Hiện trạng thông qua nguồn tin chính thức – Hiện trạng thông qua nguồn tin “rò rỉ” – Quan điểm mới nhất của Việt Nam về đường hướng của COC
Tình trạng tranh chấp ở Biển Đông liên quan đến 05 nước 06 bên trong gần 10 năm gần đây trở nên căng thẳng và có nhiều diễn biến mang tính chất thay đổi nguyên trạng nghiêm trọng. Tuyên bố Ứng xử của các Bên trên Biển Đông năm 2002 (Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea – DOC), và Hướng dẫn Thực thi DOC năm 2011 (Guidelines for the Implementation of the DOC) rõ ràng đã thất bại trong việc giữ ổn định tranh chấp, có thể một phần là do hai văn kiện trên không có giá trị pháp lý ràng buộc.
Điều 10 của DOC định hướng rằng:
“Các Bên liên quan xác nhận rằng việc thông qua một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông sẽ thúc đẩy hơn nữa hòa bình và ổn định trong khu vực ,và trên cơ sở đồng thuận, đồng ý làm việc hướng đến hiện thực hóa mục đích đó.”
Hiện trạng thông qua nguồn tin chính thức
Đàm phán một bộ quy tắc ứng xử (a code of conduct – COC) đã không thực chất cho đến khoảng năm 2016 – là năm mà Tòa trọng tài đã ra phán quyết trong Vụ kiện Biển Đông. Tháng 08.2017, các bên thông qua Khung Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông, tạo cơ sở đi vào đàm phán thực chất nội dung COC trong thời gian tới.[1] Theo tiết lộ của Ngoại trưởng Philippines – nước Chủ tịch ASEAN 2017 – Bolivar “dự thảo khung COC được coi như là một ‘phác thảo’ định nghĩa bản chất của Bộ quy tắc ứng xử, nêu chi tiết cơ sở pháp lý cũng như ‘cách hành xử của các nước trong khu vực’.”[2] Qua phát biểu của Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh lúc đó, tại thời điểm tháng 08.2017,[3] các bên chưa thống nhất vấn đề liệu COC có sẽ là một văn bản ràng buộc pháp lý hay không. Nhận định này được xác nhận thông qua các nguồn tin “rò rỉ” bên dưới.
Một năm sau đó, tháng 08.2018, các bên đạt được tiến triển rất quan trọng khi thông qua “văn bản dự thảo đàm phán duy nhất” (Single Draft Negotiating Text – SDNT). Ngoại trưởng Singapore Balakrishnan – nước Chủ tịch ASEAN 2018 – cho biết “đây sẽ là văn bản cơ sở cho các cuộc đàm phán COC trong tương lai và hai bên đã thống nhất các phương thức chính cho các cuộc đàm phán COC trong thời gian tới.”[4] Nói thêm rằng, việc có SDNT là một kỹ thuật đàm phán phổ biến, và đã từng được sử dụng khi đàm phán Công ước Luật Biển năm 1982.
Từ các thông tin ít ỏi trên, có thể thấy rằng ít nhất các bên chỉ thống nhất được cách thức đàm phán, nhưng có vẻ chưa thống nhất được bản chất pháp lý của COC sau này.
Hiện trạng thông qua nguồn tin “rò rỉ”
Mặc dù cả hai văn bản nêu trên (văn bản khung năm 2017 và SDNT năm 2018) đều không được công khai – điều này cũng dễ hiểu vì quá trình đàm phán đôi khi cần bí mật để các bên có thể trao đổi thẳng thắn, tránh bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài, từ cả trong và ngoài nước. Dù vậy, một số học giả đã có vẻ tiếp cận được hai văn bản trên.
Carl Thayer đã đăng tải toàn văn một văn bản được cho là văn bản khung năm 2017 (xem tại đây). Văn bản gồm ba phần chính: phần lời mở đầu, phần các điều khoản chung, và phần các điều khoản cuối cùng. Nội dung còn rất sơ lược chỉ gồm các đề mục ngắn. Một số câu chữ cho thấy COC có khả năng là một văn bản ràng buộc pháp lý, ví dụ như mục 2.a.i về mục đích của COC ghi là “Nhằm xác lập một khuôn khổ dựa trên luật lệ với một bộ các quy tắc để hướng dẫn các ứng xử của các bên…”, và đặc biệt là Mục 3.e. về “Hiệu lực”. Mặt khác một số câu chữ khác lại làm giảm tính pháp lý của COC đi, ví dụ Mục 2.a.i nêu trên dùng từ “hướng dẫn” mà không phải là những từ có tính ràng buộc hơn như “điều chỉnh”, “quy định”. Có vẻ tại thời điểm tháng 08.2017, các bên còn đang chưa thực sự thống nhất được liệu COC sẽ là một văn bản ràng buộc pháp lý hay không, dù xu hướng có vẻ đang nghiêng về một COC ràng buộc pháp lý. Một học giả khác cũng có vẻ tiếp cận được văn bản khung này là Ian Storey. Các phân tích của ông này cũng ủng hộ nhận định trên.
Cũng Carl Thayer, một ngày sau khi SDNT năm 2018 được thông qua, đã có bài viết phân tích về văn bản này. Bài viết của ông này làm nổi bật lên quan điểm của Trung Quốc muốn cô lập vấn đề Biển Đông trong phạm vi các bên liên quan (yêu cầu không tập trận với quốc gia ngoài khu vực, không hợp tác dầu khí với công ty ngoài khu vực). Quan điểm của Việt Nam có vẻ khá cứng rắn:
- COC cần áp dụng trên toàn bộ vùng biển chồng lấn và thực thể tranh chấp ở Biển Đông;
- Thành lập một Ủy ban giám sát thực thi gồm bộ trưởng ngoại giao các nước;
- Khẳng định tranh chấp có thể được giải quyết bằng cả biện pháp ngoại giao và pháp lý theo sự đồng ý của các bên;
- Liệt kê chi tiết 27 điểm gồm các hoạt động cụ thể mà các quốc gia được phép và không được phép thực hiện ở Biển Đông, như xây dựng đảo nhân tạo, quân sự hóa các thực thể, phong tỏa tàu thuyền cung cấp nhu yếu phẩm, thành lập các vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), tiến hành diễn tập tấn công tàu và máy bay của quốc gia khác;
- Các vùng biển phải được xác định phù hợp với Công ước Luật Biển năm 1982;
- COC phải là một văn bản ràng buộc pháp lý, phải được phê chuẩn và nộp lưu chiểu tại Liên hợp quốc, và không được phép bảo lưu.
Trước đó, SDNT được Hội nghị Quan chức Cấp cao ASEAN thông qua vào ngày 27.06.2019.[5] Theo một bài báo của Reuters ngày 31.12.2018, sau gần 05 tháng đám phán, các bên không có vẻ đạt được bất kỳ tiến triển nào.
Cũng lưu ý rằng các nguồn tin “rò rỉ” không thể xác thực được, và có thể không phản ánh thực tế đàm phán. Trong một cuộc phỏng vấn ngày 15.01.2019, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định:
“Cho đến nay, các thương lượng này diễn ra nội bộ trong ASEAN và Trung Quốc, chưa có văn bản nào công bố ra bên ngoài và các dự đoán chỉ là phán đoán.”
Quan điểm mới nhất của Việt Nam về COC
Trong cuộc phỏng vấn ngày 15.01.2019 nêu trên, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh được dẫn lời rằng:
“COC sẽ phải đảm bảo các nguyên tắc: Thực hiện hiệu quả, ràng buộc về pháp lý và thực thi được. Đối với DOC cho đến nay có nhiều điều khoản chưa thực hiện được, dù hàng năm vẫn kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện DOC, trong đó có vấn đề thay đổi các hiện trạng tại Biển Đông. Và COC phải bảo đảm các yếu tố có tính chất pháp lý ràng buộc.”[6]
Có thể thấy rằng hai định hướng lớn mà Việt Nam hướng đến trong quá trình đàm phán COC là: (1) đây phải là một văn bản ràng buộc pháp lý, một điều ước quốc tế; và (2) phải có một cơ chế giám sát thực thi hiệu quả, hiệu lực. Chặng đường để đạt được COC có vẻ còn lâu dài, dù ngày 08.03.2019, Ngoại trưởng Trung Quốc Wang Yi cho biết nhiều quốc gia ủng hộ lộ trình đàm phán ba năm mà Trung Quốc đề xuất để kết thúc đàm phán COC vào năm 2021.[7] Các nước ASEAN chưa đồng thuận về mốc 2021 này, có thể với một số nước, ba năm đàm phán là quá dài một cách không cần thiết nếu các bên thực sự thiện chí.
Trần H. D. Minh
——————————————————————————
[1] Phạm Hà, ‘Thông qua dự thảo khung COC sẽ tạo cơ sở đi vào đàm phán thực chất’, Báo điện tử VOV, ngày 06.08.2017, https://vov.vn/the-gioi/thong-qua-du-thao-khung-coc-se-tao-co-so-di-vao-dam-phan-thuc-chat-656149.vov (truy cập ngày 01.04.2019).
[2] TTXVN, ‘ASEAN và Trung Quốc chính thức thông qua dự thảo khung COC’, Vietnam+, ngày 06.08.2017, https://www.vietnamplus.vn/asean-va-trung-quoc-chinh-thuc-thong-qua-du-thao-khung-coc/459670.vnp (truy cập ngày 01.04.2019)
[3] Raul Dancel, ‘Deal on framework of South China Sea’, The Straits Times, ngày 07.08.2017, https://www.straitstimes.com/asia/se-asia/deal-on-framework-of-s-china-sea-code (truy cập ngày 01.04.2019).
[4] TTXVN, ‘ASEAN-Trung Quốc đạt thỏa thuận về “văn bản duy nhất” đàm phán COC’, Vietnam+, ngày 02.08.2018, https://www.vietnamplus.vn/aseantrung-quoc-dat-thoa-thuan-ve-van-ban-duy-nhat-dam-phan-coc/516987.vnp (truy cập ngày 01.04.2019).
[5] Joint Communiqué of the 51th ASEAN Foreign Ministers’ Meeting, Singapore, 02 August 2018, [74] https://asean.org/storage/2017/08/51st-AMM-Joint-Communique-Final.pdf (truy cập ngày 01.04.2019).
[6] Tú Anh, ‘Việt Nam luôn hoan nghênh các sáng kiến nhằm duy trì hòa bình trên Biển Đông’, Kinh tế & Đô thị, ngày 15.01.2015, http://kinhtedothi.vn/viet-nam-luon-hoan-nghenh-cac-sang-kien-nham-duy-tri-hoa-binh-tren-bien-dong-334313.html (truy cập ngày 01.04.2019). Xem thêm, Châu Như Quỳnh, ‘Phó thủ tướng: Biển Đông xảy ra xung đột, Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn nhất’, Báo Dân trí, ngày 16.01.2019, https://dantri.com.vn/chinh-tri/pho-thu-tuong-bien-dong-xay-ra-xung-dot-viet-nam-chiu-anh-huong-lon-nhat-20190116083719563.htm (truy cập ngày 01.04.2019); Vũ Hân, ‘DOC chưa ngăn được việc làm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông’, Thanh niên, ngày 15.01.2019, https://thanhnien.vn/thoi-su/doc-that-bai-trong-viec-giu-nguyen-hien-trang-tren-bien-dong-1043815.html (truy cập ngày 01.04.2019).
[7] Kris Crismundo, ‘China eyes completion of SCS Code of Conduct by 2021’, Philippines News Agency, ngày 08.03.2019, http://www.pna.gov.ph/articles/1064027 (truy cập ngày 02.04.2019).
Cám ơn bài viết đã cung cấp và đầy đủ và đa chiều thông tin về quá trình đàm phán COC.
Có một vài chỗ nhỏ có vấn đề chính tả, thầy xem chỉnh lại ạ ^^:
nguồn tin “rò rĩ” -> “rò rỉ”
kỷ thuật đàm phán phổ biến -> kỹ thuật
trao đổi thẳng thắng -> thẳng thắn
Ủy ban giám sát thức thi -> thực thi
phải được xác định phục hợp -> phù hợp
Cảm ơn em nhé! Đã sửa!