phú Quốc”, Cổng thông tin điện tử Đảo Phú Quốc, http://phuquoc.gov.vn/ChinhQuyen/Baocaothongke/Thongtinniengiamthongke/tabid/284/ArticleID/713/CateID/110/View/Detail/language/vi-VN/Default.aspx

[3] Vũ Hoàng (Cà Mau Online), “Một lần ra Hòn Nhạn”, Người Lao động, ngày 26/03/2011, https://nld.com.vn/dia-phuong/mot-lan-ra-hon-nhan-20110325042534991.htm; Nguyễn Triều, “Lần đầu, tour Thổ Chu”, Tuổi trẻ Online, ngày 17/4/2016, https://dulich.tuoitre.vn/du-lich/lan-dau-tour-tho-chu-1085842.htm; Đức Hồng, “Hòn đảo của chim trời”, Bình Phước Online, ngày 19/7/2016, http://baobinhphuoc.com.vn/Content/hon-dao-cua-chim-troi-63006

[4] Hoàng Giám, “Bộ Nội vụ làm việc với Kiên Giang về thành lập huyện đảo Thổ Châu, thành phố Hà Tiên”, Cổng thông tin điện tử tỉnh Kiên Giang, ngày 09/3/2018, https://www.kiengiang.gov.vn/trang/TinTuc/1/2891/Bo-Noi-vu-lam-viec-voi-tinh-Kien-Giang-ve-thanh-lap-huyen-dao-Tho-Chau–thanh-pho-Ha-Tien..html, truy cập ngày 23/5/2017.

[5] Một số bài báo cho thấy có hoạt động thu nhặt trứng nhạn (nhưng không được khuyến khích, xem PV, “Báo động tình trạng tận thu trứng chim nhạn ở Kiên Giang”, Nhân dân điện tử, ngày 24/7/2010, http://nhandan.com.vn/xahoi/item/4763402-.html) , truy cập ngày 23/5/2017, và từng có hoạt động thu hoạch tổ yến (nhưng không rõ quy mô và tính thường xuyên), xem Nguyễn Triều – Tiến Trình, “Thổ Châu – Hòn đảo bị bắt cóc”, Tuổi trẻ Online, ngày 18/7/2016, https://tuoitre.vn/tho-chau-hon-dao-bi-bat-coc-1138630.htm, truy cập ngày 23/5/2017.

[6] Mai Thanh Hải & Ngô Trần Hải An, “Khám phá bí ẩn ‘Hòn Đá Lẻ – Điểm A2’”, Thanh niên, ngày 04/04/2019, https://thanhnien.vn/thoi-su/kham-pha-bi-an-hon-da-le-diem-a2-1066738.html, truy cập ngày 23/5/2017.   [7] Như trên.

[8] Vĩnh Phong, “Đảo Hòn Khoai – Viên ngọc của vùng biển Tây Nam”, VOV5, ngày 13/6/2013, http://vovworld.vn/vi-VN/viet-nam-dat-nuoc-con-nguoi/dao-hon-khoai-vien-ngoc-cua-vung-bien-tay-nam-160510.vov, truy cập ngày 23/5/2017; Lê Sỹ Tứ, “’Củ Khoai’ khổng lồ giữa biển cả”, An ninh Thủ đô, ngày 24/7/2014, https://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/cu-khoai-khong-lo-giua-bien-ca/561851.antd, truy cập ngày 23/5/2017.   [9] Như trên.

[10] Chí Hiếu, “Cà Mau được phép xây cảng biển 2,5 tỷ USD”, VNEpress, ngày 17/7/2015, https://vnexpress.net/kinh-doanh/ca-mau-duoc-phep-xay-cang-bien-2-5-ty-usd-3250274.html, truy cập ngày 23/5/2017.

[11] UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ‘Các đơn vị hành chính’, website của UBND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, http://www.baria-vungtau.gov.vn/web/guest/bo-may-to-chuc-1/-/brvt/extAssetPublisher/content/168678/huyen-con-dao

[12] Cổng thông tin điện tử UBND huyện Côn Đảo – Bà Rịa Vũng Tàu, Giới thiệu, xem tại http://condao.baria-vungtau.gov.vn/gioi-thieu/gioi-thieu/n383.wti, truy cập ngày 23/5/2017.

[13] UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Lịch sử hình thành tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, ngày 26/11/2012, xem tại http://www.baria-vungtau.gov.vn/web/guest/tong-quan/-/brvt/extAssetPublisher/content/168606/lich-su-hinh-thanh, truy cập ngày 23/5/2017.

[14] Hải An, Khối đá khổng lồ có hàm xuyên núi trên Biển Đông, Báo Zing.vn, ngày 03/8/2015, xem tại https://zingnews.vn/khoi-da-khong-lo-co-ham-xuyen-nui-tren-bien-dong-post561640.html, truy cập ngày 23/05/2017.

[15] Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàn hải miền Nam, Hải đăng Hòn Hải, xem tại http://www.vms-south.vn/hai-dang-luong-hang-hai/he-thong-hai-dang/hon-hai, truy cập ngày 22/5/2017.

[16] Mai Thanh Hải, ‘Robinson’ trên đảo Hòn Hải, ngày 27/12/2015, xem tại http://thanhnien.vn/thoi-su/robinson-tren-dao-hon-hai-651165.html, truy cập ngày 23/5/2017.   [17] Như trên.   [18] Như trên.

[19] Xem Cổng thông tin điện tử Huyện Phú Quý, Phát triển rừng trên đảo, xem tại http://www.phuquy.gov.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=95:phat-trin-rng-tren-o&catid=43:thong-tin-t-liu&Itemid=4, truy cập ngày 22/5/201; Biên phòng Việt Nam, Tìm hiểu về đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, xem tại http://bienphongvietnam.vn/lich-su-van-hoa/dlls/1494-ddd.html, truy cập ngày 22/5/2017.

[20] Cổng thông tin điện tử Huyện Phú Quý, Khái quát tổng quan về lịch sử hình thành và văn hóa huyện Phú Quý, xem tại http://www.phuquy.gov.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=2486:khai-quat-tng-quan-v-lch-s-hinh-thanh-va-vn-hoa-huyn-phu-quy&catid=32:lch-s-phat-trin&Itemid=3, truy cập ngày 23/5/2017.

[21] Nguyễn Văn Thích, “Mũi Đôi – Hòn Đôi (Hòn Đầu)”, Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Khánh Hòa, ngày 20/02/2018, https://ditichkhanhhoa.org.vn/index.php/2018/02/20/mui-doi-hon-doi-hon-dau/

[22] Viện Công nghệ Không gian, “Những hình ảnh mới nhất từ máy bay không người lái *AV.UAV.S1 và AV.UAV.S2) cất cánh tại bãi biển huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa”, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ngày 25/5/2013, http://vast.ac.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=1598:nhung-hinh-anh-moi-nhat-tu-may-bay-khong-nguoi-lai-av-uav-s1-va-av-uav-s2-cat-canh-tai-bai-bien-van-ninh-khanh-hoa&catid=18:tin-khoa-hoc-cong-nghe-trong-nuoc

[23] Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi, Niên giám thống kê năm 2016, tr. 19, http://thongkequangngai.com/niengiam2016/files/assets/basic-html/page1.html

[24] Huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quãng Ngãi), Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên – Huyện đảo Lý Sơn, ngày 02/03/2011, xem tại http://www.quangngai.gov.vn/vi/lyson/Pages/qnp-dieukientunhien-qnpstatic-2-qnpdyn-0-qnpsite-1.html, truy cập ngày 23/05/2017.

[25] Huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quãng Ngãi), Lịch sử hình thành Lý Sơn, ngày 02/03/2011, xem tại http://www.quangngai.gov.vn/vi/lyson/Pages/qnp-intro-gioithieu-qnpstatic-1-qnpdyn-0-qnpsite-1.html., truy cập ngày 23/05/2017.

[26] Huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quãng Ngãi), Kinh tế Lý Sơn, ngày 08/12/2010, xem tại http://www.quangngai.gov.vn/vi/lyson/Pages/qnp-dieukienkinhte-qnpstatic-3-qnpdyn-0-qnpsite-1.html, truy cập ngày 23/05/2017. Nguồn hình ảnh: Nguyễn Á, đăng tại Lê Xuân Thắng, “Nào cùng lên chuyến tàu từ Sa Kỳ đến Lý Sơn”, Báo Tuổi trẻ Online, ngày 01.07.2019, https://tuoitre.vn/nao-cung-len-chuyen-tau-tu-sa-ky-ve-voi-ly-son-20190701085135663.htm truy cập ngày 15/5/2020.

[27] “Giới thiệu tổng quan về huyện đảo Cồn Cỏ”, Huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị, ngày 20/01/2016, http://conco.quangtri.gov.vn/vi/gioi-thieu/tong-quan/. Xem thêm Trần Đức Thạnh, Lê Đức An, Trần Đình Lân, Trịnh Thị Minh Trang, Nguyễn Thị Minh Huyền, “Tài nguyên vị thế đảo Cồn Cỏ”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Biển, tập 17, số 1, 2017, tr. 12-22.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: