Tiếp theo phần 1 phân tích về thẩm quyền của Toà ICJ, phần 2 sẽ tóm tắt phán quyết về mặt nội dung của Toà trong vụ kiện kinh điển giữa Nicaragua và Mỹ năm 1986. Trong đó, phán quyết lý giải các vấn đề pháp lý như:
- các yếu tố cấu thành tập quán quốc tế; mối quan hệ giữa tập quán quốc tế và hiệp ước quốc tế
- quyền tự vệ tập thể; các yếu tố về “cần thiết” (necessity) và “cân đối” (proportionality) của việc sử dụng vũ lực
Đây được xem như là những án lệ cực kỳ quan trọng của Toà, đóng góp cho sự lý giải và phát triển của luật quốc tế.
Lược dịch từ bài viết của Robert Kold, in trong Cameron Miles & Eirik Bjorge, Landmark Cases in Public International Law, Hart Publishing (2017).
IV. Phán quyết về mặt nội dung
Trong phán quyết về mặt nội dung ngày 27 tháng 6 năm 1986, Tòa một lần nữa đã phải xác định một số điểm sơ bộ cơ bản. Thứ nhất, về phía Hoa Kỳ, do không đồng tình về những quyết định về thẩm quyền của Toà, nên đã từ chối xuất hiện trong phiên nội dung, dẫn đến việc áp dụng Điều 53 của Quy chế ICJ. Thứ hai, đó là những vấn đề của Chính sách bảo hộ Vandenberg, vốn đã được Tòa hoãn lại từ giai đoạn xét xử về thẩm quyền. Tòa cân nhắc rằng Chính sách bảo hộ có chức năng loại bỏ thẩm quyền đối với các hiệp ước đa phương: El Salvador rõ ràng sẽ bị “ảnh hưởng” bởi quyết định của Tòa án về yêu sách của Hoa Kỳ trong việc thực hiện quyền đại diện tự vệ tập thể (collective self-defense) khi mà nước này không phải là một bên tham gia tố tụng. Tuy nhiên, quyết định này (của Hoa Kỳ về việc vận dung Hiệp ước đa phương để loại bỏ thẩm quyền của Toà) không ngăn cản việc thực thi quyền tài phán của Tòa dựa trên tập quán quốc tế (customary international law). Thứ ba, Tòa đã xem xét làm thế nào để xác định các chứng cứ có liên quan của tranh chấp và cẩn thận xem xét hiệu lực của chúng, dựa trên các nguyên tắc sau:
- Thông tin Báo chí và các đoạn trích trong sách phải được xử lý hết sức thận trọng. Chúng không thực sự mang trong mình bằng chứng thực tế nhưng chúng có thể hỗ trợ cho các sự kiện liên quan;
- Một số sự kiện nhất định có thể tạo thành sự hiểu biết chung của cộng đồng (public knowledge) ;
- Tuyên bố của một đại diện nhà nước có thể mang giá trị về mặt chứng cứ một cách mạnh mẽ khi nó không có lợi cho lợi ích của quốc gia mà người này đang đại diện. Tuyên bố như vậy có thể được coi là một hình thức của sự thú nhận. Trong các trường hợp ngược lại, phải hết sức thận trọng đối với các tuyên bố của các những đại diện này;
- Nhân chứng có thể có tầm quan trọng nhất định khi đang nêu ra những lập luận hoặc thông tin sự kiện mắt thấy tai nghe, đặc biệt nếu các tuyên bố này không có lợi cho nhà nước mà họ đại diện và làm chứng; và các phát ngôn của các nhân viên nhà nước cũng có một giá trị quan trọng.
Sau đó, Tòa đã tiến hành đưa ra những sự kiện thực tế, ví dụ như việc phá hoại một số cảng của Nicaragua hoặc việc xâm phạm vào không phận Nicaragua. Trong các bối cảnh này, Tòa thấy rằng các hành động của các contras không thể được quy vào các hoạt động của Hoa Kỳ: Các phần tử nổi dậy không phải là cơ quan chính thức của Hoa Kỳ, và họ cũng không thể được coi là nằm trong sự chỉ đạo của Hoa Kỳ, bởi kỳ Hoa Kỳ đã không thể hiện việc “’kiểm soát hiệu quả” (effective control) đối với lực lượng contras. Đối với các sự kiện của bên Nicaragua, Tòa thấy rằng đã có sự trợ giúp của Nicaragua cho phiến quân ở El Salvador, đặc biệt là trước năm 1981, và một số lần khác sau đó. Tòa cũng phát hiện có một số cuộc tấn công xuyên biên giới diễn ra.
Sau đó, Tòa đã chuyển sang xem xét những sự kiện trên dựa trên tập quán quốc tế liên quan đến việc sử dụng vũ lực, để loại trừ việc áp dụng các hiệp ước đa phương. Mặc dù tập quán, hiệp ước và đối tượng điều chỉnh (của hai hệ thống pháp luật này) vẫn có thể xem là khác nhau, các quy phạm pháp luật quan trọng của chúng là giống nhau. Do vậy sẽ không có việc Toà đưa ra các quyền và nghĩa vụ, mà các quyền và nghĩa vụ này lại không dựa trên một cơ sở chắc chắn để có thể áp dụng cho cả hai bên trong tranh chấp. Tòa sau đó đã khẳng định rằng các thông lệ quốc tế (international practice) không nhất thiết phải đồng nhất để có thể thành lập một tập quán quốc tế: việc thực hiện các nguyên tắc này chỉ cần tuân thủ lại nguyên tắc này một cách khái quát, và các quốc gia xem các hành vi không tuân thủ nguyên tắc này là vi phạm pháp luật hơn là một ngoại lệ của một nguyên tắc cũ, hoặc tiền thân của một quy tắc mới. Trong vụ kiện này, Tòa đã phân tích xem nguyên tắc pháp luật về sử dụng vũ lực có thoả mãn để trở thành tập quán quốc tế hay không, Toà chủ yếu dựa vào yếu tố opinio juris trong các nghị quyết khác nhau của Liên Hợp Quốc. Cụ thể, Tòa án khẳng định rằng Điều 3 (khoản g) của Nghị quyết 3314 của Đại hội đồng, liên quan đến ‘xâm lược gián tiếp’, đã cấu thành một quy phạm của tập quán quốc tế. Ngược lại, Tòa cho rằng sự hỗ trợ đơn thuần của các phiến quân, ví dụ bằng cách cung cấp vũ khí, đã không đạt đến ngưỡng của một cuộc tấn công vũ trang hoặc gây hấn để làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng. Để thực hiện tự vệ tập thể, quốc gia bị xâm lược phải tuyên bố là mình bị tấn công và kêu gọi sự hỗ trợ của nước ngoài.
Tòa án sau đó chuyển sang xác định các đặc điểm và quyết định xem nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ (của quốc gia khác) có thể xem là một tập quán quốc tế hay không. Toà phủ nhận rằng trong trường hợp các nguyên tắc không can thiệp bị vi phạm, các quốc gia thứ ba có thể sử dụng các biện pháp đối phó bằng vũ lực. Sau đó, Tòa phân tích nguyên tắc chủ quyền, trong đó đảm bảo quyền bất khả xâm phạm lãnh thổ của một quốc gia bởi các lực lượng của quốc gia khác. Để thực hiện được điều này Toà cần phải xem xét Luật nhân đạo quốc tế (IHL). Tòa cho rằng các nguyên tắc tập quán chính của IHL được tóm tắt trong Điều 3 của Công ước Geneva năm 1949; nó cũng tương ứng với các “yếu tố cơ bản về nhân đạo” được đưa ra trong phán quyết của mình ở vụ Corfu Channel. Cuối cùng, liên quan đến Hiệp ước Hữu nghị, thương mại và hàng hải (FCN), đây là một hiệp ước song phương nên nó nằm ngoài phạm vi của Tuyên bố Vandenberg. Tòa tiếp tục quyết định xem các điều kiện để áp dụng Điều XXI của Hiệp ước Hữu nghị, thương mại và hàng hải (FCN) (về việc không công nhận thẩm quyền của Toà khi các vấn đề trong tranh chấp đưa ra Toà đụng chạm đến lợi ích sống còn của các bên ký kết) có thành lập hay không. Ở vấn đề này, điều khoản này được xây dựng một cách khách quan, chứ không dựa vào sự đánh giá chủ quan của 1 bên ký kết; do đó, Tòa có quyền xác định liệu các biện pháp được Hoa Kỳ sử dụng để bảo vệ “lợi ích an ninh thiết yếu” của mình có được coi là “cần thiết” hay không, hay chỉ đơn thuần là hữu ích.
Trong việc giải quyết các vấn đề trên, Tòa trước hết chỉ ra rằng các tập quán về không sử dụng vũ lực đã bị Hoa Kỳ vi phạm thông qua một số hành vi, chẳng hạn như việc phá hoại cảng biển và một số cuộc tấn công quân sự trực tiếp. Tòa cũng tiếp tục chỉ ra rằng không tồn tại tình trạng tự vệ tập thể liên quan đến El Salvador, do đó không thể lấy lý do tự vệ tập thể này để biện luận cho hành vi quân sự sai trái của Hoa Kỳ tại Nicaragu – như vậy, sự hỗ trợ của quân nổi dậy Nicaragua ở El Salvador thông qua việc cung cấp vũ khí không đủ để làm phát sinh một cuộc tấn công vũ trang. Đối với các cuộc tấn công qua biên giới của Nicaragua, do các nước bị ảnh hưởng đã không yêu sách rằng mình là nạn nhân của một cuộc tấn công vũ trang, nên đã không yêu cầu Hoa Kỳ hỗ trợ vũ trang, và chính Hoa Kỳ chưa bao giờ thông báo cho Hội đồng Bảo an về vấn đề tự vệ chính đáng, theo quy định tại Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Hơn thế nữa, các biện pháp mà Hoa Kỳ áp dụng được cho là không “cần thiết” (necessary) theo bản chất của luật tự vệ chính đáng: những hành động của Hoa Kỳ được thực hiện vài tháng sau khi phần lớn phiến quân Salvador bị đẩy lùi, do đó không thể xem đây là tình huống phản ứng tức thì. Nguyên tắc về “tính cân đối (của hành vi tự vệ)” (proportionality) cũng không được tôn trọng, ví dụ như việc phá hoại cảng hay việc trên thực tế là hành động này đã được thực hiện sau các cuộc tấn công xuyên biên giới của Nicaragua một thời gian dài. Thứ hai, Tòa thấy rằng các nguyên tắc không can thiệp đã bị vi phạm bởi các hành vi cưỡng chế của Hoa Kỳ, thông qua các nhóm contras được Hoa Kỳ hỗ trợ, đối các vấn đề mà đáng lẽ ra Nicaragua có quyền tự do quyết định. Mặt khác, Toà cho rằng việc hỗ trợ nhân đạo một cách đúng nghĩa nhất của nó không đủ để xem như là hành vi can thiệp trái với pháp luật, và các hỗ trợ nhân đạo này phải được thực hiện một cách không phân biệt (với tất cả các bên) để được xem là hợp pháp. Tòa cũng chỉ ra rằng các lực lượng đối lập trong một quốc gia không thể nhờ một quốc gia khác can thiệp – nếu điều đó được cho phép, nguyên tắc không can thiệp sẽ hoàn toàn bị phá vỡ, và có thể bị xoá bỏ. Mặc khác, ở mức độ nào đó, sự can thiệp có thể được coi là một biện pháp đối phó tập thể, biện pháp đối phó như vậy không thể bao hàm việc sử dụng vũ lực và hơn nữa, chỉ được các quốc gia bị ảnh hưởng mới được quyền áp dụng, đó chính là các quốc gia như: El Salvador, Honduras hoặc Costa Rica. Thứ ba, Tòa tuyên bố rằng Hoa Kỳ đã vi phạm chủ quyền của Nicaragua, không chỉ thông qua các hành vi đã bị Tòa kết luận là trái pháp luật, mà còn bởi sự xâm phạm không phận trái phép. Cuối cùng, Tòa án khẳng định rằng luật nhân đạo cũng đã bị vi phạm, đáng chú ý là thông qua sự phân phát giữa các tài liệu hướng dẫn của Cơ quan tình báo trung ương Hoa Kỳ về chiến tranh tâm lý (Hoạt động tâm lý trong chiến tranh du kích – Operaciones sicológicas en Guerra de guerrillas). Đây được coi là sự vi phạm cơ bản các nguyên tắc nhân đạo trong bối cảnh chiến tranh chống khủng bố.
Ở một vấn đề riêng biệt, Tòa xem xét trên thực tế rằng Nicaragua đã đảm bảo được một số cam đoan nhất định theo yêu cầu của Tổ chức các quốc gia Châu Mỹ (OAS) liên quan đến việc phi quân sự hóa, dân chủ hóa, pháp quyền và tôn trọng nhân quyền. Những cam đoan này, mặc dù Tòa cho rằng về vấn đề này Nicaragua không có nghĩa vụ pháp lý phải thực hiện, đây chỉ là tuyên bố chính trị, mà thậm chí nếu các cam đoan này có được tính chất pháp lý lớn hơn là các tuyên bố chính trị này, thì các nghĩa vụ có thể được phát sinh sẽ là các nghĩa vụ đối với OAS mà không phải là đối với Hoa Kỳ. Do đó Hoa Kỳ thậm chí không có quyền ép buộc việc thực hiện các các cam đoan này, chưa kể đến là bằng việc dùng vũ lực để ép buộc. Thực tế rằng việc chính phủ, tạm gọi là, theo “chế độ độc tài cộng sản”, không phải là một nguyên nhân cho phép một chính phủ khác bất đồng với chính sách này can thiệp bằng vũ lực. Hơn nữa, Tòa cho biết, bất kỳ hành vi vi phạm nhân quyền phải bị xử phạt bởi các cơ chế kiểm soát việc thực hiện các quyền đó, chứ không phải bằng biện pháp vũ lực. Cuối cùng, Tòa lưu ý rằng không có quy tắc chung nào của tập quán quốc tế cấm một quốc gia thực hiện hành vi quân sự hoá của mình, dù ở mức độ nào đi chăng nữa.
Đối với Hiệp ước Hữu nghị, thương mại và hàng hải (FCN), Tòa cho rằng không thể xem như tất cả các hành vi đi ngược lại với tiêu chí và mục đích của một hiệp ước “thân thiện” – ví dụ như các hành vi mà về mức độ nào đó là hoàn toàn “không thân thiện” – là lập tức vi phạm hiệp ước này. Thay vào đó, hành vi không thân thiện chỉ được xem là vi phạm hiệp ước này khi chúng liên quan đến những vấn đề cụ thể được quy định trong đó. Trong trường hợp hiện tại, các hoạt động của Hoa Kỳ là trái với tinh thần của hiệp ước và các điều khoản cụ thể, ví dụ như thông qua các cuộc tấn công trực tiếp, phá hoại cảng biển, và cả lệnh cấm vận đột ngột – mặc dù không thông qua sự đóng băng việc viện trợ tự nguyện. Tuy nhiên, ngoại lệ liên quan đến lợi ích sống còn quy định tại Điều XXI không thể được Hoa Kỳ viện dẫn thành công, bởi vì các biện pháp của Hoa Kỳ thực hiện, khách quan mà nói khó có thể được coi là “cần thiết” cho an ninh quốc gia.
Cuối cùng, yêu sách của Nicaragua về việc yêu cầu bồi thường gây ra bởi các hành vi sai trái của Hoa Kỳ được chuyển đến giai đoạn sau nữa của quá trình tố tụng, trong đó Nicaragua sẽ phải chỉ ra mức độ chính xác thiệt hại. Đây là dịp để đưa Hoa Kỳ chịu trách nhiệm về vấn đề này với hy vọng rằng sau tất cả, một thỏa thuận đàm phán có thể đạt được.
Trong phần kết luận của phán quyết của mình, Tòa đã thông qua một phán quyết được soạn thảo công phu, đặc biệt: phán quyết liên quan đến việc nhắc nhở về nghĩa vụ giải quyết tranh chấp một cách hòa bình được thống nhất hoàn toàn; phán quyết liên quan đến vấn đề áp dụng Chính sách Bảo hộ Vandenberg có 11 phiếu thuận so với lại bốn phiếu chống. Ba thẩm phán bất đồng ý kiến là Thẩm phán Jennings của Vương quốc Anh, Oda của Nhật Bản và Schwebel của Mỹ. Thẩm phán Jennings và Oda không đồng ý chủ yếu về các vấn đề pháp lý (thuộc về thẩm quyền), còn Thẩm phán Schwebel thì bất đồng về các vấn đề tranh chấp. Giọng điệu đôi khi gay gắt và chống đối quyết liệt của Thẩm phán Schwebel là rất đáng tiếc, thay vào đó, việc tự nhìn nhận lại bản thân và kiềm chế bản thân có thể sẽ được hoan nghênh, hơn nữa không có bất kỳ vị thẩm phán nào chia sẻ những quan tâm với ông – ngoài những thẩm phán đã nêu ra ý kiến phản đối kể trên- những thẩm phán phương Tây khác (Thẩm phán Mosler của Cộng hòa Liên bang Đức và Thẩm phán Ago của Ý) thì bỏ phiếu theo đa số. Điều này là có thể thấy có một chút gì đó gọi là xấu hổ cho vị thẩm phán này.
Lưu ý đây là bài bình luận phán quyết, do đó, có chứa đựng các đánh giá cá nhân của Robert Kold.
Phần cuối cùng của bài bình luận sẽ là về các nhận xét của Robert Kold liên quan đến nội dung của phán quyết.
Dịch: Nhóm sinh viên Khoa quan hệ quốc tế – trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Tp.HCM
Nguyễn Ngọc Như
Nguyễn Thị Thanh Tuyền
Bùi Thị Bích Ngọc
Huỳnh Lê Thanh Vân
Đỗ Thu Huyền
Huỳnh Quốc Bình
Nguyễn Chung Thùy Dương
Nguyễn Thị Phương Hoa
Biên tập: Phạm Ngọc Minh Trang, Giảng viên, Khoa quan hệ quốc tế – trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Tp.HCM
(*) Website không phụ trách về các vấn đề bản quyền có thể phát sinh từ việc dịch bài viết trên.