Theo thông tin báo chí, ngày 27.08.2019, tại Northamshire (Anh) xảy ra một vụ tai nạn giao thông dẫn đến Harry Dunn (19 tuổi) tử vong. Nghi phạm được xác định là Anne Sacoolas – được cho là vợ của một nhà ngoại giao Mỹ thuộc Đại sứ quán Mỹ tại Anh. Mặc dù cam kết với phía cảnh sát Anh rằng sẽ không rời khỏi nước này trong khi quá trình điều tra đang diễn ra, Anne Sacoolas đã rời Anh về Mỹ.
Bộ ngoại giao Anh đã đề nghị phía Mỹ từ bỏ quyền miễn trừ của nghi phạm và yêu cầu nghi phạm trở lại Anh để phục vụ điều tra. Phía Mỹ không có dấu hiệu cho thấy sẽ đáp ứng yêu cầu của phía Anh. Đại sứ quán Mỹ tại Anh cho rằng vụ việc đang được thảo luận ở tầm lãnh đạo cao cấp, và “quyền miễn trừ hiếm khi bị từ bỏ”.
Trong cuộc điện đàm ngày 09.10.2019, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đề nghị Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng:
“Thủ tướng hối thúc Tổng thống xem xét lại quan điểm của Mỹ để cá nhân liên quan có thể quay trở lại Anh, hợp tác với cảnh sát và cho phép gia đình của Harry có được công lý.”
Cùng ngày, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết thêm rằng trong điện đàm, Thủ tướng Anh đã “nói rõ rằng điều đã xảy ra là không thể chấp nhận được,” và Bộ Ngoại giao Anh “đang tiếp tục gây sức ép lên chính quyền Mỹ trong việc hợp tác bảo đảm cảnh sát có thể tiếp tục vụ việc này một cách không gián đoạn và cho phép gia đình của Harry có được công lý.”
Bài viết sẽ giới thiệu về quyền miễn trừ mà Anne Sacoolas (nếu được xác định đúng là vợ của nhà ngoại giao Mỹ) được hưởng theo quy định của Công ước Viên về Quan hệ ngoại giao năm 1961 và quy định liên quan đến việc từ bỏ quyền miễn trừ. Xem thêm post về Quyền ưu đãi và miễn trừ ngoại giao và lãnh sự.
- Quyền miễn trừ của người thân của viên chức ngoại giao
Điều 37(1) của Công ước Viên năm 1961 quy định rằng
“Thành viên gia đình của một viên chức ngoại giao cùng sống chung với người đó, nếu không là công dân của nước tiếp nhận, sẽ có các quyền miễn trừ và ưu đãi theo Điều 29 đến 36 của Công ước.”
Trong các quyền miễn trừ và ưu đãi đó, thành viên gia đình của viên chức ngoại giao được hưởng quyền miễn trừ tài phán hình sự, dân sự và hành chính theo Điều 31. Quyền miễn trừ này tương tự và giống với quyền mà viên chức ngoại giao mà họ là thành viên gia đình của viên chức ngoại giao đó được hưởng.
Để được hưởng các quyền trên, một người thân của viên chức ngoại giao phải là “thành viên gia đình … cùng sống chung với người đó” (the members of the family of a diplomatic agent forming part of his household). Công ước không có giải thích rõ tiêu chí xác định. Ủy ban Luật pháp Quốc tế Liên hợp quốc (ILC) khi dự thảo cũng không đưa ra tiêu chí xác định bởi vì thấy không cần thiết.[1] Tuy vậy, ILC cũng có một số gợi ý cho việc xác định thành viên gia đình của viên chức ngoại giao, như sau:
“Ít nhất, vợ hay chồng và con cái chưa đủ tuổi đều được chấp nhận một cách phổ biến là thành viên gia đình, nhưng trong một số trường hợp, các người thân khác cũng có thể được xem là “thành viên gia đình” nếu họ “sống cùng nhau”. Trong khi quy định rằng để một thành viên gia đình có thể hưởng quyền ưu đãi và miễn trừ nếu sống cùng nhau, Ủy ban có ý làm rõ rằng điều kiện cần thiết ở đây là phải có mối quan hệ gần gũi hoặc có hoàn cảnh đặt biệt. Những hoàn cảnh đặt biệt có thể là một người thân giữ nhà cho đại sứ, mặt dù cô ấy không có quan hệ thân thuộc với ông này; hoặc một người họ hàng xa đã sống với gia đình trong nhiều năm cũng có thể xem là một thành viên gia đình.” (102 [11]).
Trong vụ việc này, gần như không có nghi ngờ pháp lý về quy chế pháp lý của cô Anne Sacoolas là thành viên gia đình của một viên chức ngoại giao, và theo Điều 37(1) Công ước Viên năm 1961, cô này được hưởng quyền miễn trừ tài phán hình sự, dân sự và hành chính.
- Quy định về từ bỏ quyền miễn trừ
Khi một người được hưởng quyền miễn trừ tài phán có hành vi vi phạm pháp luật của nước sở tại, nước sở tại có thể yêu cầu nước cử từ bỏ (waive) quyền miễn trừ tài phán của người liên quan. Điều 32(1) Công ước Viên năm 1961 quy định rằng:
“Quyền miễn trừ tài phán của viên chức ngoại giao và những người được hưởng quyền miễn trừ theo Điều 37 có thể bị nước cử từ bỏ.”
Đây là quy định mà Anh đang sử dụng để đề nghị Mỹ từ bỏ quyền miễn trừ của Anne Sacoolas – người được hưởng quyền miễn trừ tài phán theo Điều 37 phân tích ở trên. Nếu Mỹ không từ bỏ quyền miễn trừ của Anne Sacoolas thì kể cả khi cô này trở về Anh, chính quyền Anh cũng không thể tiến hành thủ tục xử lý tài phán với cô này.
Theo Điều 32(2), việc từ bỏ quyền miễn trừ tài phán bao giờ cũng phải rõ ràng. Trong dự thảo của ILC, việc từ bỏ chỉ cần rõ ràng đối với vụ việc hình sự, trong khi có thề ngầm định đối với vụ việc dân sự và hành chính.[2] Điều 32(2) cho thấy các quốc gia mong muốn việc từ bỏ không thể là ngầm định trong bất kỳ trường hợp nào, theo đó, bảo vệ tốt hơn các nhà ngoại giao và gia đình của họ.
Trần H. D. Minh
—————————————————————————
[1] ILC, Draft articles on Diplomatic Intercourse and Immunities with commentaries 1958, tr. 102 [11]. [2] Như trên, tr. 99, dự thảo Điều 30(2).