[162] Các Công ước ILO về Giờ làm việc và ngày nghỉ phép của người lao động

Hiện nay, dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) đang được xem xét thông qua, trong đó có vấn đề điều chỉnh giờ làm việc và ngày nghỉ của người lao động. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất giảm giờ làm việc hàng tuần từ 48h như luật hiện hành xuống còn 44h, và tăng thêm 03 ngày nghỉ trong năm cho người lao động.

Trong phỏng vấn ngày 23.9.2019, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động thuộc Tổng liên đoàn đã viện dẫn đến hai Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (International Labour Organization – ILO) làm cơ sở cho đề xuất trên. Ông cho rằng:

“Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) đã có Công ước 47 về làm việc 40 giờ một tuần, xác định các quốc gia cần tiếp tục giảm giờ làm cho mọi loại hình công việc mà tiêu chuẩn sống không bị giảm bớt. Hiện hầu hết quốc gia đã áp dụng chế độ 40 giờ, thậm chí dưới 40 giờ […] Số ngày nghỉ lễ, Tết ở Việt Nam 10 ngày là thấp nhất trong khu vực; số ngày nghỉ phép khởi điểm 12 ngày, trong khi Công ước 132 về nghỉ phép của ILO quy định, người lao động nên được nghỉ phép có hưởng lương không dưới 3 tuần mỗi năm.”

Bài viết xin cung cấp thêm thông tin về hai Công ước này để làm rõ hơn quy định về (1) số giờ làm việc, và (2) số ngày nghỉ phép hưởng nguyên lương (khác với ngày nghỉ lễ).

1. Công ước ILO về Giảm giờ làm việc xuống 40 giờ một tuần năm 1935

Công ước ILO về Tuần làm việc 40 giờ (Convention concerning the Reduction of Hours of Work to Forty a Week, gọi tắt là Công ước 47) được thông qua vào năm 1935, có hiệu lực từ năm 1957. Công ước 47 là nấc thang tiếp theo trong tiến trình mang lại phúc lợi lớn hơn cho người lao động về giờ làm việc. Trước đó, Công ước 01 năm 1919 là nấc thang thứ nhất, giảm giờ làm việc xuống 8 giờ một ngày và 48 giờ một tuần (Convention Limting the Hours of Work in Industrial Undertakings to Eight in the Day and Forty-eight in the Week, có hiệu lực vào năm 1921).

Công ước 47 được phê chuẩn rất hạn chế, với 15 quốc gia thành viên. Việt Nam không là thành viên của Công ước 47. Công ước 01 có số lượng thành viên nhiều hơn, 51 thành viên, và Việt Nam cũng không là thành viên. Trong ASEAN, không quốc gia nào là thành viên của Công ước 47 và chỉ có Myanmar là thành viên của Công ước 01. Lưu ý rằng việc trở thành thành viên của ILO không đồng nghĩa với việc trở thành thành viên của tất cả các Công ước của ILO. Điều 19(5) Hiến chương ILO quy định nếu các quốc gia thành viên không phê chuẩn một công ước của ILO thì sẽ không phát sinh bất kỳ nghĩa vụ nào.

Trong lời nói đầu của Công ước 47, hai lý do được nêu ra để giảm giờ làm việc xuống 40 giờ một tuần là: (1) tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng, và (2) người lao động nên được hưởng lợi ích của việc khoa học kỹ thuật phát triển trong nền công nghiệp hiện đại.

ILO 47

Điều 1 của Công ước 47 nêu nghĩa vụ chính của các quốc gia thành viên. Thứ nhất, các quốc gia chấp nhận việc “áp dụng nguyên tắc tuần làm việc 40 giờ mà tiêu chuẩn sống không bị giảm theo”. Như vậy, đây là một nghĩa vụ yêu cầu kết quả (an obligation of result), theo đó, việc giảm giờ làm không thể dẫn đến việc giảm chất lượng sống của người lao động. Ví dụ như thực hiện nguyên tắc tuần làm việc một cách cơ học: giảm giờ làm và giảm tiền lương tương ứng. Thứ hai, các quốc gia cam kết “thực thi hoặc tạo thuận lợi cho các biện pháp được xem là phù hợp để đạt được mục đích này”. Thứ ba, các quốc gia cam kết áp dụng nguyên tắc tuần làm việc 40 giờ cho tất cả các công việc.

Năm 1962, ILO ra Khuyến nghị số 116 về Giảm giờ làm việc (Reduction of Hours of Work Recommendation), trong đó khuyến nghị các quốc gia khi phù hợp cần giảm dần giờ làm việc xuống 40 giờ một tuần mà không giảm lương của người lao động.

2. Công ước ILO về Ngày nghỉ hằng năm được hưởng nguyên lương năm 1970

Công ước về Ngày nghỉ được hưởng nguyên lương (Convention concerning Annual Holidays with Pay – gọi tắt là Công ước 132), thông qua năm 1970 và có hiệu lực vào năm 1973. Hiện nay, Công ước 132 được 37 quốc gia phê chuẩn. Không có bất kỳ quốc gia ASEAN nào, bao gồm Việt Nam, là thành viên của Công ước này.

Điều 3 của Công ước 132 quy định:

  • Người lao động sẽ có quyền nghỉ được hưởng nguyên lương với với ngày tối thiểu theo quy định;
  • Số ngày nghỉ được hưởng nguyên lương sẽ không được ít hơn ba tuần làm việc cho một năm lao động.

ILO 132 art 3

Việc quy định số ngày nghĩ tối thiểu là 03 tuần làm việc cho một năm lao động là bước tiến lớn so với Công ước 52 năm 1936. Công ước 52 quy định tại Điều 2 rằng mỗi người sẽ có quyền nghỉ có lương ít nhất 06 ngày làm việc; riêng với người dưới 16 tuổi sẽ có ít nhất 12 ngày nghỉ. Việt Nam không là thành viên của Công ước 52, trong ASEAN, chỉ có Myanmar là thành viên.

ILO 132 art 6_2

Điều 6(1) của Công ước 132 còn quy định rằng số ngày nghỉ tại Điều 3 nói trên không bao gồm những ngày nghỉ lễ công cộng và nghỉ lễ truyền thống. Có thể xem ngày nghỉ theo Điều 3 là nghỉ phép, khác với nghỉ dịp lễ chung. Như vậy, ngoài những ngày quốc lễ (ví dụ như ngày quốc khánh, lễ tết truyền thống theo quy định của từng quốc gia), mỗi người lao động sẽ được nghỉ thêm ít nhất 03 tuần làm việc.

Trần H. D. Minh

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: