[157] Vai trò của án lệ trong cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO

Học thuyết về án lệ –  Cơ sở pháp lý cho việc áp dụng án lệ tại WTO – Thực tiễn áp dụng án lệ tại WTO – Một số kết luận rút ra

Tổ chức thương mại thế giới (WTO) là tổ chức đa phương lớn nhất trên thế giới về lĩnh vực thương mại. Để duy trì và đảm bảo thực thi hệ thống pháp luật WTO, các thành viên của WTO đã xây dựng một cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, cơ chế này vận hành dưới sự giám sát của Cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB). Hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO được đánh giá là hoạt động hiệu quả và mang tính thực thi cao hơn bất kỳ cơ chế giải quyết tranh chấp đa phương nào. Tuy nhiên, án lệ của WTO có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý hay không, vấn đề này hiện nay vẫn gây nhiều tranh cãi.

  1. Học thuyết về án lệ

Học thuyết về án lệ dựa trên nguyên tắc stare decisis trong hệ thống pháp luật Anh Mỹ. Án lệ là những nguyên tắc pháp lý được rút ra trong vụ việc trước của toà án, sau này trở thành khuôn mẫu và là cơ sở đưa ra phán quyết cho các vụ việc có tình tiết tương tự sau đó.[1] Mỗi toà án buộc phải tuân thủ các quyết định của toà cấp cao hơn trong cùng hệ thống (tác động theo chiều dọc) hoặc của chính toà đã tạo ra tiền lệ (tác động theo chiều ngang). Những quyết định của hệ thống toà án khác không có giá trị ràng buộc, mà chỉ có tính chất tham khảo.

Trong khuôn khổ WTO, án lệ là phần giải thích các thuật ngữ pháp luật, các điều khoản, hay những nguyên tắc pháp lý được Ban hội thẩm và Cơ quan Phúc thẩm đưa ra trong các báo cáo của mình. Các thành viên của WTO bao gồm cả các quốc gia theo hệ thống pháp luật thành văn và hệ thống thông luật. Do đó, vấn đề đặt ra đó là nguyên tắc stare decisis có được áp dụng trong cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO hay không.

  1. Cơ sở pháp lý cho việc áp dụng án lệ trong Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO

Tất cả các thành viên trong khuôn khổ WTO đều có thể sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của tổ chức này, và ngược lại, Ban hội thẩm và Cơ quan Phúc thẩm có thẩm quyền bắt buộc miễn là các cơ quan này giải quyết tranh chấp giữa các thành viên theo đúng quy định và thủ tục của pháp luật WTO.[2] “Thoả thuận về các quy tắc và thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp” (gọi tắt là DSU[3]) của WTO đã đưa ra các quy trình nghiêm ngặt đối với một vụ việc được được ra xét xử tại DSB. Giai đoạn đầu tiên trong quy trình thủ tục giải quyết tranh chấp của WTO, đó là giai đoạn tham vấn. Nếu các bên tham vấn thất bại, một trong hai bên có thể yêu cầu DSB thành lập một Ban hội thẩm. Ban hội thẩm này sau khi được thành lập sẽ xem xét, kiểm tra các hiệp định có liên quan do các bên tranh chấp trích dẫn, vấn đề được dẫn chiếu tới DSB trong văn bản. Ban Hội thẩm sau khi tiến hành họp với các bên tranh chấp và tham khảo ý kiến chuyên gia sẽ đưa ra báo cáo cuối cùng và đệ trình lên DSB. Sau khi báo cáo được thông qua sẽ trở thành phán quyết của DSB và có giá trị pháp lý ràng buộc các bên tranh chấp. Trong trường hợp một trong hai bên không đồng tình với báo cáo của Ban hội thẩm có thể nộp đơn kháng cáo lên DSB trước khi DSB thông qua báo cáo cuối cùng của Ban hội thẩm. Cơ quan Phúc thẩm sẽ xem xét vấn đề pháp luật được đề cập tới trong báo cáo của Ban hội thẩm và việc giải thích pháp luật của Ban hội thẩm. Sau đó Cơ quan Phúc thẩm sẽ đưa ra báo cáo và đệ trình lên DSB. Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm sau khi được DSB thông qua và trở thành phán quyết của DSB, các bên tranh chấp phải thi hành.

Theo quy trình thủ tục giải quyết tranh chấp như trên, có thể thấy rằng Ban hội thẩm và Cơ quan Phúc thẩm không có thẩm quyền quyết định vụ việc, họ chỉ có nhiệm vụ đưa ra những nhận xét và ý kiến của mình trong báo cáo đệ trình lên DSB. DSB mới có thẩm quyền quyết định có thông qua báo cáo hay không. Nếu những báo cáo này được thông qua, phần giải thích các thuật ngữ, các điều khoản và các quyết định trong báo cáo sẽ trở thành phán quyết ràng buộc các bên trong vụ tranh chấp. Không có bên nào có quyền kháng cáo báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm và phán quyết của DSB.

Các Hiệp định của WTO được xây dựng thông qua các vòng đàm phán đa phương[4]. Tuy nhiên, trong các Hiệp định có nhiều thuật ngữ chung chung và không rõ ràng. Đôi khi một số thuật ngữ có thể được các thành viên hiểu theo nhiều nghĩa để tạo thuận lợi cho họ, vấn đề này gây khó khăn cho DSB trong quá trình giải quyết tranh chấp. Do đó, trong các vụ kiện, việc giải thích các thuật ngữ này như một mấu chốt quan trọng để giải quyết vụ việc. Hội nghị Bộ trưởng và Đại Hội đồng có thẩm quyền chuyên biệt để thông qua việc giải thích của Hiệp định này và của các Hiệp định Thương mại đa phương.[5] Các thành viên có quyền giám sát việc giải thích các điều khoản trong báo cáo cuối cùng của Ban hội thẩm và Cơ quan Phúc thẩm,[6] trong trường hợp các cơ quan có thẩm quyền đưa ra các cách giải thích khác nhau đối với cùng một điều khoản. Nếu các cơ quan có thẩm quyền đưa ra các cách giải thích khác nhau, các cơ quan này phải đưa ra nguyên nhân rõ ràng, minh bạch.

Trên thực tế, WTO là một tổ chức thương mại đa phương, do đó việc áp dụng thống nhất pháp luật WTO là một yêu cầu tiên quyết để tránh xung đột phát sinh giữa các thành viên trong quá trình giải quyết tranh chấp. Sự nhất quán này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì các mối quan hệ thương mại đa phương ổn định. Bởi vậy, Cơ quan phúc thẩm đã đề cập vấn đề này trong báo cáo của mình “khi ban hành hay sửa đổi pháp luật và các quy định trong nước có liên quan đến các vấn đề thương mại quốc tế, các thành viên WTO phải xem xét việc giải thích các hiệp định trong báo cáo của Ban hội thẩm và Cơ quan Phúc thẩm. Do đó, việc giải thích pháp luật trong các báo cáo đã được thông qua của Ban hội thẩm và Cơ quan Phúc thẩm trở thành một phần trong số những thành quả của hệ thống giải quyết tranh chấp WTO”[7].

Quy định trong Khoản 6 Điều 17 DSU đã ngụ ý công nhận Ban hội thẩm có thể có thẩm quyền giải thích pháp luật khi giới hạn nội dung kháng cáo cho các bên tranh chấp[8]. Nếu Ban hội thẩm và Cơ quan Phúc thẩm giải thích các điều khoản trong Hiệp định của WTO, những giải thích của các cơ quan này chỉ ràng buộc các bên tranh chấp. Khi Hội nghị Bộ trưởng và Đại hội đồng sẽ có thẩm quyền thông qua việc giải thích các hiệp định WTO thì cách giải thích đó sẽ ràng buộc và có hiệu lực đối với tất cả các thành viên của WTO. Tóm lại, phần giải thích các thuật ngữ, các điều khoản trong các hiệp định của WTO trở thành một phần quan trọng trong những án lệ của WTO. Nhưng những án lệ này chỉ ràng buộc các bên trong tranh chấp, chứ không có giá trị pháp lý bắt buộc, trong mọi trường hợp, đối với DSB trong những vụ việc sau này.

  1. Thực tiễn áp dụng án lệ trong Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO

Rõ ràng, mặc dù việc giải thích của Ban hội thẩm hoặc Cơ quan Phúc thẩm không ràng buộc tất cả các thành viên WTO, nhưng bất kỳ quyết định nào của các cơ quan này trong một vụ việc nhất định có thể ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của các thành viên WTO khác trong trường hợp việc giải thích các quy định của WTO trong các báo cáo được thông qua có thể được áp dụng trong vụ việc sau này. Một ví dụ thú vị cho lập luận này đó là cách tính biên độ bán phá giá sử dụng phương pháp “zeroing” theo Điều 2.4.2 của Hiệp định chống bán phá giá của WTO. Vấn đề này lần đầu tiên được đưa vào xem xét trong vụ Bed Linen giữa Ấn Độ và Cộng đồng châu Âu (EC)[9]. Đây có thể được xem như lần đầu tiên Cơ quan Phúc thẩm điều tra vấn đề này. Hầu hết các tranh chấp liên quan đến phương pháp tính biên độ bán phá giá này đều do các thành viên của WTO khởi kiện Hoa Kỳ và EC. Thậm chí EC cũng đã khởi kiện Hoa Kỳ liên quan tới phương pháp zeroing của Hoa Kỳ. Một điều đặc biệt trong những trường hợp này là DSB đều dựa trên lý luận và cách giải thích của Cơ quan Phúc thẩm trong báo cáo vụ Bed Linen.

Trong vụ Nhật Bản – Đồ uống có cồn II, Cơ quan Phúc thẩm quyết định rằng các báo cáo của Ban hội thẩm đã được thông qua có thể trở thành một phần quan trọng của Hiệp định GATT. Trong những vụ việc sau, các ban hội thẩm có thể tham khảo các báo cáo này, nếu các báo cáo này có liên quan đến tranh chấp”[10]. Vụ Nhật Bản – Đồ uống có cồn II, là một trong những trường hợp đầu tiên xem xét hiệu lực pháp lý của vụ án trước đó. Trong vụ kiện này, cần lưu ý rằng một chỉ một vụ việc sẽ không thể tạo thành một thông lệ” theo quy định của Công ước Viên về luật điều ước quốc tế[11].

Giai đoạn phúc thẩm trong cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO đã tạo nên một cấu trúc thứ bậc tư pháp, theo đó các quyết định của Cơ quan Phúc thẩm có thể vận hành theo chiều dọc hoặc theo chiều ngang. Khi giải quyết các tranh chấp sau này, Ban hội thẩm có thể phải tuân thủ các quyết định được đưa ra trong báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm (nguyên tắc vận hành theo chiều dọc của án lệ). Điều này luôn được đề cập trong các báo cáo của Ban hội thẩm. Trong vụ Hoa Kỳ – biện pháp chống bán phá giá cuối cùng đối với thép không gỉ từ Mê xi cô, Mê xi cô đã kháng cáo lên DSB về việc Ban hội thẩm không tuân thủ phán quyết trước của Cơ quan Phúc thẩm.[12] Tuy nhiên, trong vụ này, Ban hội thẩm đã giải thích rằng “mặc dù DSU không quy định báo cáo của Ban hội thẩm hay Cơ quan Phúc thẩm đã được thông qua có giá trị pháp lý ràng buộc, Cơ quan Phúc thẩm hy vọng Ban hội thẩm giải quyết các vấn đề pháp lý tương đồng”[13]. Trong quá trình giải quyết kháng cáo, Cơ quan Phúc thẩm đã gửi một thông điệp cho Ban hội thẩm với nội dung: “Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm không có giá trị pháp lý ràng buộc, ngoại trừ các bên tranh chấp. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các ban hội thẩm sau này không cần tuân thủ việc giải thích pháp luật và ratio decidendi trong báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm đã được DSB thông qua…. Chúng tôi rất băn khoăn về quyết định của Ban hội thẩm đi quá xa so với án lệ mà Cơ quan Phúc thẩm đã thiết lập để giải thích những vấn đề pháp lý tương đồng…”[14].

Một vụ việc thú vị khác đó là vụ Hoa Kỳ – Thép không gỉ. Trong vụ này, Hoa Kỳ và EC và bên thứ ba đã tranh luận về giá trị pháp lý ràng buộc của báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm. Một số thành viên của WTO trở thành bên thứ 3 trong vụ kiện đã đề xuất Cơ quan Phúc thẩm nên đóng vai trò quan trọng hơn và khẳng định giá trị pháp lý ràng buộc của báo cáo khi đã được thông qua, trong bản đệ trình của mình, họ đã nêu rõ quan điểm cho rằng Ban hội thẩm không chỉ nên tuân thủ, mà còn buộc phải tuân thủ theo phán quyết của Cơ quan Phúc thẩm[15]. EC muốn nâng cao vai trò của Cơ quan Phúc thẩm so với Ban hội thẩm. Tuy nhiên, Hoa kỳ không đồng ý với đề nghị của EC và dẫn chứng báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm trong vụ Nhật Bản – Đồ uống có cồn II; trong báo cáo này, Cơ quan Phúc thẩm đã xác nhận báo cáo của mình không có giá trị pháp lý ràng buộc các thành viên khác ngoại trừ các bên trong tranh chấp, trong đó có lưu ý rằng: Việc coi phán quyết của DSB mang tính ràng buộc, thậm chí trong một tình huống mà các chuyên gia có công khai không đồng ý, sẽ chỉ làm suy yếu tính hợp pháp của hệ thống giải quyết tranh chấp”[16].

Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp Ban hội thẩm đều phải tuân thủ báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm. Một ví dụ điển hình liên quan tới nguyên tắc vận hành theo chiều dọc của án lệ trong tranh chấp giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ. Vụ việc này cũng liên quan tới vấn đề “zeroing”. Trong vụ việc này, Ban hội thẩm đã đưa ra các cách tiếp cận khác đối với vai trò của án lệ trong cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO trong đoạn 7.99: “Mặc dù chúng tôi thừa nhận tầm quan trọng của việc kế thừa có hệ thống những báo cáo đã được thông qua của Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm, chúng tôi vẫn quyết định không tuân theo cách tiếp cận đó”. Đồng thời, Ban hội thẩm đã đưa ra rất nhiều lập luận pháp lý mà Cơ quan phúc thẩm đã sử dụng trong vụ Hoa Kỳ – Zeroing: “Rõ ràng báo cáo của Ban hội thẩm và Cơ quan Phúc thẩm không có giá trị pháp lý ràng buộc, ngoại trừ các bên tranh chấp, nhưng nên xem xét các báo cáo đó khi có liên quan đến bất kỳ tranh chấp nào”[17]. Ban hội thẩm đã không tuân theo kết luận của Cơ quan Phúc thẩm trong các vụ việc trước do họ cho rằng quyết định đó không phù hợp. Nguyên tắc vận hành theo chiều dọc của án lệ không đúng trong trường hợp này.

  1. Kết luận

Nhìn chung, nếu phần giải thích các thuật ngữ hay các điều khoản trong bất kỳ hiệp định WTO nào của Ban hội thẩm hay Cơ quan Phúc thẩm là hợp lý, thì trong các vụ việc sau, các giải thích này có thể được áp dụng. Điều này hoàn toàn phù hợp với Khoản 2 Điều 3 DSU. Tuy nhiên, các ratio decidendi trong báo cáo của Ban hội thẩm và Cơ quan Phúc thẩm không có giá trị pháp lý ràng buộc đối với những tranh chấp sau này, “ngay cả khi có sự tương đồng về các bên tranh chấp và vấn đề tranh chấp, hay chỉ tương đồng về vấn đề tranh chấp”[18]. Nguyên tắc stare decisis  không áp dụng đối với luật WTO. Theo đó, Ban hội thẩm không có nghĩa vụ phải tuân thủ báo cáo của DSB ngay cả khi vấn đề tranh chấp liên quan tới các thuật ngữ đã được giải thích chính xác trong báo cáo này. Ban hội thẩm đồng thời cũng không bị ràng buộc bởi kết luận và khuyến nghị mà mình đã đưa ra trong các báo cáo đã được DSB thông qua. Ngay cả Cơ quan Phúc thẩm cũng không nhất định phải áp dụng cách giải thích pháp luật của mình trong các vụ việc trước.[19]

Nói tóm lại, quyết định của Ban hội thẩm và Cơ quan Phúc thẩm trong WTO có vai trò rất quan trọng trong cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO. Hiện nay, câu hỏi án lệ có giá trị pháp lý ràng buộc các cơ quan giải quyết tranh chấp và các thành viên của WTO hay không vẫn còn theo tính chất vụ việc. Nhưng việc án lệ có giá trị pháp lý ràng buộc trong các vụ việc sau này hay không thì vai trò quan trọng nhất của DSB đó là duy trì sự hiệu quả và tính dễ dự đoán của hệ thống thương mại đa phương.

Nguyễn Thị Anh Thơ

—————————————————————–

[1]      Từ điển Black’s Law, tr 1059 (tái bản lần 5 năm 1979).

[2]      Pascal Lamy, Vị trí của WTO và Pháp luật WTO trong trật tự Pháp luật Quốc tế, Tạp chí Luật Quốc tế châu Âu. Tháng 11 năm 2006 số 17 (5), 969 – 984.

[3]    Rules and Procedures governing Dispute Settlement Understanding

[4]      J. Michael Finger và John S. Wilson, thực thi Hiệp định WTO về tạo thuận lợi cho thương mại: Điều gì hợp lý? Bài nghiên cứu chính sách của Ngân hàng thế giới 3971, tháng 8 năm 2006.

[5]      Khoản 9 Điều 2 Hiệp định WTO.   [6]      Khoản 9 Điều 3 DSU

[7]      Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm, Hoa Kỳ – Biện pháp Chống bán phá giá cuối cùng đối với Thép không gỉ từ Mê xi cô, WT/DS344/AB/R, được thông qua vào ngày 20 tháng 5 năm 2008, đoạn 160.

[8]      Khái quát chung về Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, http://www.wto.org/english/tratop_e/dispu_e/disp_settlement_cbt_e/c1s3p2_e.htm.

[9]      Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm, Cộng đồng châu Âu – Thuế chống bán phá giá đối với Nhập khẩu bông Loại Bed Linen từ Ấn Độ, WT / DS 141/AB/R, được thông qua vào ngày 12 tháng ba năm 2001.

[10]     Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm, Nhật Bản – Đồ uống có cồn II, WT/DS8/AB/R, WT/DS10/AB/R,WT/DS11/AB/R, khổ 107-108.   [11]     Như trên

[12]     Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm, Hoa Kỳ–Thép không gỉ (Mê xi cô).

[13]     Báo cáo của Ban hội thẩm, Hoa Kỳ – Zeroing, tài liệu WT/DS350/R7.172.

[14]     Khái quát chung về hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO, đoạn 158-162 http://www.wto.org/english/tratop_e/dispu_e/disp_settlement_cbt_e/c1s3p2_e.htm

[15]     Đệ trình của bên thứ ba EC, khổ 50-51.

[16]     Đệ trình kháng cáo của Hoa Kỳ, khổ 131.

[17]     Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm, Hoa Kỳ – Zeroing (EC)1. (DS294), 733.

[18]     Những tác động của Báo cáo Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm và Bản kiến nghị của DSB, Giorgio Sacerdoti, Án lệ trong Cơ chế giải quyết tranh chấp Kinh tế quốc tế: WTO và Mô hình Trọng tài đầu tư, 2011, Đề tài nghiên cứu Pháp luật Trường Đại học Bocconi http://www.wto.org/english/tratop_e/dispu_e/disp_settlement_cbt_e/c7s2p1_e.htm.   [19]     Như trên

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: