[130] Một số khía cạnh pháp lý quốc tế trong vụ việc Wikileaks và Quy chế cư trú chính trị của Julian Assange

Sau khoảng thời gian 7 năm cư trú trong trụ sở Đại sứ quán của Ecuador tại Anh với quy chế tị nạn chính trị, Julian Assange đã bị nhà chức trách Anh bắt giữ, chấm dứt chuỗi thời gian lẩn trốn của một trong những nhân vật gây ảnh hưởng nhất thế giới giai đoạn đầu thế kỷ 21.

assange

Từ cuối năm 2005, Julian Assange đã có dự định cùng một người bạn của ông thành lập một trang web có tên là WikiLeaks. Trong thời gian đầu thành lập, cùng với nhà đồng sáng lập của mình, Julian Assange đã gây sự chú ý của toàn thế giới khi thường xuyên đăng tải nội dung các thông tin rò rỉ từ những loại tài liệu chưa công bố. Không thể biết được bằng cách nào và thông qua những mối quan hệ nào, những tài liệu được công bố đa phần đều là những văn bản mật, thậm chí thuộc hàng “tối mật” (top secret) của các Chính phủ, những chính khách và các nhân vật quan trọng có tầm ảnh hưởng lớn… Trong giai đoạn đầu hoạt động, trang WikiLeaks có chính sách hoạt động khá trung lập và toàn diện khi đã tiến hành cho đăng tải hàng loạt tài liệu mật của nhiều quốc gia trên khắp các châu lục trên thế giới (từ châu Phi cho đến châu Á, châu Âu…). Tuy nhiên, trong những năm hoạt động về sau, đặc biệt khi Assange sa thải người bạn đồng sáng lập trang web để trực tiếp điều hành một mình, chính sách của WikiLeaks đã được thay đổi. Các tài liệu được công bố không còn mang tính dàn trải, mũi công kích của trang web được chuyển hướng và tập trung vào chỉ một quốc gia – đó chính là Hoa Kỳ[1].

Một sự kiện tạo được tiếng vang lớn cho trang WikiLeaks và đây cũng là nguyên nhân chính dẫn tới việc trang web liên tục bị sập; đó chính là việc trang này đã cho đăng tải một đoạn videoclip quay lại cảnh trực thăng Apache của Mỹ xả súng bắn 12 dân thường, trong đó có cả 2 phóng viên Reuters của Anh tại Baghdad năm 2007. Tiếp đó, Assange liên tục cho công bố những tài liệu hướng dẫn nội bộ của nhà tù Guantanamo – một trong những vấn đề mà Mỹ đã phải hứng chịu rất nhiều sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Không chỉ dừng lại ở đó, những đợt công bố tài liệu mật lớn về các cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq cũng được trang web này đăng tải. Vụ việc lên tới đỉnh điểm khi Assange bất ngờ đăng tải những bức điện thư mật và email của bà Hillary Clinton về những lùm xùm và không minh bạch trong vấn đề tài chính ngay trong bối cảnh bà này đang tranh cử tổng thống. Tất nhiên, bản tính của loài người là tò mò, cũng giống như hầu hết mọi người, Donald Trump từng bày tỏ rằng rất thích đọc WikiLeaks (Lúc này Trump từng tuyên bố hồi năm 2016 khi chưa là tổng thống). Còn bây giờ, với tư cách là tổng thống, Trump lại nói ông không ưa nổi WikiLeaks mặc dù phần lớn sự thành công của ông trong chiến dịch tranh cử Tổng thống tới từ các nguồn thông tin rò rỉ của Wikileaks[2] ?!

Khi đang cư trú tại Anh, Assange bị cáo buộc có hành vi xâm hại tình dục trong thời gian ở Thụy Điển. Để trốn tránh việc bị dẫn độ và xét xử tại Thụy Điển hay thậm chí có thể bị dẫn độ thẳng về Mỹ, tháng 6/2012, Assange đã xin cấp quy chế cư trú chính trị tại Đại sứ quán của Ecuador tại Anh và được phía Ecuador chấp nhận. Anh đã yêu cầu Đại sứ quán Ecuador trao trả Assange để Anh dẫn độ sang Thụy Điển theo yêu cầu của quốc gia này nhưng Ecuador từ chối. Tháng 8/2012, Chính phủ Anh đã cảnh báo sẽ đột kích vào Đại sứ quán của Ecuador nếu nước này không chấp nhận yêu cầu của Anh. Ngay lập tức, Ecuador đã bày tỏ sự tức giận và khẳng định có thể đáp trả bằng những biện pháp ngoại giao mạnh mẽ nhất nếu Chính phủ Anh thực hiện hành động này.

Dưới góc độ pháp lý quốc tế, đây là một vụ việc có liên quan đến nhiều ngành kiến thức đặc thù của công pháp, đặc biệt liên quan đến luật ngoại giao-lãnh sự đan xen đến vấn đề cư trú dưới quy chế tị nạn chính trị cũng như có mối liên hệ nhất định tới mảng tội phạm công nghệ cao – một trong những lĩnh vực còn khá mới mẻ của Luật Quốc tế nói chung.

Vấn đề pháp lý trước tiên đặt ra, đó chính là việc Đại sứ quán của Ecuador cho phép Assange cư trú chính trị trong trụ sở của mình tại Anh có phù hợp với pháp luật quốc tế hay không. Nếu như soi chiếu vào trong Công ước Viên năm 1961 về Quan hệ Ngoại giao, sẽ vô cùng khó cho Vương quốc Anh để có thể tìm ra một điều khoản quy định trực tiếp về vấn đề có hay không việc cho phép một cá nhân công dân của một quốc gia thứ ba cư trú đơn thuần (hay cư trú chính trị) trong trụ sở Đại sứ quán của mình đặt trên lãnh thổ của quốc gia sở tại. Tuy nhiên, việc trụ sở Đại sứ quán được phép thực hiện những chức năng và nhiệm vụ nào thì lại được quy định rất cụ thể tại Điều 3 của Công ước:

1. The functions of a diplomatic mission consist, inter alia, in:

(a) Representing the sending State in the receiving State;

(b) Protecting in the receiving State the interests of the sending State and of its nationals, within the limits permitted by international law;

(c) Negotiating with the Government of the receiving State;

(d) Ascertaining by all lawful means conditions and developments in the receiving State, and reporting thereon to the Government of the sending State;

(e) Promoting friendly relations between the sending State and the receiving State, and developing their economic, cultural and scientific relations.

2. Nothing in the present Convention shall be construed as preventing the performance of consular functions by a diplomatic mission”.

Nhìn vào Điều 3 của Công ước, chúng ta không hề thấy có một chức năng nào cho phép việc cá nhân là công dân của một quốc gia thứ ba bất kỳ có quyền được cư trú trong trụ sở Đại sứ quán đóng tại lãnh thổ nước tiếp nhận và điều này không hề vi phạm quyền tự do đi lại và cư trú của cá nhân. Tuy nhiên, nếu như chỉ suy đoán gián tiếp dựa trên cơ sở Điều 3 của Công ước Viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao rất có thể sẽ vi phạm đến nguyên tắc “được làm tất cả những gì pháp luật không cấm”. Chính vì vậy, để có thể khẳng định hành vi của Ecuador khi cho phép Assange cư trú chính trị trong trụ sở của mình tại Anh liệu có phù hợp với pháp luật quốc tế hay không, chắc chắn cần viện dẫn thêm những nguyên tắc và các quy phạm khác trong ngành luật ngoại giao và lãnh sự. Cùng với Điều 3, để xác định tính đúng đắn trong hành vi của Ecuador, cần viện dẫn thêm Điều 41 của Công ước Viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao:

“…The premises of the mission must not be used in any manner incompatible with the functions of the mission as laid down in the present Convention or by other rules of general international law or by any special agreements in force between the sending and the receiving State”. (Trụ sở của cơ quan đại diện không được đem sử dụng một cách không phù hợp với các chức năng của cơ quan đại diện đã được nêu trong Công ước này hoặc trong những quy phạm khác của công pháp quốc tế, hoặc trong những hiệp định riêng hiện hành giữa Nước cử đi và Nước tiếp nhận).

Như vậy, Điều 41 đã dẫn chiếu ngược trở lại Điều 3 nhằm mục đích giới hạn lại điều khoản này hay nói một cách khác, những chức năng tại Điều 3 của cơ quan đại diện ngoại giao là những chức năng cứng và không thể được hiểu theo cách thức mở rộng. Có thể thấy, với những căn cứ này, hành vi của Ecuador là không được pháp luật quốc tế cho phép. Ngoài ra, dưới góc độ của hình sự quốc tế và đặc biệt là thực tiễn án lệ quốc tế[3] thì tình trạng của Julian Assange cũng không nằm trong diện được phép cư trú, đặc biệt là trong trụ sở Đại sứ quán của một quốc gia khác.

Vấn đề pháp lý thứ hai cần phải được làm rõ trong vụ việc này, đó là chính phủ Anh có thể làm gì trước hành vi vi phạm của Ecuador. Trên thực tế, Julian đã cư trú trong đại sứ quán của Ecuador từ năm 2012 cho đến thời điểm bị bắt giữ. Trong quãng thời gian đó, Chính phủ Anh đã bằng rất nhiều biện pháp ngoại giao tác động thậm chí đã từng cảnh báo ở nhiều cấp độ bao gồm cả việc sẽ đột kích vào Đại sứ quán Ecuador để bắt người, những phía Ecuador vẫn nhất quyết không trao trả Assange và thậm chí bày tỏ sự tức giận cũng như khẳng định có thể đáp trả bằng những biện pháp mạnh mẽ nhất nếu Chính phủ Anh thực hiện việc bắt giữ người. Điều này là hoàn toàn có cơ sở khi mà Điều 22 của Công ước Viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao có quy định: “The premises of the mission shall be inviolable. The agents of the receiving State may not enter them, except with the consent of the head of the mission”… Với câu chữ mà Điều 22 quy định, có thể thấy rằng, quyền bất khả xâm phạm về trụ sở của cơ quan đại diện ngoại giao là rất nghiêm ngặt, trừ khi được sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan còn không tất cả những trường hợp khác xâm phạm trụ sở Đại sứ quán đều bị coi là vi phạm nghiêm trọng đến nội dung và tinh thần của Công ước Viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao. Mặc dù trước một hành vi vi phạm, các quốc gia hoàn toàn có thể đáp trả lại bằng những biện pháp “trả đòn” trên cơ sở của nguyên tắc “có đi có lại” – một trong những nguyên tắc chuyên ngành đặc thù của pháp luật nói chung và ngành luật ngoại giao-lãnh sự nói riêng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, phía Anh trên thực tế đã áp dụng một số biện pháp hợp pháp khác, như triển khai các lực lượng tuần tra, canh phòng, lập các chốt phía bên ngoài khu vực Đại sứ quán của Ecuador. Theo đó, đây không phải là hành vi đe dọa sử dụng vũ lực mà theo phía Chính phủ Anh, việc triển khai lực lượng này chủ yếu nhằm đảm bảo an toàn cho trụ sở Đại sứ quán của Ecuador cũng như tăng cường an ninh xung quanh khu vực của trụ sở. Hành động này là hoàn toàn phù hợp với những gì mà Công ước Viên namw 1961 về quan hệ ngoại giao trù định: “…The receiving State is under a special duty to take all appropriate steps to protect the premises of the mission against any intrusion or damage and to prevent any disturbance of the peace of the mission or impairment of its dignity”.

Thời gian cứ trú của Assange ở trong đại sứ quán Ecuador là khá lâu cho đến khi Tổng thống Correa – người cấp quy chế cư trú cho Assange – hết nhiệm kỳ. Kể từ thời của Tổng thống mới đương nhiệm Moreno, việc sử dụng internet của Assange cũng đã bị hạn chế, và số người đến thăm cũng được giới hạn. Và đến ngày 11/4, Tổng thống Moreno tuyên bố: “Trong một quyết định độc lập, Ecuador đã rút lại trạng thái tị nạn của Julian Assange, sau khi ông ta vi phạm nhiều lần các công ước quốc tế và các quy định trong đời sống hàng ngày của sứ quán”. Đây là những diễn biến mới nhất, nhưng không phải là những gì cuối cùng trong sự nghiệp đầy tai tiếng của người đàn ông gây nhiều tranh cãi này. Kết cục của vụ việc này sẽ như thế nào? Không ai có thể đoán định được nhưng ở thời điểm hiện tại, chắc chắn chúng ta sẽ sớm có câu trả lời.

ĐỖ QUÍ HOÀNG

————————————————————————————-

[1]        https://www.crikey.com.au/2019/04/12/assange-legal-journey-just-beginning/

[2] https://www.vanityfair.com/news/2019/04/donald-trump-wikileaks-julian-assange-arrest

[3] Xem vụ Asylum (Colombia v. Peru) ICJ case 1950 (https://www.icj-cij.org/files/case-related/7/1851.pdf)

4 bình luận về “[130] Một số khía cạnh pháp lý quốc tế trong vụ việc Wikileaks và Quy chế cư trú chính trị của Julian Assange

Add yours

  1. Cảm ơn Hoàng đã có bài viết về một sự kiện có tính thời sự (những bài mà thường học giả khá ngại viết vì có khả năng sai sót khi bài viết cần nhanh mà chính xác). Một mặt, hai câu hỏi được nêu trong bài viết là vô cùng hợp lý: (1) Liệu việc Ecuador cho phép Assange tị nạn trong trụ sở đại sứ quán của mình tại London có phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế về ngoại giao và lãnh sự? và (2) Nước Anh có thể làm được gì để bắt giữ ông này một cách hợp pháp?

    Mặt khác, có hai điểm cần xem xét them vì có thể (hoặc không) ảnh hưởng đến các kết luận trong bài viết:

    1. Điều 3 của Công ước Viên năm 1961 có sử dụng từ ”inter alia” mà trong bài viết có in đậm và gạch chân. Đây là từ quan trọng vì nó thể hiện Điều 3 chỉ mang tính chất liệt kê một số chức năng chính của một phái đoàn ngoại giao. Danh sách 05 chức năng ở khoản 1 điều nay là danh sách mở.

    2. Julian Assange được Ecudar cho nhập tịch vào khoảng tháng 01.2018, cho đến tháng 4.2019, nên giai đoạn này, việc cư trú của Assange trong trụ sở đại sứ quán Ecuador tại London có them yếu tố pháp lý khác với giai đoạn tị nạn trước 2018 khi ông này là công dân của quốc gia thứ ba.

    Ngoài ra, bài viết có đề cập đến quyền cho phép tị nạn của một quốc gia (tác giả sử dụng thuật ngữ “cư trú chính trị”(?)). Về vấn đề này, xin trích them một nhận định trong Malcolm N. Shaw, International Law (CUP 2008) 758: “Whether a right of diplomatic asylum exists within general international law is doubtful and in principle refugees are to be returned to the authorities of the receiving state in the absence of treaty or customary rules to the contrary.”

    Minh

      1. Có thời gian thì tìm hiểu thêm, không thì cũng không cần thiết. Comments như phần bàn thêm, phát biểu ý kiến trong hội thảo ấy; mỗi người một góc nhìn, tham khảo lẫn nhau.

        Minh

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: