Trong hai ngày 20 – 21.9.2019, tại Trường Luật, Đại học Leiden, Hội thảo về Quản trị cơ quan tài phán quốc tế vì sự độc lập và trách nhiệm (Conference on the Governance of the International Courts and Tribunals: Ensuring Judicial Independence and Accountability).
Lắng nghe các tham luận trong ngày thứ hai, một số ý kiến rất thú vị về một khía cạnh khác của các cơ quan tài phán quốc tế mà các nghiên cứu luật pháp quốc tế thường không quan tâm. Đấy là các vấn đề về: (1) việc kiểm soát chất lượng của ứng cử viên, (2) tăng cường hiệu quả hoạt động của cơ quan tài phán quốc tế, (3) chi phí hoạt động. Bài viết đề cập vấn đề đầu tiên, được thảo luận tại Phiên thảo luận số 5 về “Judicial nominations and elections”.
- Ghi chép nội dung chính từ Phiên thảo luận
Phiên thảo luận đưa ra ba mô hình lựa chọn thẩm phán của: Tòa án Công lý châu Âu (ECJ), Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECtHR) và Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS).
Tại Tòa ECtHR,[1] thủ tục lựa chọn thẩm phán được thực hiện theo hai nước: thủ tục trong nước đề cử và thủ tục bầu tại Nghị viện Hội đồng châu Âu. Thủ tục trong nước đề cử yêu cầu phải có: thông báo công khai tìm kiếm ứng cử viên. Sau đó, một ủy ban chuyên gia tư vấn do Ủy ban Bộ trưởng của Hội đồng châu Âu thành lập sẽ có đánh giá kín (confidential advice) về danh sách ứng cử viên. Tại vòng quốc gia đề cửa, các ứng cử viên phải được phỏng vấn.
Sau đó, quốc gia đề cử sẽ gửi danh sách gồm ba ứng cửa viên để Nghị viện châu Âu bỏ phiếu chọn một. Trước khi Nghị viện châu Âu bỏ phiếu, một ủy ban đặc biệt gồm 22 thành viên có chuyên môn pháp luật sẽ đánh giá: (i) tính công bằng, minh bạch của vòng quốc gia đề cử, và (ii) xem xét CV và phỏng vấn ba ứng cử viên. Ủy ban này sẽ có khuyến nghị cho Nghị viên Hội đồng châu Âu bổ phiếu.
Tại Tòa ECJ, thủ tục ngắn gọn hơn, không có vòng quốc gia đề cử. Một ủy ban được thành lập theo Điều 255 của Hiệp ước về Chức năng của Liên minh châu Âu (gọi tắt là ‘Article 255 panel’) gồm 07 thành viên, chọn lựa từ các cựu thẩm phán Tòa ECJ, thẩm phán tòa án tối cao của các quốc gia thành viên EU, các luật sư nổi tiếng. Ủy ban sẽ xem xét CV, hồ sơ của ứng cử viên, và tiến hành một vòng phỏng vấn ứng cử viên. Dựa trên khuyến nghị của Ủy ban này, Nghị viện Liên minh châu Âu sẽ bỏ phiếu bầu.
Ủy ban đã phát triển bộ ba tiêu chí khi xem xét hồ sơ và phỏng vấn ứng cử viên: (1) sự độc lập tư pháp của ứng viên, (2) chuyên môn pháp lý, đặc biệt là kỹ năng phân tích pháp lý, và (3) kinh nghiệm hành nghề luật, cụ thể có quy định yêu cầu 12 đến 20 năm kinh nghiệm tư pháp tùy vị trí.[2]
Tại Tòa ITLOS, thủ tục gần như rất ngắn gọn và đơn giản hơn rất nhiều so với hai tòa án khu vực ở trên. Không có bất kỳ thủ tục nào để kiểm tra chất lượng của các ứng cử viên. Các ứng cử viên sẽ được các nhóm khu vực (regional group) đề cử, và thông thường, các quốc gia trong nhóm sẽ đàm phán để lựa chọn, phân chia ghế thẩm phán tại Tòa ITLOS trong tương quan với các ghế ở các tòa khác (ví dụ như Tòa án Công lý Quốc tế – ICJ) hay cơ quan quốc tế khác (ví dụ như Ủy ban Luật pháp Quốc tế – ILC). Các quốc gia phải tiến hành vận động tranh cử (campaigning) cho ứng cử viên của mình. Thông thường, các nhóm sẽ chỉ đề cử số ứng cử viên đúng bằng số thẩm phán cần bầu, điều này loại trừ tính cạnh tranh.
Rõ ràng, ở Tòa ECJ và ECtHR có thủ tục kiểm soát chất lượng ứng cử viên chặt chẽ, bảo đảm chọn đúng người có chuyên môn và trình độ để giữ vai trò thẩm phán. Đối với Tòa ITLOS, sự khác biệt quá lớn và mang đậm tính chất “mặc cả ngoại giao để phân chia ghế” giữa các quốc gia. Điều này khiến cho một thính giả tại Hội thảo đặt câu hỏi: Vậy một thẩm phán Tòa ITLOS được chọn bởi vì họ vận động tranh cử tốt nhất, chứ chưa chắc là người có chuyên môn cao nhất? Câu hỏi này, theo dẫn đề của chủ tọa buổi thảo luận, phản ánh một thực tiễn gần đây là một số thẩm phán của các tòa án quốc tế có chuyên môn “đáng quan ngại” lại được lựa chọn.
Trả lời cho câu hỏi này, Thẩm phán Lijnzaad của Tòa ITLOS đại ý cho rằng:
Chính việc các quốc gia phải đàm phán để đề cử ứng viên cho nhóm khu vực của mình cũng chính là một thủ tục kiểm soát chất lượng ứng cử viên. Các quốc gia được cho rằng sẽ cùng thảo luận để lựa chọn ứng viên chất lượng nhất vì lợi ích chung của họ.
Thẩm phán Lijnzaad thừa nhận rằng hi vọng các quốc gia vì lợi ích chung mà lựa chọn đúng người có vẻ hơi lý tưởng hóa.
- Một số nhận định rút ra từ Phiên thảo luận
Từ ba mô hình kiểm soát chất lượng ứng cử viên, có thể thấy Tòa ECtHR có thủ tục lựa chọn thẩm phán chặt chẽ nhất, kế đến là Tòa ECJ, còn Tòa ITLOS gần như không có thủ tục kiểm soát chất lượng ứng cử viên. Mô hình bầu thẩm phán Tòa ITLOS không phải là đặc thù mà đây cũng gần giống với mô hình tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ).
Không có bất kỳ thủ tục nào để kiểm soát liệu ứng viên thẩm phán Tòa ITLOS có là người “có uy tín cao nhất về sự công bằng và liêm chính và có trình độ chuyên môn được công nhận về lĩnh vực luật biển”.[3] Tương tự, cũng không có thủ tục nào kiểm soát tiêu chuẩn ứng viên thẩm phán Tòa ICJ có thỏa mãn điều kiện: “có đạo đức cao và là người có trình độ mà theo quốc gia mà họ mang quốc tịch đủ để được bổ nhiệm vào vị trí tư pháp cao nhất, hoặc là chuyên gia pháp lý được công nhận về luật quốc tế”.[4]
Sự thiếu vắng một thủ tục kiểm soát chất lượng ứng viên trước khi các quốc gia bỏ phiếu bầu có dẫn đến việc lựa chọn sai người cần có nghiên cứu thêm để đánh giá. Đánh giá bước đầu có thể dựa vào CV của các thẩm phán đương nhiệm hoặc đã về hưu của hai Tòa ICJ và Tòa ITLOS.
Cùng chủ đề, xem thêm bài về một số lưu ý về lựa chọn trọng tài viên từ kinh nghiệm của Philippines trong Vụ kiện Biển Đông, và bài về trường hợp trọng tài viên vi phạm lời tuyên thệ về tính trung lập và độc lập trong Vụ Crotia v. Slovenia.
Trần H. D. Minh
————————————————————————–
[1] Andrew Drzemczewski, ‘Panel V Judicial nominations & elections: the European Court of Human Rights’, trình bài tại Hội thảo.
[2] Tomas Dumbrovsky, Bilyana Petkova & Marjin van der Sluis, ‘Judicial appointments: the Article 255 TFEU Advisory Panel and Selection Procedures in the Member States’ (2014) 51 Common Market Law Review 455, 462 – 463.
[3] UNCLOS, Phụ lục VI, Điều 2. [4] Quy chế Tòa ICJ, Điều 2.
Trả lời