Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) ra quyết định cảnh cáo “thẻ vàng” đối với Việt Nam. Theo thông cáo báo chí cùng ngày, EC cho rằng “Việt Nam đã không làm đủ để chống lại việc đánh bắt cá bất hợp pháp”, thiếu chế tài và các biện pháp để ngăn chặn việc tàu cá Việt Nam đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng biển của các quốc gia láng giềng, bao gồm các quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương.[1] Từ đó, Chính phủ Việt Nam đã có nỗ lực lớn trong việc khắc phục “thẻ vàng” này, và đồng thời thuật ngữ “khái thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định” xuất hiện nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng.
1. Về thuật ngữ trong tiếng Việt và tiếng Anh
Thuật ngữ này được sử dụng tại Điều 7(6) của Luật thủy sản năm 2017 quy định về hoạt động thuỷ sản bị cấm là “khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (sau đây gọi là khai thác thủy sản bất hợp pháp)”.
Trong Quyết định 78/QĐ-TTg (2018) của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025”, ba thuật ngữ được sử dụng. Cụ thể là “khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định”, “khai thác IUU“, và “hoạt động khai thác IUU“.
Thuật ngữ này có nguyên gốc tiếng Anh là “Illegal, Unreported and Unregulated Fishing”, viết tắt là “IUU fishing”.
2. Định nghĩa của FAO
Năm 2001, FAO thông qua văn kiện tự nguyện (voluntary instrument) về Kế hoạch hành động quốc tế ngăn chặn, giảm thiểu và loại trừ khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IPOA-IUU).
Theo Mục II, đoạn 3 của IPOA-IUU, thuật ngữ khai thác IUU gồm ba nội dung: khai thác bất hợp pháp, khai thác không báo cáo, và khai thác không theo quy định. Nội hàm của ba nội dung này được FAO cụ thể hóa như sau:
2.1. Khai thác bất hợp pháp (illegal fishing) là hoạt động đánh bắt cá:
- Do công dân hay tàu thuyền nước ngoài thực hiện trong vùng biển thuộc quyền tài phán của một quốc gia mà không có giấy phép của quốc gia đó, hoặc trái với các quy định và pháp luật của quốc gia đó;
- Do tàu thuyền mang cờ của các quốc gia là thành viên của một tổ chức quản lý nghề cá khu vực (regional fisheries management organization – RFMO) nhưng hoạt động trái với các biện pháp quản lý và bảo tồn của tổ chức đó và các biện pháp mà quốc gia mà tàu mang cờ có nghĩa vụ phải thực hiện hoặc trái với các quy định có liên quan của luật quốc tế; hoặc
- Vi phạm pháp luật quốc gia hay các nghĩa vụ quốc tế, bao gồm các nghĩa vụ mà các quốc gia liên quan cam kết với RFMO.
Có thể thấy tính chất bất hợp pháp của hoạt động đánh bắt cá là do vi phạm quy định pháp lý của: (1) pháp luật quốc gia, hoặc/và (2) luật quốc tế nói chung hay của RFMO mà quốc gia mà tàu mang cờ là thành viên.
2.2. Khai thác không báo cáo (unreported fishing) là hoạt động đánh bắt cá:
- Mà các cơ quan có thẩm quyền không được báo cáo hoặc được báo cáo không chính xác trái với quy định của pháp luật quốc gia liên quan; hoặc
- Được tiến hành trong khu vực thuộc phạm vi quản lý của RFMO mà tổ chức này không được báo cáo hay bị báo cáo sai trái với quy định về báo cáo của tổ chức đó.
2.3. Khai thác không theo quy định (unregulated fishing) là hoạt động đánh bắt cá:
- Trong khu vực thuộc phạm vi của RFMO, do một tàu không quốc tịch, hoặc tàu mang cờ của một quốc gia không là thành viên của tổ chức đó, hoặc do một tổ chức đánh bắt cá theo cách thức trái với biện pháp bảo tồn và quản lý của RFMO đó; hoặc
- Trong khu vực hoặc đối với nguồn cá không được điều chỉnh bởi bất kỳ biện pháp bảo tồn hay quản lý nào và trong khu vực mà hoạt động khai thác được tiến hành theo cách thức trái với trách nhiệm của một quốc gia trong việc bảo tồn tài nguyên sinh vật theo luật quốc tế.
FAO lưu ý rằng một số các hoạt động unregulated fishing không vi phạm pháp luật quốc tế và cũng không cần thiết áp dụng các biện pháp theo khuyến nghị trong văn kiện này.[2]
Trần H. D. Minh
———————————————————————-
[1] Thông cáo báo chí của Ủy ban châu Âu (EC), ‘Commission warns Vietnam over insufficient action to fight illegal fishing’, ngày 23/10/2017, https://europa.eu/rapid/press-release_IP-17-4064_en.htm tham khảo ngày 16/10/2019.
[2] IPOA-IUU (2001), tr. 3, đoạn 3.4.