[32] Nhận định về một số quy định của Luật Biển Việt Nam năm 2012

(Cập nhật 01/12/2017) Ngày 21 tháng 6 năm 2012 Quốc hội đã thông qua Luật Biển Việt Nam. Luật này có hiệu lực áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2013. Phần lớn các quy định trong Luật ghi nhận lại các quy định và nội luật hóa các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Dưới đây là nhận định về một số quy định của Luật này.

Luật Biển Việt Nam 2012

Nhận định

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo.

Mặc dù ghi rằng “Luật này quy định về… quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa…” nhưng ngoài Điều này không có bất kỳ điều khoản này nhắc đến hai quần đảo này. Có thể nên ghi rằng “Luật này áp dụng cho…” thì sẽ chính xác hơn.
Điều 2. Áp dụng pháp luật

2. Trường hợp quy định của Luật này khác với quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

 

Không nên có quy định này vì Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2006 (được thay bằng Luật điều ước quốc tế năm 2016) đã có quy định chung mang tính nguyên tắc về quan hệ giữa điều ước quốc tế và VBQPPL của Việt Nam.

Điều 2(2) còn quy định thiếu ngoại lệ“trừ Hiến pháp”.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

2. Vùng biển quốc tế là tất cả các vùng biển nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và các quốc gia khác, nhưng không bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển.

Định nghĩa “vùng biển quốc tế” bỏ qua vùng đáy biển quốc tế (vùng Vùng).

Điều 8. Xác định đường cơ sở

Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam là đường cơ sở thẳng đã được Chính phủ công bố. Chính phủ xác định và công bố đường cơ sở ở những khu vực chưa có đường cơ sở sau khi được Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

–          Quy định tương ứng trong UNCLOS: Điều 7.

–          Quy định này ngầm không cho phép Chính phủ được sửa đổi đường cơ sở hiện tại, chỉ cho phép Chính phủ vạch thêm đường cơ sở ở khu vực chưa có (cụ thể là Vịnh Bắc Bộ). Không có quy định để sửa đổi đường cơ sở hiện tại.

Điều 12. Chế độ pháp lý của lãnh hải

2. Tàu thuyền của tất cả các quốc gia được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam. Đối với tàu quân sự nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, thông báo trước cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

 

–          Quy định tương ứng trong UNCLOS: Điều 17.

–          Điều 12(2) bên cạnh đặt ra một điều kiện cho việc hưởng quyền qua lại vô hại của tàu quân sự nước ngoài. Điều kiện này về thông báo trước không được quy định trong UNCLOS, đồng thời cũng không có quy định cấm. Vấn đề điều kiện thực hiện quyền này của tàu quân sự là một vấn đề còn gây tranh cãi.

–          Điều kiện về thông báo trước có vẻ không áp dụng với các tàu công vụ khác, như tàu chấp pháp dân sự nước ngoài.

Điều 13-14. Vùng tiếp giáp lãnh hải và chế độ pháp lý của vùng tiếp giáp lãnh hải

–          Quy định tương ứng trong UNCLOS: Điều 33.

–          Thiếu quy định về thẩm quyền đối với việc trục vớt hiện vật khảo cổ, lịch sử theo Điều 303(2).

Điều 16 và 18 về Chế độ pháp lý của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa

2. … Việc lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm phải có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.

–          Quy định tương ứng trong UNCLOS: Điều 56(3) và 79(3).

–          Quy định này hơi khác với quy định của UNCLOS 1982. Theo Công ước, chỉ có tuyến ống dẫn ngầm (the delienation of the course for the laying of such pipelines) mới cần được sự đồng ý của quốc gia ven biển (Điều 56(3), 79(3)). Do đó, sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam chỉ có thể áp dụng đối với “tuyến ống dẫn ngầm” mà không thể áp dụng với “việc lắp đặt”, và cũng không thể áp dụng với “dây cáp”, chỉ áp dụng với “ống dẫn ngầm”. (sửa lỗi diễn đạt, 01/12/2017, thanks to tntbinh1428)

Điều 17. Thềm lục địa

1. Thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến mép ngoài của rìa lục địa.

 

–          Quy định tương ứng trong UNCLOS: Điều 76(1).

–          Dẫn chiếu đến sự kéo dài tự nhiên của quần đảo là không hợp lý, do quần đảo không phải là một thực thể đơn nhất để tạo ra thềm lục địa, trừ trường hợp quốc gia quần đảo. Xem thêm vụ PLP và Trung Quốc.

Điều 23. Đi qua không gây hại trong lãnh hải

3… Việc đi qua của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải Việt Nam bị coi là gây phương hại đến hòa bình, quốc phòng, an ninh của Việt Nam, trật tự an toàn xã hội nếu tàu thuyền đó tiến hành bất kỳ một hành vi nào sau đây:

b) Đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác; thực hiện các hành vi trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc;

 

–          Quy định tương ứng trong UNCLOS: Điều 19.

–          Quy định này không có trong Điều 19 của UNCLOS, nhưng hoàn toàn phù hợp với quy định của luật quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc. Quy định này cho phép Việt Nam xác định việc đi qua của tàu thuyền là gây hại nếu có hành vi vi phạm vào bất kỳ nguyên tắc cơ bản nào của pháp luật quốc tế, kể cả trường hợp vi phạm đó không liên quan và cũng không ảnh hưởng đến Việt Nam, ví dụ như tàu chiến nước ngoài khi đang di chuyển trên lãnh hải Việt Nam tiến hành tấn công vũ trang vào nước khác hoặc chỉ đạo, hỗ trợ các phe nổi loạn trong nội chiến ở quốc gia khác.

Điều 26. Vùng cấm và khu vực hạn chế hoạt động trong lãnh hải

1. Để bảo vệ chủ quyền, quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia hoặc an toàn hàng hải, bảo vệ tài nguyên, sinh thái biển, chống ô nhiễm, khắc phục sự cố, thảm họa môi trường biển, phòng chống lây lan dịch bệnh, Chính phủ thiết lập vùng cấm tạm thời hoặc vùng hạn chế hoạt động trong lãnh hải Việt Nam.

2. Việc thiết lập vùng cấm tạm thời hoặc vùng hạn chế hoạt động trong lãnh hải Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều này phải được thông báo rộng rãi trong nước và quốc tế trong “Thông báo hàng hải”, theo tập quán hàng hải quốc tế, chậm nhất là 15 ngày trước khi áp dụng hoặc thông báo ngay sau khi áp dụng trong trường hợp khẩn cấp.

–          Quy định tương ứng trong UNCLOS: Điều 35(3).

–          Điều 35(3) UNCLOS cho phép quốc gia ven biển tạm thời đình chỉ việc hưởng quyền qua lại vô hại trong khu vực lãnh hãi nhất định. Quy định ở Điều 26 là phù hợp với UNCLOS nếu “vùng hạn chế hoạt động” cũng mang tính chất tạm thời như “vùng cấm tạm thời”. Điều 26 sẽ rõ ràng hơn nếu được viết thành “Chính phủ thiết lập tạm thời vùng cấm hoặc vùng hạn chế hoạt động” và “việc thiết lập tạm thời vùng cấm hoặc vùng hạn chế hoạt động”.

Điều 38. Cấm tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí, chất nổ, chất độc hại

Khi hoạt động trong vùng biển Việt Nam, tàu thuyền, tổ chức, cá nhân không được tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí hoặc chất nổ, chất độc hại cũng như các loại phương tiện thiết bị khác có khả năng gây hại đối với người, tài nguyên và ô nhiễm môi trường biển.

Quy định này đặt ra nghĩa vụ cho tàu thuyền của các quốc gia khác không được tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí, chất nổ và chất độc hại trên tất cả các vùng biển của Việt Nam, bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế. Từ “trái phép” này theo nghĩa thông thường là trái với quy định của pháp luật Việt Nam. Do đó, ví dụ như mọi tàu thuyền nước ngoài mang vũ khí (nếu nước đó cho phép cá nhân, tổ chức sở hữu vũ khí) thì sẽ vi phạm Điều này và sẽ có thể bị xử lý theo pháp luật hình sự của Việt Nam. Quy định này không phù hợp với quy chế pháp lý của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của UNCLOS (xem Điều 304 – 312 Bộ luật hình sự năm 2015).

Điều 6(2) Bộ luật hình sự 2015 cũng mở ra khả năng truy cứu trách nhiệm hình sự nếu xâm hại đến quyến, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam hoặc xâm hại lợi ích của nước Việt Nam hoặc theo quy định của ĐUQT.

Điều 40. Cấm phát sóng trái phép

Khi hoạt động trong vùng biển Việt Nam, tàu thuyền, tổ chức, cá nhân không được phát sóng trái phép hoặc tuyên truyền, gây phương hại cho quốc phòng, an ninh của Việt Nam.

–          Quy định tương ứng trong UNCLOS: Điều 19, 109.

–          Quy định này hẹp hơn so với quy định của UNCLOS. Điều 109 UNCLOS phát phát sóng trái phép trên biển cả. Không rõ Bộ luật hình sự có tội danh áp dụng cho hành vi phát sóng trái phép hay không.

Điều 41. Quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài

1. Lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển có quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam nếu tàu thuyền này đang ở trong nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam.

Quyền truy đuổi được tiến hành sau khi lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển đã phát tín hiệu yêu cầu tàu thuyền vi phạm hay có dấu hiệu vi phạm pháp luật dừng lại để tiến hành kiểm tra nhưng tàu thuyền đó không chấp hành. Việc truy đuổi có thể được tiếp tục ở ngoài ranh giới của lãnh hải hay vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam nếu được tiến hành liên tục, không ngắt quãng.

2. Quyền truy đuổi cũng được áp dụng đối với hành vi vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, vi phạm trong phạm vi vành đai an toàn và trên các đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

3. Việc truy đuổi của các lực lượng tuần tra, kiểm soát Việt Nam chấm dứt khi tàu thuyền bị truy đuổi đi vào lãnh hải của quốc gia khác.

–          Quy định tương ứng trong UNCLOS: Điều 111.

–          Điều 41 bên cạnh quy định gần như tương tự nội dung chính của Điều 111 UNCLOS, nhưng có bỏ đi một số nội dung chi tiết, ví dụ như khoản 1 không xác định rõ vi phạm các quy định nào của pháp luật Việt Nam trong trường hợp tàu bị truy đuổi có mặt trong vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam.

–          Điều 41(3) khác với Điều 111 khi không quy định rõ như Điều 111 trường hợp dừng truy đuổi khi tàu thuyền bị truy đuổi đi vào lãnh hải của quốc gia mà tàu mang cờ.

Điều 51. Biện pháp ngăn chặn

1. Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam; tàu thuyền được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm có thể bị tạm giữ nhằm ngăn chặn việc vi phạm pháp luật hoặc để bảo đảm việc xử lý theo pháp luật.

2. Việc bắt, tạm giữ, tạm giam người có hành vi vi phạm pháp luật, việc tạm giữ tàu thuyền được thực hiện theo quy định của pháp luật.

–          Điều 51 bên cạnh không ghi nhận lại quy định tại Điều 73 và 290 về bảo lãnh và thả tàu nhanh trong trường hợp tàu thuyền liên quan là tàu đánh bắt cá nước ngoài.

–          Bên cạnh đó biện pháp ngăn chặn theo Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 không chỉ bao gồm bắt, tạm giữ, tạm giam mà còn có bão lãnh và đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm.

Điều 53. Xử lý vi phạm

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Luật này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 227 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định có thể áp dụng hình phạt từ 06 tháng đến 03 năm nếu có hành vi cấu thành tôi vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong các vùng biển của Việt Nam. Trong khi đó Điều 73(3) UNCLOS quy định các không qua không nên áp dụng hình phạt tù cho hành vi vi phạm pháp luật về đánh bắt cá. Do đó, việc áp dụng Điều 227 cần cẩn trọng.

Trần H. D. Minh

English summary: This piece is to provide some comments on certain provisions of the Law of the Sea of Vietnam (adopted in 2012) by comparing them with those of the 1982 Law of the Sea Convention and their interaction with other laws of Vietnam such as criminal procedural law or criminal law.

2 bình luận về “[32] Nhận định về một số quy định của Luật Biển Việt Nam năm 2012

Add yours

  1. Thầy ơi, hình như bình luận của thầy về Điều 16 và 18 chưa chính xác ạ. Sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam áp dụng với “việc lắp đặt” cả dây cáp lẫn ống dẫn ngầm mà thầy 😀

  2. Cảm ơn Bình nhé. Đây là lỗi diễn đạt chưa chuẩn, và sửa lại để rõ ràng hơn với người đọc: “Quy định này hơi khác với quy định của UNCLOS 1982. Theo Công ước, chỉ có tuyến ống dẫn ngầm (the delineation of the course for the laying of such pipelines) mới cần được sự đồng ý của quốc gia ven biển (Điều 56(3), 79(3)). Do đó, sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam chỉ có thể áp dụng đối với “tuyến ống dẫn ngầm” mà không thể áp dụng với “việc lắp đặt”, và cũng không thể áp dụng với “dây cáp”, chỉ áp dụng với “ống dẫn ngầm”.” – Minh

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: