[140] Thực thi pháp luật về khai thác hải sản của quốc gia ven biển: Quy định của UNCLOS trong bối cảnh xử lý hành vi IUU Fishing của tàu cá nước ngoài

Trong những năm gần đây, để ngăn chặn các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không có quy định (illegal, unreported and unregulated fishing – IUU Fishing) ngày càng gia tăng, các quốc gia ven biển đã áp dụng các biện pháp thực thi pháp luật nghiêm khắc hơn. Ví dụ như gần đây Indonesia đã đánh chìm 51 tàu cá của ngư dân Malaysia, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam với cáo buộc đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng biển của Indonesia. Ngay sau đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng rằng:

“Việt Nam quan ngại sâu sắc trước việc Bộ Biển và Nghề cá cùng một số lực lượng trên biển của Indonesia bắt và tiêu huỷ tàu cá của Việt Nam. Đây là hành động không phù hợp với quan hệ song phương, trái với Công ước luật biển 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS)”

Từ sự khác biệt trong quan điểm của các quốc gia liên quan, câu hỏi đặt ra là: luật pháp quốc tế quy định như thế nào về quyền hạn của quốc gia ven biển trong việc xử phạt các hoạt dộng đánh cá bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế(EEZ)? Liệu quốc gia ven biển có quyền đánh chìm tàu cá nước ngoài hay không? Bài viết này sẽ trả lời hai câu hỏi trên.

***

Theo Điều 56 của Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền độc quyền đối với tài nguyên hải sản trong vùng EEZ. Điều 73 quy định chi tiết về thẩm quyền của quốc gia ven biển trong việc thực thi pháp luật nhằm đảm bảo tàu cá nước ngoài tuân thủ các quy định về khai thác hải sản trong vùng EEZ của mình. Điều 73 có tiêu đề là “Việc thực thi pháp luật và quy định của quốc gia ven biển” quy định ở Khoản (1) rằng:

“Trong việc thực hiện các quyền thuộc chủ quyền về thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên sinh vật của vùng đặc quyền về kinh tế, quốc gia ven biển có thể thi hành các biện pháp cần thiết, như khám xét, kiểm tra, bắt giữ và khởi tố tư pháp để bảo đảm việc tôn trọng các luật và quy định mà mình đã ban hành theo đúng Công ước.”

Bên cạnh những biện pháp được liệt kê, những biện pháp nào có thể được xem là “cần thiết”? Hay nói cách khác, Công ước có đặt bất kỳ giới hạn nào trong việc thực thi pháp luật của quốc gia ven biển trong lĩnh vực khai thác hải sản hay không?

art 73

Nội dung chính Điều 73 UNCLOS

Điều 73(1) quy định rằng quốc gia ven biển có quyền thực thi các biện pháp cần thiết để bảo đảm việc tuân thủ các quy định về khai thác hải sản trong vùng EEZ của mình. Khoản (1) này cũng liệt kê một số các biện pháp cụ thể sau đây: khám xét, kiểm tra, bắt giữ và khởi tố tư pháp. Việc sử dụng từ “như” cho thấy danh sách này không phải là danh sách đóng; các quốc gia ven biển có quyền áp dụng các biện pháp cần thiết khác.

Giới hạn duy nhất mà Điều 73 đặt ra cho thẩm quyền thực thi pháp luật của quốc gia ven biển là ở Khoản 3, quy định rằng:

“Các chế tài do quốc gia ven biển trù định đối với những vi phạm các luật và quy định trong lĩnh vực khai thác hải sản trong vùng đặc quyền về kinh tế không được bao gồm hình phạt tống giam, trừ khi các quốc gia hữu quan có thỏa thuận khác, và không bao gồm một hình phạt thân thể nào khác.”

Như vậy, lời văn của Điều 73 cho thấy các quốc gia ven biển có quyền thực thi mọi biện pháp cần thiết, bao gồm cả các biện pháp không được liệt kê trong điều khoản này, nhưng không được áp dụng biện pháp tống giam hay các hình phạt thân thể.

Câu hỏi quan trọng ở đây là làm thế nào để xác định một biện pháp là “cần thiết”? Điều 73 không có gợi ích nào để giải thích nội hàm của từ này. Phần dưới đây của bài viết sẽ cố gắng giải thích từ “cần thiết” này theo các quy định về giải thích điều ước quốc tế của Công ước Viên về Luật Điều ước Quốc tế năm 1969. Điều 31(1) Công ước Viên quy định rằng “một điều ước cần được giải thích một cách thiện chí phù hợp với nghĩa thông thường của lời văn đặt trong ngữ cảnh và phù hợp với mục đích và đối tượng của điều ước”. Khoản (3) của điều này còn quy định thêm rằng giải thích điều ước cũng cần xem xét đến các thoả thuận sau này, thực tiễn sau này liên quan đến giải thích điều ước quốc tế và “các quy định có liên quan khác của luật quốc tế áp dụng trong quan hệ giữa các bên”. Xem thêm Công ước Viên 1969: Giải thích điều ước quốc tế.

Nghĩa thông thường của từ “cần thiết” trong Điều 73(1)

Xin nhắc lại Điều 73(1) quy định rằng quốc gia ven biển Công ước có quyền “thực thi các biện pháp cần thiết” để bảo đảm tàu đánh cá nước ngoài tuân thủ các quy định về khai thác hải sản trong vùng EEZ của mình. Tuy nhiên, Công ước không có quy định cụ thể để xác định nội hàm của từ “cần thiết” trong cụm “các biện pháp cần thiết” nêu trên. Nghĩa thông thường theo từ điển cũng không hữu ích trong việc làm sáng tỏ nội hàm của từ này. Vậy các cơ quan tài phán quốc tế đã giải thích từ này như thế nào?

Vụ Virginia G trước Toà án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) là vụ việc duy nhất cho đến hiện nay một cơ quan tài phán quốc tế đã giải thích Điều 73(1).[1] Trong vụ việc này, Guinea-Bissau đã quyết định “tịch thu” (confiscate) một tàu mang cờ của Panama với cáo buộc vi đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng EEZ của nước này. Rõ ràng biện pháp tịch thu không được liệt kê ở Điều 73(1). Khi xem xét liệu biện pháp này có phù hợp với UNCLOS hay không, Toà đã xem xét hai yếu tố: (1) liệu các quy định liên quan đến tịch thu tàu thuyền của Guinea-Bissau có phù hợp với quy định của UNCLOS, và (2) liệu việc tịch thu có cần thiết để bảo đảm việc tuân thủ các quy định của quốc gia ven biển hay không.[2]

Trả lời câu hỏi thứ nhất, Toà ITLOS cho rằng các quy định pháp luật của Guinea-Bissau cho phép tịch thu tàu thuyền tham gia vào hoạt động mua bán xăng dầu trên vùng EEZ của nước này bản thân (per se) không vi phạm Điều 73(1). Liệu việc tịch thu có phù hợp  UNCLOS hay không phụ thuộc vào các hoàn cảnh thực tế của từng vụ việc.[3] Về câu hỏi thứ hai, Toà ITLOS cho rằng Panama đã không xin giấy phép và cũng không trả lệ phí để hoạt động trên vùng EEZ của Guinea-Bissau. Toà cho rằng đây là “một vi phạm nghiêm trọng”,[4] tuy nhiên, vi phạm này phát sinh do “việc hiểu nhầm khi trao đổi thông tin” giữa các tàu cá và cơ quan chứng năng của Guinea-Bissau.[5] Do đó, Toà cho rằng biện pháp tịch thu tàu và xăng dầu trên tàu “là không cần thiết để trừng phạt hành vi vi phạm cũng như để ngăn ngừa tàu thuyền và chủ tàu tái vi phạm”.[6]

Trong vụ việc trên, Toà không trực tiếp xem xét vấn đề nội hàm của từ “cần thiết” hoặc chỉ ra các tiêu chí để đánh giá mức độ “cần thiết” của một biện pháp. Toà chỉ xem xét hai yếu tố khi ra phán quyết về vấn đề này: (1) sự nghiêm trọng của hành vi vi phạm, và (2) tính chất nghiêm khắc của biện pháp trừng phạt. Có vẻ, Toà ITLOS cho rằng việc đánh giá mức độ “cần thiết” của một biện pháp thực thi pháp luật cần xem xét trong sự cân bằng giữa mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm và tính chất nghiêm khắc của biện pháp trừng phạt.

So sánh với các giải thích của các cơ quan tài phán khác về từ “cần thiết”, [7] Toà ITLOS đã không đưa ra bất kỳ tiêu chí khách quan nào để đánh giá mức độ “cần thiết”. Ví dụ như, các cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO khi xem xét liệu một biện pháp bảo hộ thương mại có  “cần thiết” theo Điều XX(b) của GATT hay Điều XIV(a) của GATS đã đưa ra một bộ ba tiêu chí như sau: (i) “tầm quan trọng tương đối” (‘relative importance’) của lợi ích mà biện pháp được đưa ra để bảo vệ, (ii) đóng góp của biện pháp đó đối với mục đích bảo vệ mà quốc gia liên quan mong muốn (ví dụ như liêu có biện pháp tương tự khác hay không); và đánh giá “ảnh hưởng tiêu cực [của biện pháp đó] đối với thương mại quốc tế” (‘restrictive impact on international commerce).[8] Hay như, bộ ba tiêu chí mà Toà án Nhân quyền Châu Âu (ECtHR) sử dụng khi xem xét liệu sự can thiệp của một quốc gia vào một quyền được bảo vệ theo Công ước châu Âu về Nhân quyền có là cần thiết: (i) liệu “sự can thiệp” tương ứng với “yêu cầu cấp thiết của xã hội”; (ii) liệu sự can thiệp có “tương xứng với mục đích chính đáng mong muốn”; và (iii) liệu các lý do mà cơ quan chức năng đưa ra có “phù hợp và đầy đủ”.[9] Chính như Thẩm phán Jesus nhận định trong Ý kiến phản đối của mình trong Vụ Virginia G, việc Toà ITLOS không đưa ra bất kỳ hướng dẫn nào về cách thức giải thích mức độ “cần thiết” theo Điều 73(1) đã làm cho cách giải thích của Toà về Điều 73(1) là “tuỳ tiện và chủ quan”,[10] tạo ra các khó khăn nghiêm trọng cho các quốc gia khi thực thi pháp lậut về khai thác hải sản, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới đang quan ngại về vấn đề bảo tồn và khai thác bền vững nguồn lợi hải sản.[11]

Đại đa số các thẩm phán khác cũng dành nhiều ý kiến liên quan đến nội hàm của từ “cần thiết” trong Điều 73(1). Ý kiến của các thẩm phán này làm sáng tỏ nhất định nội hàm của từ này. Ví dụ như Thẩm phán Paik cho rằng Toà ITLOS nên xem xét cả mức độ mà biện pháp thực thi pháp luật đóng góp vào mục đích mà quốc gia ven biển mong muốn đạt được, và mức độ mà biện pháp đó tác động tiêu cực vào quyền hợp pháp của các quốc gia khác. Theo ông, nếu một biện pháp có đóng góp càng lớn và tác động tiêu cực càng nhỏ thì biện pháp đó có nhiều khả năng được xem là cần thiết.[12] Cách tiếp cận này có vẻ phù hợp với yêu cầu phải cân bằng giữa quyền của quốc gia ven biển và của quốc gia mà tàu mang cờ trong vùng EEZ. Cũng có quan điểm tương tự, Thẩm phán ad hoc Sérvulo Correia cho rằng mức độ cần thiết cần được hiểu là khi có hai biện pháp “mà cả hai đều có tính chất phù hợp và hiệu quả như nhau để đạt được mục đích mà cơ quan có thẩm quyền mong muốn, biện pháp cần được chọn để thực thi là biện pháp ít có tác động tiêu cực hơn vào các lợi ích khác – dù lợi ích đó kém quan trọng hơn nhưng vẫn là lợi ích hợp pháp cần bảo vệ.[13]

Tóm lại, Phán quyết của Toà ITLOS trong Vụ Virginia G xác nhận lại rằng Điều 73(1) không đưa ra một danh sách đóng các biện pháp mà một quốc gia có thể thực thi để bảo đảm sự tuân thủ pháp luật về tài nguyên hải sản trong vùng EEZ của mình. Để một biện pháp được xem là hợp pháp cần thoả mãn các điều kiện sau: (1) biện pháp đó nhằm thực thi pháp luật về khai thác hải sản, và (ii) biện pháp đó là “cần thiết” để bảo đảm sự tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, Toà ITLOS đã không thể đưa ra một tiêu chí rõ ràng để xác định mức độ “cần thiết” của một biện pháp. Hơn nữa, có vẻ rằng theo Toà, các biện pháp không những cần phải “cần thiết” mà còn “hợp lý” (reasonable). Trong đó, tiêu chí “hợp lý” dễ được thoả mãn hơn tiêu chí “cần thiết”.[14]

Ngữ cảnh và mục đích của Điều 73(1)

Để giải thích nội hàm của cụm từ “cần thiết”, ngữ cảnh và much đích của Điều 73(1) cần phải được xem xét. Điều 73(1) liên quan đến phạm vi thẩm quyền thực thi pháp luật của quốc gia ven biển đối với sinh vật biển trong vùng EEZ. Tuy nhiên, trong vùng EEZ, quyền lợi của các quốc gia tham gia đánh cá. Mục đích của Điều 73 là nhằm cân bằng giữa quyền chủ quyền của quốc gia ven biển và các quyền lợi hợp pháp của các quốc gia khác. Cụ thể, Điều 56(2) và 58(3) quy định rằng quốc gia ven biển và quốc gia mà tàu mang cờ cần xem xét thích đáng (due regard) đến quyền và nghĩa vụ cuả nhau. Khi xem xét đến nghĩa vụ xem xét thích đáng, Toà trọng tàu trong Vụ khu vực bảo tồn biển quanh quần đảo Chagos cho rằng nghĩa vụ này  “không cho phép một cách chung chung [quốc gia ven biển] được muốn thực hiện thế nào cũng được”. Toà chi ra rằng như thế nào là  thích đáng “phụ thuộc vào bản chất của quyền của quốc gia khác, tầm quan trọng của quốc đó, và phạm vi dự kiến bị ảnh hưởng, bản chất và tầm quan trọng của các hoạt động mà quốc gia ven biển xem xét, và liệu có biện pháp thay thế khác hay không”.[18] Theo đó, đề xác định liệu biện pháp của quốc gia ven biển có phù hợp với UNCLOS hay không, cần xem xét đến không chỉ bản chất và tầm quan trọng của các biện pháp này mà còn phải xem xét đến các quyền của quốc gia mà tàu mang cờ và thiệt hại có thể phát sinh đối với các quyền này.

Hơn nữa, Điều 56(2) không chỉ yêu cầu quốc gia ven biển phải xem xét thích đáng đến quyền, mà cả nghĩa vụ của quốc gia khác. Trong trường hợp này, là nghĩa vụ của quốc gia mà tàu mang cờ đối với hoạt động của tàu mang cờ của mình trong vùng EEZ của quốc gia ven biển. Trong Ý kiến tư vấn của Toà ITLOS cho Vụ về IUU Fishing, Toà ITLOS đã khẳng định rõ ràng rằng quốc gia mà tàu mang cờ có nghĩa vụ bảo đảm tàu thuyền của mình không tham gia hoạt động đánh bắt cá IUU trong vùng EEZ của quốc gia khác. Nghĩa vụ này là một nghĩa vụ cẩn trọng thích đáng, có nghĩa là quốc gia mà tàu mang cờ chỉ cần nỗ lực hết sức (đoạn 120). Câu hỏi liệu quốc gia mà tàu mang cờ đã thực hiện nghĩa vụ xem xét thích đáng hay chưa cũng nên được tính đến khi đánh giá mức độ cần thiết của biện pháp thực thi pháp luật của quốc gia ven biển. Nếu quốc gia mà tàu mang cờ không thực hiện nghĩa vụ này (nói cách khác, ví dụ như không có nỗ lực gì để ngăn chặn tàu thuyền của mình tham gia vào IUU fishing), quốc gia ven biển có quyền tiến hành các biện pháp quyết liệt mà vẫn không bị xem là vượt qúa giới hạn “cần thiết” theo Điều 73(1).

Thoả thuận sau này và thực tiễn sau này liên quan đến giải thích Điều 73(1)

Thoả thuận sau này

Mặc dù không có bất kỳ thoả thuận sau này được ký kết nhằm giải thích Điều 73, các biện pháp thực thi pháp luật mà quốc gia ven biển thực hiện theo Điều 73 chủ yếu đều nhằm ngăn chặn các hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng EEZ. Vì vậy, các văn kiện quốc tế liên quan đến ngăn chặn tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không có quy định điều chỉnh (IUU fishing) có thể được sử dụng để làm sáng tỏ hơn những biện pháp “cần thiết” mà một quốc gia ven biển có thể tiến hành trong lĩnh vực khai thác hải sản. Trong số các văn kiện đó có Thoả thuận về các Biện Pháp của Quốc gia cảng biển, Chương trình hành động quốc tế nhằm Ngăn chặn, Răn đe và Loại bỏ Tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không có quy định điều chỉnh (IPOA-IUU). Lưu ý rằng IPOA-IUU là văn kiện không có giá trị ràng buộc, chỉ có tính chất khuyến nghị. Tuy nhiên, do IPOA-IUU được thông qua trong khuôn khổ của Quy tắc ứng xử về Đánh bắt cá có trách nhiệm của Tổ chức Nông lương Quốc tế năm 1995 (1995 FAO Code of Conduct for Responsible Fisheries) – đây là “văn kiện nghề cá toàn cầu được phổ biến rộng rãi nhất, nổi bật nhất và được trích dẫn nhiều nhất của thế giới chỉ sau Công ước 1982”.[15] Vì thế, IPOA-IUU nên được xem xét đến khi đánh giá các biện pháp thực thi pháp luật của quốc gia ven biển đối với hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp.

Đoạn 51 của IPOA-IUU liệt kê các biện pháp mà các quốc gia ven biển có thể thực hiện để ngăn chặn, răn đe và loại trừ đánh bắt cá IUU trong vùng EEZ, bao gồm giám sát, kiểm soát, theo dõi, hợp tác và trao đổi thông tin với các quốc gia khác, và bảo đảm việc cấp phép phù hợp các tàu cá nước ngoài. Đoạn 21 quy định cụ thể về các biện pháp chế tài có thể áp dụng:

“Các quốc gia bảo đảm rằng các chế tài đối với hành vi đánh bắt cá IUU của tàu thuyền, và ở phạm vi rộng nhất có thể [đối với] công dân trong phạm vi thẩm quyền của mình phải đủ nghiêm khắc (sufficient severity) để ngăn chặn, răn đe và loại trừ hiệu quả tình trạng đánh bắt cá IUU và để ngăn bên vi phạm hưởng lợi từ hành vi đánh bắt cá đó. Theo đó, các quốc gia có thể cần xây dựng một cơ chế xử lý trách nhiệm dân sự bằng các biện pháp hành chính. Các quốc gia cũng nên bảo đảm việc áp dụng chế tài một cách nhất quán và minh bạch.”

Bên cạnh các văn kiện toàn cầu, trong khu vực ASEAN, hiện có các văn kiện mang tính chất thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia, như Tuyên bố ASEAN, Hiệp ước Thân thiện và Hữu nghị mà Trung Quốc cũng là một thành viên. Các quốc gia ASEAN đã đưa ra nhiều văn kiện khác nhau để xử lý tình trạng IUU fishing, như Kế hoạch hành động khu vực năm 2007 nhằm thúc đẩy mô hình đánh bắt cá có trách nhiệm, bao gồm đối phó với IUU fishing trong khu vực, Tuyên bố chung năm 2016 giữa ASEAN và SEAFDEC về Hợp tác khu vực đối phó tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không có quy định (IUU) và Tăng cường tính Cạnh tranh của Sản phẩm hải của ASEAN, và Tuyên bố năm 2017 của Diễn đàn Khu vực ASEAN về Hợp tác Ngăn chặn, hạn chế và loại trừ đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không có quy định. Các biện pháp chủ yếu trong các văn kiện trên là thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia.[16] Do đó, trong phạm vi khu vực ASEAN, yếu tố hợp tác có thể là một yêu tố cần được xem xét khi đánh giá mức độ “cần thiết” của một biện pháp thực thi pháp luật của một quốc gia ven biển trong khu vực.

Thực tiễn sau này

Điều 31(3)(b) không yêu cầu thực tiễn sau này cần thiết phải là thực tiễn của tất cả các quốc gia thành viên, mà chỉ cần chứng minh rằng các quốc gia biết và thuận theo (acquiesce) với một thực tiễn, trong chừng mực mà các quốc gia có nhận thức chung về việc áp dụng một điều ước.[17] Theo đó, Điều 73(1) có thể được giải thích bao gồm các biện pháp vũ lực như đánh chìm tàu cái, như một số quốc gia đã và đang tiến hành, nếu các quốc gia khác biết và thuận theo với thực tiễn đó với nhận thức rằng thực tiễn này là biện pháp thực thi pháp luật phù hợp với UNCLOS.

Kết luận sơ bộ 

UNCLOS không đưa ra một danh sách đóng các biện pháp thực thi pháp luật theo Điều 73, mà chỉ yêu cầu biện pháp phải trong mức độ “cần thiết”. Công ước lại không giải thích rõ về tiêu chí xác định mức độ cần thiết. Án lệ quốc tế cũng không làm sáng tỏ thực sự tiêu chí này. Trong vụ việc duy nhất về Điều 73 – Vụ Virginia G, Toà không đưa ra tiêu chí cụ thể, mà chỉ so sánh mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm và tính chất nghiêm khắc của biện pháp chế tài. Thoả thuận sau này và thực tiễn sau này có vẻ không cấm việc áp dụng các biện pháp nghiêm khác khi xử lý hành vi IUU fishing, mặc dù còn phụ thuộc vào việc các quốc gia khác có đồng ý hay ít nhất thuậnt heo với thực tiễn sử dụng các biện pháp đó hay không. Xem xét Điều 73 trong quan hệ với Điều 56(2) và 58(3), việc thực hiện nghĩa vụ cẩn trọng thích đáng của quốc gia mà tàu mang cờ có thể là một yếu tố cần xem xét khi đánh giá mức độ “cần thiết” của biện pháp thực thi pháp luật của quốc gia ven biển.

Nguyễn Ngọc Lan & Trần Hoàng Yến

Lược trích đoạn từ bài tham luận Nguyen Ngoc Lan & Tran Hoang Yen, “Coastal States’ Enforcement Power over Fishing Activities in the South China Sea: Where is the Line under International Law?” tại Hội thảo ILA-ASIL Asia-Pacific Research Forum: “International Law and Emerging Powers: New Policy Challenges in the Asia-Pacific”, Đài Loan, ngày 17 – 18 tháng 5 năm 2019.

——————————————————————

[1] M/V ‘Virginia G’ (Panama/Guinea-Bissau) (Judgment) ITLOS Reports 2014, 4.   [2] ibid [256].   [3] ibid [257].   [4] ibid [267].   [5] ibid [269].   [6] ibid.

[7] Alexander Proelss, United Nations Convention on the Law of the Sea: A Commentary (CH Beck, Hart, Nomos, 2017) 558

[8] See European Communities–Measures Affecting Asbestos and Asbestos-Containing Products, AB Report (12 March 2001) WT/DS135/AB/R; Korea–Measures Affecting Imports of Fresh, Chilled and Frozen Beef, AB Report (11 December 2000) WT/DS161,169/AB/R; United States–Measures Affecting Cross-Border Supply of Gambling and Betting Services, AB Report (7 April 2005) WT/DS285/AB/R.

[9] See Sunday Times (I) v UK 30 Eur. Ct. H.R. (ser. A), § 62.

[10] M/V ‘Virginia G’ (Panama/Guinea-Bissau) (Judgment, Dis. Op. Jesus) ITLOS Reports 2014, 4 [20].   [11] ibid [21].

[12] M/V ‘Virginia G (Panama/Guinea-Bissau) (Judgment, Sep. Op. Paik) ITLOS Reports 2014, 4 [25].

[13] /V ‘Virginia G’ (Panama/Guinea-Bissau) (Judgment, Dis. Op. Sérvulo Correia) ITLOS Reports 2014, 4 [18].   [14] Judge ad hoc Sérvulo Correia held that ‘necessary’ cannot be regarded as synonymous with ‘reasonable’. See Dissenting Opinion of Judge ad hoc Sérvulo Correia, ibid 18].

[15] Code of Conduct for Responsible Fisheries http://www.fao.org/iuu-fishing/international-framework/code-of-conduct-for-responsible-fisheries/en/

[16] Ema Septaria, ‘IUU Fishing n Indonesia, Are Asean Member States Responsible For?’ (2016) 11(4) International Journal of Business, Economics and Law 76.

[17] Georg Nolte, ‘Fifth Report on Subsequent Agreements and Subsequent Practice in Relation to the Interpretation of Treaties’ Report of the Special Rapporteur, A/CN.4/715, 20, 14.

[18] Chagos Marine Protected Area Arbitration (Mauritius v United Kingdom), Arbitral Award of 18 March 2015, para 519 http://www.pca-cpa.org/MU-UK%2020150318%20Awardd4b1.pdf?fil_id=2899

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: