Trong vụ kiện này, Philippines chọn Thẩm phán Wolfrum (người Đức, thẩm phán Tòa ITLOS) làm trọng tài viên. Vậy yếu tố nào dẫn đến việc Philippines lựa chọn ông này mà không phải người khác? Qua tìm hiểu, có hai yếu tố mà các luật sư cho Philippines tính đến khi kiến nghị chọn trọng tài viên.
Nguồn: PCA
Thứ nhất, quan điểm của ứng viên trọng tài. Lựa chọn một trọng tài viên có quan điểm gần với quan điểm của quốc gia mình là điều hợp lý. Điều này cần thiết buộc các luật sư phải tìm hiểu qua các bài viết, sách báo, phát biểu, ý kiến/quan điểm trong các vụ kiện trong quá khứ của ứng viên. Việc này có thể thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua tham khảo nhận định của các học giả cùng chuyên ngành. Sẽ dễ hơn nhiều nếu ứng viên “nói và viết” nhiều; và ngược lại, sẽ khó hơn nếu ứng viên ít nói hay viết hay những ứng viên “nói trước, rào sau”. Cũng cần tìm hiểu xu hướng giải thích luật của các ứng viên, liệu họ bảo thủ, tự do hay moderate? (Câu hỏi ngoài lề: vậy nếu bạn định hướng nghề nghiệp là trọng tài viên hay thẩm phán, bạn nên viết, nói nhiều hay ở mức độ nào? Giữ kín quan điểm hay nêu rõ quan điểm về các vấn đề pháp lý hiện nay?) Tuy nhiên, việc chọn ứng viên có quan điểm gần với quan điểm của mình không có nghĩa là ứng viên đó sẽ là trọng tài viên của nước mình. Về nguyên tắc, tất cả trọng tài viên phải nghiêm túc và nghiêm khắc giữ tính trung lập và độc lập của mình. Việc Philippines chọn Thẩm phán Wolfrum không có nghĩa là ông này là trọng tài viên của Philippines. Quan hệ “mờ ám” giữa trọng tài viên và quốc gia lựa chọn mình sẽ dẫn đến hệ quả tồi tệ cho cả hai (xem ví dụ trong vụ Croatia và Slovenia gần đây).[1]
Thứ hai, tầm ảnh hưởng của ứng viên. Ứng viên nên là người có tầm ảnh hưởng, có tiếng nói, vị thế cao trong lĩnh vực, trong cộng đồng học thuật, và quan trọng hơn phải là người có ảnh hưởng ngay bên trong Tòa trọng tài và đối với các trọng tài viên khác. Ứng viên có tầm ảnh hưởng có thể được xem là học giả hàng đầu, “người dẫn đường” trong những vấn đề pháp lý phức tạp hay không rõ ràng. Theo một luật sư, các quốc gia không nên chọn trọng tài viên là người mang quốc tịch nước mình vì như thế sẽ tạo cảm giác thiên vị và tác động tiêu cực đến tầm ảnh hưởng của người này bên trong Tòa trọng tài. Chắc không nước nào muốn lựa chọn một trọng tài viên “yếu thế” vào Tòa trọng tài sẽ xét xử tranh chấp của nước mình.
——————————————————————–
[1] Xem tham khảo thông tin tại Partial Award, ngày 30/6/2016, xem tại https://pcacases.com/web/view/3
Em chào thầy ạ,
Với câu hỏi ngoài lề trên, em nghĩ rằng mình nên viết nhiều, nói nhiều, đủ để gây sức ảnh hưởng đối với người khác, nhưng chỉ nên nói/viết về vấn đề mình biết rõ, có tìm hiểu cụ thể và đủ sâu. Mình nên làm sao để người khác biết tới bản thân mình nổi bật về lĩnh vực tranh chấp nhượng quyền chẳng hạn; còn những lĩnh vực khác thì không nên nói nhiều để tránh nhầm lẫn, sai sót không đáng có, dễ gây ra tiếng xấu.
Câu hỏi này làm em nhớ tới khi GS. Đỗ Văn Đại trở thành Viện sĩ Viện Hàn lâm quốc tế. GS. Đại vô cùng nổi tiếng và giỏi giang; nhưng ít ai biết ngoài GS. Đỗ Văn Đại còn có GS. Bùi Ngọc Sơn. GS. Bùi Ngọc Sơn thì hoạt động không sôi nổi ở Việt Nam nhiều như GS. Đỗ Văn Đại nên báo chí cũng ít đưa hơn.
Tuy nhiên, em vẫn thắc mắc và muốn lắng nghe ý kiến của thầy rằng, liệu sự ít nói, ít đưa ra quan điểm của các thẩm phán/trọng tài viên có lợi ích gì hay không khi chúng ta chủ yếu nhìn nhận đây là khuyết điểm ạ?
Em cảm ơn thầy.
Quỳnh Vũ