[136] Quyết định ngày 25.5.2019 của Tòa ITLOS áp dụng Biện pháp khẩn cấp tạm thời trong Vụ Ukraine v. Nga: Xem xét các điều kiện áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

1. Tính khẩn cấp của vụ việc

  • Tính hợp lý của các quyền yêu cầu được bảo vệ

Mục tiêu quan trọng nhất của việc sử dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời là phải bảo đảm được quyền lợi đáng có của bên yêu cầu sử dụng các biện pháp này. Do đó, trước khi đưa ra quyết định về các biện pháp được áp dụng, ITLOS cần phải chứng minh được rằng quyền lợi của Ukraine cần được bảo vệ ở đây là hợp lý. Nhận định này cũng đã được ITLOS nhắc đến trong các án lệ trước đây, như Vụ Enrica Lexie năm 2015, Vụ Phân định biên giới biển giữa Ghana và Côte d’lvoire năm 2015.

Vấn đề cấp thiết ở đây đối với Ukraine đó là các tàu hải quân của Ukraine (đặc biệt là tàu Berdyansk và tàu Nikopol) là các tàu chiến và các thuỷ thủ đoàn đều thuộc Hải quân Ukraine. Do đó, các tàu và thuỷ thuỷ đều được hưởng quyền miễn trừ theo các Điều 29, 32, 58, 95 và 96 của UNCLOS. Theo Ukraine, các tàu này được hưởng quyền miễn trừ hoàn toàn trước mọi thẩm quyền của bất kỳ một quốc gia nào khác trong lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của nước đó. Có nghĩa là với quyền miễn trừ này các quốc gia thứ ba không được tấn công, ngăn chặn, bắt giữ hay giam cầm các tàu quân sự và nhân viên quân sự của Ukraine. Do đó, chuỗi hành động của Nga là vi phạm Công ước và cả tập quán quốc tế về quyền miễn trừ của các tàu quân sự.

ITLOS đã đồng ý với quan điểm này của Ukraine, và cho rằng các tàu và thuỷ thủ đoàn của Ukraine có được các quyền miễn trừ hợp lý dựa vào các Điều 29, 32, 58, 95 và 96 của Công ước. Như vậy cũng có nghĩa là các quyền mà Ukraine yêu cầu Toà bảo vệ là hợp lý.

  • Những rủi ro thực tế và khẩn cấp từ các tổn hại không thể đền bù được

Sau khi thừa nhận tính hợp lý của các quyền mà Ukraine yêu cầu Toà bảo vệ, ITLOS cần phải xem xét tính chất khẩn cấp của vụ việc. Có nghĩa là Toà không thể đưa ra các biện pháp khẩn cấp tạm thời nếu không chứng minh được sự tồn tại của những rủi ro thực tế và cấp thiết đến từ các tổn hại không thể sửa chữa được khi mà Toà trọng tài phụ lục VII chưa được thành lập và hoạt động.

Theo quan điểm của Ukraine, việc bắt giữ các tàu chiến và giam cầm các hải quân làm tổn hại đến danh dự và chủ quyền quốc gia của họ. Nó còn làm ảnh hưởng đến các hoạt động công vụ quan trọng của quốc gia này, đe doạ trầm trọng đến các quyền lợi không thể đền bù được của Ukraine. Bên cạnh đó, Ukraine còn cho rằng việc Nga có thể tiếp cận được các trang bị quân sự, vũ khí, các thiết bị thông tin liên lạc hết sức nhạy cảm trên các tàu hải quân ảnh hưởng nghiêm trọng đến bí mật quốc phòng của Ukraine. Tiếp đến còn có các quyền lợi cá nhân của các thuỷ thủ trên tàu bị ảnh hưởng bởi việc giam cầm này. Tất cả các hậu quả trên, theo Ukraine, là hết sức thực tế, khẩn cấp và tổn hại không thể đền bù được.

Ngược lại, Nga đưa các giải thích để chứng minh rằng tình huống xung đột giữa Nga và Ukraine là không hề khẩn cấp. Trước hết, Nga cho rằng Ukraine đã đợi 4 tháng để yêu cầu sự trợ giúp từ ITLOS. Ngoài ra, Ukraine cũng đã nhờ đến các biện pháp hỗ trợ về y tế cho các nhân viên thuộc các tàu này ở Toà án châu Âu. Và Nga đã thực hiện quyết định của Toà án này. Bên cạnh đó, yêu cầu trao trả các nhân viên của tàu đã bị Toà châu Âu từ chối.

ITLOS gần như đồng ý hoàn toàn với các lập luận của Ukraine. Theo ITLOS, tàu chiến theo cách giải thích từ Điều 29 của UNCLOS 1982 mang trong nó chủ quyền của quốc gia mà nó treo cờ; do vậy, tàu chiến được hưởng các quyền miễn trừ không những trong Công ước mà còn trong các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế. Các hoạt động làm ảnh hưởng đến các quyền miễn trừ của tàu chiến sẽ gây ra các hệ quả xấu đến danh dự, chủ quyền quốc gia và nó còn có khả năng hạ thấp khả năng quốc phòng của quốc gia đó. Vì thế, Toà cho rằng các hoạt động của Nga đối với các tàu chiến và thuỷ thủ của Ukraine đã làm tổn hại đến các quyền miễn trừ mà các tàu và các nhân viên này được thụ hưởng. Đây là những tổn hại thực tế, khẩn cấp và không thể đền bù được. Quan trọng hơn, nếu hành động này tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do của các thuỷ thủ, dẫn đến các mối lo ngại về mặt nhân đạo.

Toà kết luận, tình huống trong vụ việc này có tính chất khẩn cấp theo yêu cầu của Điều 290(5).

2. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời

Ukraine yêu cầu Toà sử dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời  yêu cầu Nga phải nhanh chóng thả 3 tàu chiến bị bắt giữ của Ukraine, đưa các tàu về với sự quản lý bảo hộ của Ukraine, chấm dứt các quy trình (xét xử) hình sự đối với 24 hải quân của Ukraine, không đưa ra các quy trình (xét xử) mới chống lại họ trong tương lai, thả các thuỷ thủ này và đưa họ về trở lại Ukraine.

Bên Nga cho rằng các yêu cầu này của Ukraine các hành vi này xâm phạm quyền xử lý của Nga đối với các tàu này, và các yêu cầu này của Ukraine giống với yêu sách Ukraine đưa ra trước Toà trọng tài phụ lục VII. Như vậy, nó sẽ làm ảnh hưởng đến phán quyết về mặt nội dung của Toà trọng tài này.

ITLOS nhận thấy rằng theo Điều 89(5) Quy chế làm việc của Toà, ITLOS có thể đưa ra các biện pháp khác biệt hoàn toàn hoặc khác biệt một phần so với yêu sách của bên yêu cầu. Và sau khi xem xét tình huống tranh chấp cộng với các biện pháp đề xuất bởi Ukraine, ITLOS cho rằng việc yêu cầu Nga thả các tàu quân sự bị bắt giữ, 24 thuỷ thủ và đưa họ về Ukraine là hợp lý. Bên cạnh đó, Toà cũng nhận thấy việc yêu cầu huỷ bỏ các quy trình (tố tụng hình sự) đối với các thuỷ thủ là không cần thiết trong trường hợp này. Tuy nhiên, Toà cho rằng các bên cần tránh thực hiện các hành vi có thể làm xấu thêm hay kéo dài tranh chấp giữa hai bên. Ngoài ra, theo Điều 95(1) của Quy chế làm việc của Toà, các bên phải trình lên Toà các báo cáo liên quan đến việc thực hiện các biện pháp mà Toà quyết định. Các quyết định của ITLOS không thể ảnh hưởng đến quá trình làm việc hay phán quyết của Toà trọng tài Phụ lục VII giải quyết vụ việc này. Các Toà án làm việc một cách độc lập và các phán quyết đều có giá trị pháp lý đối với các bên trong tranh chấp. Đặc biệt, tuy Nga không xuất hiện trước Toà, nhưng theo quy định thông thường và các án lệ trước đây, bao gồm Vụ Nuclear test năm 1973 ở Toà án Công lý Quốc tế (ICJ), hay Vụ Arctic Sunrise năm 2013 ở ITLOS, Nga vẫn là một bên trong tranh chấp. Do vậy, Nga có nghĩa vụ phải tôn trọng phán quyết của Toà, và thực hiện các biện pháp mà Toà đã đưa ra.

Từ đó, ITLOS đưa ra quyết định sau:

  1. ITLOS, sử dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời theo điều 290 đoạn 5 của UNCLOS 1982, quyết định:

a. Nga phải lập tức thả các tàu chiến của Nga là Berdyansk, Nikopol và Yani Kapu và trả các tàu này trở lại sự quản lý của Ukraine.

b. Nga phải lập tức thả 24 thuỷ thủ của Ukraine và cho phép họ trở về Ukraine.

c. Ukraine và Nga phải kiềm chế tất cả các hoạt động mà có thể làm trầm trọng thêm hoặc mở rộng tranh chấp của 2 bên đã được nộp lên Toà trọng tài Phụ lục VII của UNCLOS 1982.

       2. ITLOS quyết định Ukraine và Nga các bên phải nộp lên Toà báo cáo đầu tiên về việc tuân thủ quyết định của Toà không chậm hơn ngày 25.6.2019, và cho phép Chánh án của Toà yêu cầu các bên nộp thêm báo cáo về vấn đề này trong trường hợp cần thiết.

Quyết định được ITLOS đưa ra vào ngày 25.5.2019 với 19 phiếu thuận và 1 phiếu chống của Thẩm phán Kolodkin (người Nga).

(Phần 1: Thẩm quyền của Toà án) 

Phạm Ngọc Minh Trang

Bài viết tóm tắt từ Quyết định của Toà án luật biển quốc tế (ITLOS) trong Vụ bắt giữ ba tàu hải quân của Ukraine (Ukraine v. Nga), ITLOS, 2019, xem thêm thông tin về vụ việc, toàn văn Quyết định, và tóm tắt Quyết định của Tòa.

2 bình luận về “[136] Quyết định ngày 25.5.2019 của Tòa ITLOS áp dụng Biện pháp khẩn cấp tạm thời trong Vụ Ukraine v. Nga: Xem xét các điều kiện áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Add yours

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: