Bối cảnh việc xin ý kiến tư vấn của Tòa CJEU – Nội dung chính của Ý kiến tư vấn năm 2017 – Việc tách thành hai hiệp định
Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do từ năm 2012.[1] Đến năm 2015, hai bên hoàn thành việc đàm phán và dự kiến bắt đầu các thủ tục nội bộ của nhau để có thể phê chuẩn thỏa thuận vào năm 2017. Tuy nhiên, do vướng quy định về thủ tục mà Việt Nam và EU đã phải tách thỏa thuận ban đầu thành hai hiệp định độc lập và sẽ được phê chuẩn nội bộ riêng: Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). Xem toàn văn nội dung tiếng Anh của hai Hiệp định tại đây.
Dẫn nguồn Thông tấn xã Việt Nam, Báo điện tử Chính phủ ngày 25.6.2019 cho rằng:
“tại EU đã xuất hiện một vấn đề có tính chất pháp lý về thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do (FTA) và đã phải đưa ra xin ý kiến của Tòa án công lý châu Âu. Tòa này sau khi xem xét đã đưa ra phán quyến của mình về định dạng mới cho các FTA giữa EU với các đối tác. Tiếp đó, phải đến tháng 9/2017, EU mới chính thức đưa ra được một định dạng mới cho hiệp định sẽ ký kết với Việt Nam. EU đã đề xuất tách thành hai hiệp định độc lập là EVFTA và EVIPA.”
Như vậy, vấn đề ở đây là thẩm quyền phê chuẩn các FTA theo ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý châu Âu (CJEU). Ý kiến tư vấn của CJEU được nhắc đến ở đây là Ý kiến tư vấn về thẩm quyền phê chuẩn Hiệp định FTA giữa EU và Singapore. Bài viết sẽ giới thiệu rất sơ bộ về bối cảnh và nội dung của ý kiến tư vấn này (vấn đề này còn cần các chuyên gia trong lĩnh vực luật thương mại-đầu tư cho ý kiến thêm). Xem toàn văn ý kiến tư vấn, và tóm tắt.
Bối cảnh của việc xin ý kiến tư vấn
Hiệp định FTA giữa EU và Singapore được đàm phán từ năm 2010 và ký xác thực văn kiện hiệp định vào ngày 20.9.2013. Tuy nhiên, nội bộ EU có ý kiến khác nhau về vấn đề liệu EU có thẩm quyền ký kết hiệp định này hay không. Ủy ban châu Âu và Nghị viện châu Âu cho rằng EU có thẩm quyền ký kết, trong khi đó Hội đồng châu Âu và tất cả các quốc gia thành viên EU đều cho rằng EU không có thẩm quyền này bởi vì một số phần của Hiệp định thuộc về thẩm quyền chung (shared competence) giữa EU và Quốc gia thành viên, và thậm chí chỉ thuộc về thẩm quyền độc quyền của Quốc gia thành viên.[2] Tóm lại, có sự tranh cãi về ai (EU hay Quốc gia thành viên, hay phải cả hai) có quyền phê chuẩn Hiệp định.
Ủy ban châu Âu đã gửi yêu cầu xin ý kiến tư vấn đền Tòa CJEU, xem xét:
“Liệu Liên minh có thẩm quyền cần thiết để tự mình ký kết Hiệp định thương mại tự do với Singapore hay không? Cụ thể :
- những điều khoản nào của thỏa thuận này thuộc thẩm quyền độc quyền của Liên minh?
- những điều khoản nào của thỏa thuận này thuộc thẩm quyền chung của Liên minh? và
- có bất kỳ điều khoản nào của thỏa thuận thuộc thẩm quyền độc quyền của Quốc gia thành viên hay không?”[3]
Tóm lại, Ủy ban châu Âu đề nghị Tòa rà soát nội dung Hiệp định FTA với Singapore để xác định thẩm quyền ký kết là thuộc về riêng EU, thuộc về riêng Quốc gia thành viên EU hay là thẩm quyền chung (shared competence) của EU và Quốc gia thành viên. Câu trả lời sẽ quyết định Hiệp định cần cơ quan nào phê chuẩn. Ủy ban yêu cầu Tòa xem xét đến từng điều khoản để chỉ rõ thẩm quyền ký kết đối với từng điều khoản một. Có vẻ ngay khi xin ý kiến tư vấn của Tòa, Ủy ban châu Âu đã dự trù trước việc sẽ chia tách Hiệp định thành các thỏa thuận độc lập và để tiện việc phê chuẩn.
Nội dung chính của ý kiến tư vấn
Tòa CJEU kết luận[4] rằng về cơ bản, Hiệp định FTA giữa EU và Singapore thuộc thẩm quyền độc quyền của EU bởi vì thuộc về chính sách thương mại chung (common commercial policy) theo Điều 3(1)(e) và 207 của Hiệp định về Chức năng của Liên minh châu Âu (Treaty on the Functioning of the European Union – TFEU).
Tuy nhiên, một số quy định của Hiệp định lại thuộc về thẩm quyền chung giữa EU và Quốc gia thành viên, do đó, cần sự phê chuẩn của cả EU và tất cả và từng Quốc gia thành viên, cụ thể là:
- các quy định ở Mục A của Chương 9 về Đầu tư trong chừng mực liên quan đến đầu tư gián tiếp (non-direct investment), bởi vì chính sách thương mại chung theo TFEU chỉ trao thẩm quyền độc quyền cho EU đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài.[5]
- các quy định ở Mục B của Chương 9 về giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và quốc gia nhận đầu tư. Mục này cho phép nhà đầu tư Singapore được phép kiện bất kỳ quốc gia thành viên EU nào ra trọng tài mà không cần sự đồng ý của quốc gia đó, và một cơ chế như vậy không thể nào thuộc thẩm quyền độc quyền riêng của EU được mà là thẩm quyền chung giữa EU và quốc gia thành viên EU.[6]
- các quy định của Chương 1, 14, 15, 16 và 17 trong chừng mực chúng liên quan đến các quy định nêu trên của Chương 9.
Tách thành hai hiệp định độc lập
Với kết luận như vậy, Ủy ban châu Âu đứng trước hai lựa chọn. Một là vẫn giữ nguyên một văn kiện hiệp định rồi tiến hành thủ tục phê chuẩn tại EU và tại từng quốc gia thành viên EU. Lựa chọn này sẽ kéo theo hệ quả là toàn bộ các điều khoản sẽ bị chậm trễ do việc thực hiện xong thủ tục phê chuẩn tại 28 quốc gia thành viên EU sẽ tốn rất nhiều thời gian.
Hai là tách riêng thành hai hiệp định: một hiệp định chỉ gồm những điều khoản thuộc thẩm quyền độc quyền của EU và do đó chỉ cần Nghị viện châu Âu phê chuẩn, và một hiệp định gồm các điều khoản thuộc thẩm quyền chung giữa EU và các quốc gia thành viên. Như vậy, một phần hiệp định sẽ được phê chuẩn sớm và sẽ có hiệu lực sớm hơn. Khó khăn là việc tách thành hai hiệp định có thể không đơn thuần chỉ là cắt-dán các điều khoản của thỏa thuận gốc thành hai văn bản. Ủy ban châu Âu nghiêng về lựa chọn thứ hai.
Do đó, Hiệp định FTA giữa EU và Singapore, và cả Hiệp định FTA giữa EU và Việt Nam, đã được tách ra thành hai hiệp định độc lập, theo hai thủ tục phê chuẩn riêng biệt.
Với Việt Nam, Hiệp định EVFTA sẽ được trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn trong năm nay. Sau khi dược phê chuẩn, Hội đồng Liên minh châu Âu sẽ ký kết chính thức và Hiệp định sẽ có thể có hiệu lực.[7] Hiệp định EVIPA cũng sẽ được trình lên Nghị viện châu Âu, nhưng sẽ phải trình lên nghị viện của 28 quốc gia thành viên EU (nếu Brexit thành công thì sẽ là 27 quốc gia thành viên). Do đó, dự kiến EVIPA sẽ cần ít nhất hai năm để hoàn thành xong thủ tục phê chuẩn.[8]
Trần H. D. Minh
————————————————-
[1] Văn phòng UBQG về Hợp tác kinh tế quốc tế, ‘Đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU’, Website Bộ Công thương, https://moit.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/%C4%91am-phan-hiep-%C4%91inh-thuong-mai-tu-do-viet-nam-eu-2608-72.html, truy cập ngày 28/6/2019.
[2] Court of Justice of the European Union, Press release No 52/17, 16 May 2017, https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/PDF/?uri=CELEX:12012E/TXT&from=EN, truy cập ngày 28/6/2019.
[3] Ý kiến tư vấn 2/15, ngày 16.5.2017, đoạn 1. [4] Như trên, đoạn 305. [5] Như trên, đoạn 110. [6] Như trên, đoạn 285-293.
[7] European Commission, ‘EU-Vietnam Trade Agreement & Investment Agreement’, http://ec.europa.eu/trade/policy/in-focus/eu-vietnam-agreement/, truy cập ngày 28.6.2019.
[8] TTXVN, ‘EU và Việt Nam sẽ ký FTA vào ngày 30/6 tại Hà Nội’, ngày 25.06.2019, Báo điện tử Chính phủ, http://baochinhphu.vn/Kinh-te/EU-va-Viet-Nam-se-ky-FTA-vao-ngay-306-tai-Ha-Noi/369200.vgp, truy cập ngày 28.6.2019.
Trả lời