Ngày 26/10/2017 Chánh án Toà ICJ – Thẩm phán Ronny Abraham – đã có báo cáo đọc trước Đại hội đồng LHQ về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Toà trong năm vừa qua (tính từ 01/8/2016 – hết tháng 7/2017).[1] Chánh án đã điểm qua các công việc của Toà ICJ, bao gồm nội dung của các vụ việc đã đưa ra phán quyết, đang được xem xét và mới nhận được đơn kiện. Tổng kết Toà hiện đã có 19 vụ việc đang xem xét và 01 yêu cầu xin ý kiến tư vấn cần được trả lời. Theo đó, trong giai đoạn trên, Toà đưa ra 04 phán quyết,[2] 03 lệnh áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời,[3] và nhận mới 05 vụ kiện mới[4] và 01 yêu cầu xin ý kiến tư vấn.[5] Trong 05 vụ kiện mới có hai vụ do Malaysia khởi kiện nhằm yêu cầu Toà ICJ xem xét lại (revision)[6] và giải thích (interpretation)[7] phán quyết ngày 23/5/2008 của Toà trong vụ Chủ quyền đối với Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks và South Ledge (Malaysia/Singapore).
Trong báo cáo này, Chánh án Abraham cũng đề nghị Đại hội đồng tăng kinh phí hoạt động cho Toà (dù không đáng kể). Kinh phí hoạt động của Toà chiếm không đến 1% ngân sách thường xuyên của Liên hợp quốc.
Kết thúc báo cáo của mình, Chánh án đã có nhận định quan trọng về vai trò của Toà ICJ, ghi nhận sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế vào Toà, vai trò của Toà trong việc phát triển luật pháp quốc tế, nhất là trong các vấn đề mới nổi, và nhắc lại nhiệm vụ chính yếu của Toà trong việc đóng góp vào việc duy trì hoà bình và an ninh quốc tế thông qua việc áp dụng pháp luật. Chánh án ghi nhận:
“[…] sự tin tưởng mà cộng đồng quốc tế tiếp tục đặt vào Toà thông qua việc đệ trình nhiều tranh chấp đa dạng lên Toà, mỗi tranh chấp liên quan đến các vấn đề pháp lý quan trọng thuộc nhiều lĩnh vực của luật pháp quốc tế. Vượt qua vai trò rõ ràng mà Toà đã – và sẽ tiếp tục đảm nhận – trong việc tổng kết và phát triển luật pháp điều chỉnh các vấn đề có thể nói là truyền thống như phân định biển và biên giới, Toà ngày càng được yêu cầu phải quyết định các vấn đề đang là tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế, ví dụ như liên quan đến bảo tồn môi trường. Các vấn đề thực chất được đệ trình trước Toà để giải quyết thường đi kèm với các vụ việc tranh chấp, có nghĩa là Toà liên tục được yêu cầu phải xử lý với nhiều vụ việc trong cùng một thời điểm. Việc gia tăng số lượng các yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cho thấy các Quốc gia không ngần ngại sử dụng Toà trong giai đoạn khủng hoảng, khi quyền của họ có nguy cơ bị tổn hại không thể khắc phục Toà đã điều chỉnh tất cả các nguồn lực của mình để có thể đưa ra biện phán thích hợp và kịp thời cho các tình huống khẩn cấp. Và dù nhiệm vụ gì được các Quốc gia trao cho Toà, Toà không bao giờ quên nhiệm vụ chính yếu của mình là đóng góp cho việc duy trì hoà bình và an ninh quốc tế thông qua việc áp dụng pháp luật.”
————————————————————————
[1] http://www.icj-cij.org/files/press-releases/0/000-20171026-PRE-02-00-EN.pdf
[2] Ba phán quyết về thẩm quyền và điều kiện thụ lý trong vụ Nghĩa vụ đàm phán chấm dứt chạy đua hạt nhân và giải trừ hạt nhân (Marshall Islands v. Ấn Độ), (Marshall Islands v. Pakistan) và (Marshall Islands v. Anh). Một phán quyết về phản đối thẩm quyền trong vụ Phân định biển ở Ấn Độ Dương (Somalia v. Kenya).
[3] Ba lệnh áp dụng biển pháp khẩn cấp tạm thời trong vụ liên quan đến Quyền miễn trừ và tố tụng hình sự (Guinea Xích đạo v. Pháp), vụ Áp dụng Công ước chống tài trợ khủng bố và Công ước loại trừ các hình thức phân biệt chủng tộc (Ukraine v. Nga), và vụ Jadhav (Ấn Độ v. Pakistan).
[4] Năm vụ kiệm mới bao gồm vụ Áp dụng Công ước chống tài trợ khủng bố và Công ước loại trừ các hình thức phân biệt chủng tộc (Ukraine v. Nga), vụ Jadhav (Ấn Độ v. Pakistan), vụ Phân định biển ở Biển Caribbe và Thái Bình Dương (Costa Rica v. Nicaragua), vụ yêu cầu xem xét lại phán quyết ngày 23/5/2008 trong vụ Chủ quyền đối với Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks và South Ledge (Malaysia/Singapore), và vụ yêu cầu giải thích lại phán quyết ngày 23/5/2008 trong vụ Chủ quyền đối với Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks và South Ledge (Malaysia/Singapore).
[5] Một yêu cầu xin ý kiến tư vấn của Đại hội đồng liên quan đến hậu quả pháp lý của việc chia tách quần đảo Chagos khỏi Mauritius năm 1965.
[6] Việc xem xét lại phán quyết được quy định ở Điều 61 Quy chế Toà khi phát hiện bằng chứng mới có tầm quan trọng mà Toà và bên yêu cầu xem xét lại không biết khi phán quyết được đưa ra. Thời hạn yêu cầu xem xét lại là 10 năm.
[7] Việc giải thích phán quyết được quy định ở Điều 60 Quy chế Toà. Theo đó, “Phán quyết là chung thẩm và không thể kháng cáo. Trong trường hợp có tranh chấp về ý nghĩa hay phạm vi của phán quyết, Toà sẽ tiến hành giải thích phán quyết theo yêu cầu của bất kỳ bên nào.” Khác với việc xem xét lại phán quyết, việc yêu cầu giải thích phán quyết không có thời hạn.
Trả lời