[158] Vụ kiện về Hòn đảo Palmas (Hà Lan v Hoa Kỳ) năm 1928 [Phần 1]

Năm 1906, tướng Leonard Wood của Hoa Kỳ khi đặt chân lên hòn đảo Palmas đã vô cùng ngạc nhiên trước hình ảnh cờ của Hà Lan bay phấp phới ở trên hòn đảo này. Về phía Hoa Kỳ, hòn đảo nhỏ Palmas nằm phía Bắc Indonesia ngày nay là lãnh thổ thuộc về quần đảo của Philippines mà Tây Ban Nha đã trao lại cho Hoa Kỳ trong một hiệp ước giữa chính phủ hai nước. Trong khi đó, Hà Lan lại cho rằng họ đã thực hiện quyền sở hữu, quản lý công khai hòn đảo này trong một thời gian đủ lâu để có thể tuyên bố chủ quyền đối với Palmas. Trong suốt 20 năm sau đó, chính phủ Hoa Kỳ và Hà Lan đã trao đổi vô số công hàm liên quan đến tranh chấp chủ quyền đối với hòn đảo Palmas. Mọi việc chẳng đi đến kết quả gì. Cuối cùng, họ đã đồng ý sử dụng biện pháp trọng tài để giải quyết tranh chấp giữa hai bên.

Năm1928, thẩm phán Max Huber đưa ra phán quyết quyết định chủ quyền đối với Palmas. Đây là bản án cực kỳ quan trọng trong hệ thống luật quốc tế khi nó lần đầu tiên xây dựng nền tảng giải thích khái niệm chủ quyền và vấn đề liên quan.

Phần 1 nói về khái quát hoàn cảnh vụ kiện, tính chất điển hình quan trọng của phán quyết và phần đầu tiên của phán quyết về khái niệm chủ quyền trong luật quốc tế.

23-classics-island-of-palmas-case-w800-h600

Lược dịch từ bài viết của Erik Bjore, in trong Cameron Miles & Eirik Bjorge, Landmark Cases in Public International Law, Hart Publishing (2017).

Lưu ý đây là bài bình luận phán quyết, do đó, có chứa đựng các đánh giá cá nhân của tác giả.


Vấn đề tranh chấp trong vụ kiện Đảo Palmas liên quan đến chủ quyền đối với một hòn đảo có tên là Palmas, hay còn gọi là đảo Miangas, nằm ở phía Bắc của Indonesia ngày nay. Palmas được biết đến là một đảo có nhiều cọ dừa với 700 người dân sinh sống, họ chủ yếu xuất khẩu hạt nhân dừa khô và chiếu. Đây là một hòn đảo có diện tích rất nhỏ với số dân ít ỏi, ít có giá trị về mặt kinh tế và vị trí chiến lược.

 Tuy nhiên, ngày 21 tháng 1 năm 1906, tướng Mỹ Leonard Wood, Thống đốc tỉnh Moro chính thức đến thăm đảo lần đầu tiên. Ông đã tỏ ra thất vọng khi thấy có cờ Hà Lan bay trên bờ biển cũng như trên chiếc thuyền xuất hiện để chào đón ông. Tướng Wood đã gửi báo cáo với Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ về điều này ngay sau khi ông rời Palmas đến Zamboanga ở Philippines: “Theo như tôi xác định chắc chắn”; “Cờ của Hà Lan đã ở đó trong mười lăm năm qua”. Thật vậy, “một người đàn ông nói rằng anh ta nghĩ rằng nó đã luôn luôn ở đó”.

 Mặc dù chỉ nổi lên vào năm 1906, nhưng tranh chấp về chủ quyền đối với hòn đảo này đã có một cơ sở lâu dài. Tây Ban Nha tuyên bố đã phát hiện ra Đảo Palmas vào thế kỷ XVI, có thể là vào năm 1526, hòn đảo vào thời điểm đó đã được tìm thấy bởi một nhà thám hiểm Tây Ban Nha. Nhưng người Tây Ban Nha chưa bao giờ sở hữu hay liên lạc với cư dân trên đảo; không có bất cứ dấu hiệu nào thể hiện sự chiếm hữu hay quản lý của Tây Ban Nha. Sau khi phát hiện ra đảo, bằng hiệu lực của Hiệp ước Paris ngày 10 tháng 12 năm 1898 giữa Hoa Kỳ và Tây Ban Nha được ký sau khi Chiến tranh Tây Ban Nha – Hoa Kỳ kết thúc với thắng lợi thuộc về Hoa Kỳ, Tây Ban Nha phải chuyển giao quyền cai trị Philippines cho Hoa Kỳ, trong đó có đảo Palmas. Hoa Kỳ đã đưa ra lập luận về việc Tây Ban Nha phát hiện ra hòn đảo vào thế kỷ XVI, căn cứ vào của Hiệp ước 1898. Các quyền chủ quyền của Tây Ban Nha trên đảo trong bản đệ trình của Hoa Kỳ, đã được xác nhận bởi Hiệp ước Munster năm 1648. Theo quan điểm của Hoa Kỳ, không có gì có thể làm vô hiệu hóa danh hiệu do Tây Ban Nha đạt được mà sau đó nhượng lại cho Hoa Kỳ trong Hiệp ước 1898. Trong bối cảnh đó, Hoa Kỳ lập luận rằng họ không cần phải chứng minh rằng họ đã thực thi chủ quyền đối với hòn đảo. Về phần chất vấn liên quan của sự áp dụng của pháp luật qua các thời gian khác nhau, cụ thể là (nguyên tắc chiếm hữu do phát hiện) có được sử dụng ở thế kỷ XVI hay nó chỉ áp dụng sau này, Hoa Kỳ đã lập luận rằng các sự việc xảy ra vào thời điểm nào thì cần phải áp dụng pháp luật của thời điểm đó. Có nghĩa là nên áp dụng luật ở thời điểm xảy ra sự kiện đó, chứ không nên sử dụng pháp luật của thời điểm khi tranh chấp nảy sinh hoặc được giải quyết. Hoa Kỳ trích dẫn một cuộc liên lạc của Ngoại trưởng Upshur tới ông Everett, Bộ trưởng Mỹ tại Anh, ngày 9 tháng 10 năm 1843:

      Liệu việc phát hiện ra một lãnh thổ chưa có người chiếm hữu, hoặc chỉ được sinh sống bởi những những người hoang dã (savages), có tạo ra quyền với lãnh thổ này hay không, là một câu hỏi mà cả pháp luật và tập quán của các quốc gia vẫn chưa khẳng định chắc chắn. Đến bây giờ, nhận thức của nhân loại đã trải qua những thay đổi rất lớn từ sự tiến bộ của học thức và sự phát triển của các nền văn minh. Tuy nhiên, nếu các quyền có được từ sự đồng thuận chung của các quốc gia văn minh, ngay cả khi nó xuất phát từ những quan điểm sai lầm của thời chưa được khai sáng, nó sẽ được bảo vệ để chống lại những thay đổi đơn thuần xuất phát các xu hướng tự do hơn hay công bằng hơn so với thời đại trước. Quyền của các quốc gia mà các quốc gia này được thành lập XVI sẽ được xác lập theo luật của các quốc gia (law of nations) vào thời điểm đó, chứ không phải bởi ý kiến ​​cải tiến và quan điểm của ba thế kỷ sau.

 Ngoài ra, Hoa Kỳ còn nhắc đến những gì Hall đã đưa ra được trong Luận án về Luật quốc tế của ông: “việc phát hiện ra vùng đất chưa từng được biết đến trước đây đã trao một quyền tuyệt đối cho quốc gia thực hiện cuộc khám phá đó. Điều này được xác nhận từ những ngày đầu tiên của các cuộc thám hiểm của châu Âu, hoặc ít nhất là từ khi các quốc gia xác nhận sự tôn trọng của mình đối với các lãnh thổ được phát hiện bởi các cuộc thám hiểm đó.

Trong bối cảnh này, lập luận ở đây là, danh nghĩa của Tây Ban Nha không nên được đánh giá theo quan điểm của ngày nay bởi vì việc xác định chính xác căn cứ cho việc thiết lập danh nghĩa (title) là cần thiết hơn so với những danh nghĩa được thừa nhận trong quá khứ, mà những danh nghĩa được thừa nhận này cho rằng việc khám phá đó chỉ cung cấp một quyền khởi đầu, để được hoàn thiện bằng sự chiếm giữ và quản lý lâu dài. Hơn nữa, Hoa Kỳ lập luận rằng kể từ khi đảo Palmas nằm trong sự thống nhất về địa lý với quần đảo Philippines thì không cần thiết phải áp đặt chủ quyền của toàn bộ lãnh thổ đó để chứng minh rằng họ đã thực thi chủ quyền hiệu quả đối với một đơn vị lãnh thổ quá nhỏ. Không dựa vào các điều khoản trong nguyên tắc liền kề sát nhau (về mặt địa lý) để thiết lập danh nghĩa của mình, Hoa Kỳ lại có vẻ cố giảm gánh nặng chứng minh chủ quyền trên đảo bằng cách tham chiếu một khái niệm khá mơ hồ này.

Về phần của Hà Lan, họ tuyên bố rằng đã thực hiện chủ quyền trên hòn đảo cho tới thời điểm những cuộc tranh luận bắt đầu xảy ra giữa các bên tham gia. Chính phủ Hà Làn phản đối lập luận thụ đắc lãnh thổ của Hoa Kỳ, và lập luận rằng việc Tây Ban Nha là quốc gia đầu tiên khám phá ra hòn đảo này là điều chưa bao giờ được chứng minh. Nếu Tây Ban Nha quả thực có được danh nghĩa này thì họ cũng đã mất đi . Trong khoảng thời gian (thụ đắc lãnh thổ) đang được tranh cãi trong vụ án này, Hà Lan được đại diện bởi công ty Đông Ấn Hà Lan, cho rằng: nhờ sự đồng ý ký kết với những thủ lĩnh ở các đảo Sangi, những thủ lĩnh trên có quyền sở hữu chính thức đối với các vùng đất đai bao gồm cả vùng đảo Miangas, Hà Lan đã có quyền chủ quyền đối với hòn đảo ít nhất kể từ năm 1677 và có lẽ là từ 1648. Theo quan điểm của Hà Lan, họ tuyên bố danh nghĩa (chủ quyền đối với hòn đảo) dựa trên việc thực hiện quản lý của nhà nước một cách hoà bình và liên tục trên khắp hòn đảo, bắt buộc phải giành quyền chủ quyền mặc cho sự không tuân phục bởi nhà nước thực sự. Lập luận này phải có ưu thế hơn so với các tuyên bố chủ quyền dựa trên thụ đắc lãnh thổ nhưng lại không thể thực hiện được sự quản lý thực sự.

Như đã nói trước ở trên, mãi đến năm 1906 vẫn không có tranh chấp nào nảy sinh giữa Hoa Kỳ và Tây Ban Nha hay Hà Lan đối với hòn đảo Palmas. Ngay sau cuộc đổ bộ của Wood, đại sứ Mỹ tại The Hague đã yêu cầu với Chính phủ Hà Lan về một thỏa thuận sơ bộ liên quan đến tình trạng của Palmas vào ngày 31/03/1906. Bộ ngoại giao Hà Lan, thông qua công hàm ngày 17/10/1906, đã phản hồi, nói rõ rằng nhiều vùng đất trên hòn đảo này thường được người Hà Lan nhắc đến với cái tên là đảo Miangas hơn là Palmas, và là một phần lãnh thổ của người Hà Lan.

 Sự trao đổi ngoại giao này diễn ra trong vòng gần 20 năm mà không có chút tiến triển . Vào 13/01/1925, trên cơ sở của một công ước trọng tài song phương năm1908, hai chính phủ đã ký vào thỏa thuận đồng ý dựa trên sự phân xử của một trọng tài duy nhất về quyền sở hữu hòn đảo. Các bên tham gia nhất trí là Max Huber, người sau đó trở thành chủ tịch thường trực của Tòa án công lý quốc tế, sẽ là trọng tài duy nhất của toà trọng tài dưới sự bảo trợ của Toà trọng tài thường trực (PCA). Các bên cùng thống nhất: trách nhiệm duy nhất của trọng tài là xác định rằng hòn đảo Palmas (hay Miangas) trong sự toàn vẹn của nó hợp thành một phần lãnh thổ của Hoa Kỳ hay Hà Lan. Tất cả những khâu thủ tục sẽ được thực hiện dưới hình thức ghi chép: không có các phiên điều trần dưới hình thức nói.

I. Cột mốc quan trọng của luật quốc tế

The một nhà bình luận người Hà Lan nhận định ngay sau khi phán quyết được chính thức đưa ra thì “không thể phủ nhận rằng tầm quan trọng trên thực tế của Đảo Miangas không thể nào sánh ngang với những nổ lực của các Cường quốc trong phiên tranh tụng và với cả thời gian bỏ ra để giải quyết tranh chấp này”. Trong luật pháp quốc tế, cũng như trong các lĩnh vực khác, những điều vĩ đại thường đến từ những khởi đầu nhỏ bé: Vụ án đảo Palmas mới gần đây được nhắc đến như “một trong những phán quyết trọng tài có ảnh hưởng nhất từ ​​trước đến nay”. Được tuyên bố vào năm 1928, “Phán quyết nổi tiếng của thẩm phán Huber về vụ án đảo Palmas” trong thời gian ngắn đã trở thành một tác phẩm kinh điển của luật pháp quốc tế, và vẫn còn tồn tại trong luật pháp của các tòa án công luận và tòa án quốc tế.

Đó là nhờ vào duy nhất một vị thẩm phán là Huber, người đã được mời đến phiên tranh tụng của hai bên để giải quyết một số câu hỏi cơ bản nhất định liên quan đến luật pháp quốc tế. Ông đã không bỏ lỡ cơ hội để đưa ra quan điểm của mình về chúng bằng cách định hướng rõ ràng tình trạng của một số nguyên tắc mà vào đầu thế kỷ 20 không có gì khác hơn là bị giới hạn bởi các tòa án và tòa án quốc tế khác. Thật vậy, theo đánh giá của vị thẩm phán Fernand de Visscher, người chịu trách nhiệm về việc giải thích khái niệm chủ quyền lãnh thổ, việc giải thích các điều kiện về thụ đắc lãnh thổ và về bảo vệ chủ quyền, cùng với gánh nặng về bằng chứng, cũng kỳ công ngang ngữa với việc giải thích một học thuyết nào đó. Hai đề xuất mà phán quyết đưa ra đầu tiên đó là: một là liên quan đến bản chất của chủ quyền và thứ hai là sự liên quan của luật pháp trong các mốc thời gian khác nhau – cả hai đều đã có vị trí xứng đáng trong nền tảng chính yếu của luật quốc tế. Dù vậy, cả hai cũng có thể được cho là nghịch lý.

Chương này sẽ lần lượt giải quyết và tìm cách làm sáng tỏ những nghịch lý chứa đựng bên trong chúng.

II. Chủ quyền

Đầu tiên, phán quyết xác lập rằng chủ quyền quốc gia “đánh dấu sự độc lập” và “thẩm quyền riêng biệt (exclusive competence)”, như vậy trong luật pháp quốc tế thì chủ quyền là “điểm xuất phát trong việc giải quyết hầu hết các câu hỏi liên quan đến quan hệ quốc tế”.

Từ thực tế rằng “chủ quyền” là 1 “chỉ dấu” (signifier) hơn là một quy tắc pháp lý hay một thể chế, cho nên đối với việc giải quyết tranh chấp pháp lý liên quan đến chủ quyền cần phải đi kèm với việc kiểm tra cẩn thận xem chính xác chủ quyền biểu thị những gì. Tuy nhiên, phán quyết cũng cho thấy tầm quan trọng của việc cùng tồn tại (coexistence), nhấn mạnh rằng luật quốc tế “có mục đích đảm bảo sự cùng tồn tại của các lợi ích khác nhau, mà những lợi ích này đáng được luật pháp bảo vệ”.

Như vậy, một mặt:

                Chủ quyền trong quan hệ giữa các quốc gia biểu thị sự độc lập. Sự độc lập này trong một phần của trái đất (ám chỉ lãnh thổ của quốc gia – giải thích của người dịch) chính là quyền được thực hiện chức năng của một quốc gia mà không bị can thiệp bởi các quốc gia khác. Sự phát triển của cấu trúc tổ chức Nhà nước của các quốc gia, như một hệ quả tất yếu, trong vài thế kỷ qua, cùng với sự phát triển của luật quốc tế đã thiết lập nguyên tắc về thẩm quyền riêng biệt của Nhà nước đối với lãnh thổ của mình bằng cách làm nó trở thành một điểm khởi đầu trong việc giải quyết hầu hết các câu hỏi liên quan đến quan hệ quốc tế.

 Nhờ nhận thức này, yêu cầu về tính hiệu quả (effectiveness) không chỉ là hệ quả hợp lý của bản chất chủ quyền lãnh thổ mà nó còn là yếu tố cần thiết cho bất kỳ cách thức thụ đắc chủ quyền lãnh thổ và duy trì chủ quyền đối với lãnh thổ này.

Mặt khác, với với sự cùng tồn tại của các quốc gia có chủ quyền thì: “Luật quốc tế, giống như luật nói chung, có mục đích đảm bảo sự cùng tồn tại của các lợi ích khác nhau đáng được bảo vệ về mặt pháp lý”. Một học giả luật quốc tế hàng đầu là Guggenheim đã đặt trọng tâm trong lý thuyết về luật quốc tế của ông, ghi nhận trong bài luận của mình về công pháp quốc tế, rằng: “Cốt lõi ban đầu của công pháp quốc tế được cấu thành bởi các quyền và nghĩa vụ đi kèm theo”.

                  Vụ án đảo Palmas đã làm rõ ràng khái niệm chủ quyền, bởi vì nó chỉ ra được khái niệm chủ được hiểu theo luật quốc tế là không chỉ có các quyền nhất định và sự tự do cho các quốc gia, mà nó còn bao gồm cả nghĩa vụ.

 Một sự thay đổi tương tự cũng đang xảy ra trong hệ thống luật quốc gia, đặc biệt là của hệ thống luật của các quốc gia Châu Âu lục địa, mà từ năm 1910 cho đến những năm 1920, một khái niệm tích cực (positive concept) về chủ quyền của nhà nước đã dần được hình thành. Một ví dụ rõ ràng là luật của nước Pháp thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh, thể hiện trong công trình của Léon Blum, người đã để lại một dấu ấn không thể phai mờ đối với hệ thống công pháp của nước Pháp, trước tiên với tư cách là thẩm phán trong hơn 20 năm tại Conseil d’État, và sau đó với tư cách là một nghị sĩ và thủ tướng phụ trách một số cải cách lập pháp. Theo kết luận của ủy viên lúc đó là Blumnement Blum, Hội đồng nhà nước ở Tổng công ty xe điện Pháp cho rằng, mặc dù Chính phủ đã ký kết một số hợp đồng nhượng quyền với một công ty xe điện, Chính phủ vẫn phải giữ lại chủ quyền không thể sang nhượng được (pouvoir de souveraineté), một số quyền lực cai trị (pouvoir de Police) để thực hiện các thay đổi đối với các hợp đồng theo nhu cầu của xã hội khi cần thiết. Chính phủ không thể bị từ bỏ quyền quản lý của mình, vì nhà nước vẫn là người bảo lãnh cho việc thực hiện việc cung cấp dịch vụ cho toàn bộ công dân. Quyền thực hiện các thay đổi đơn phương đối với các hợp đồng nhượng quyền của nó sẽ được dựa vào lợi ích chung của cộng đồng. Do đó, khái niệm về chủ quyền của nhà nước, hay quyền lực của Chính phủ, hoặc về các mặt phủ định (negative) của chủ quyền, được quan niệm “như một sự phục vụ công cộng, một cơ quan cung cấp dịch vụ thay vì thực thi chủ quyền” chỉ theo nghĩa tiêu cực.

Do đó, vụ việc Tổng công ty xe điện Pháp đã minh họa cho việc chuyển khái niệm chủ quyền từ luật quốc gia sang luật quốc tế khi giải thích về các hợp đồng nhà nước trong luật quốc gia. Luật quốc gia điều chỉnh sự nhượng quyền đường sắt còn hơn cả luật hợp đồng ràng buộc giữa hai bên. Đó là một đạo luật vươn xa hơn khái niệm về mô hình nhà nước bảo vệ của thế kỷ XIX, nó cân nhắc các trường hợp cấp bách, xem chủ quyền, mà theo nghĩa tích cực, là sự phục vụ của nhà nước đối với các cá nhân mà nhà nước thực thi chủ quyền.

Điều này cũng đã được định trước đây trong Ý kiến phản đối của thẩm phán Moore trong vụ kiện SS Lotus. Thẩm phán nhận thấy rằng: “một quốc gia sở hữu và thực thi một quyền tài phán tuyệt đối và độc quyền trong lãnh thổ của mình; những lợi ích của nguyên tắc này có giá trị đồng đều với tất cả các quốc gia độc lập có chủ quyền, và các lợi ích này cũng tương ứng với trách nhiệm diễn ra trong lãnh thổ quốc gia.”

 Như vậy, ở vụ án Đảo Palmas, chủ quyền không chỉ đơn thuần là quyền độc quyền tham gia vào các hoạt động của một quốc gia trong một lãnh thổ nhất định, mà như một hệ quả, nó còn là nghĩa vụ bảo vệ quyền của công dân trong lãnh thổ đó của các quốc gia khác:        

              Chủ quyền lãnh thổ không thể tự giới hạn theo mặt tiêu cực của nó, nghĩa là loại trừ các hoạt động của các quốc gia khác; bởi vì chủ quyền phục vụ cho việc phân chia không gian giữa các quốc gia, nơi mà hoạt động của con người được thực hiện, để có thể đảm bảo cho họ sự bảo vệ tối thiểu đối với mọi giá trị mà luật quốc tế là sự giám hộ cho sự bảo vệ này.

[Hết phần 1]


Bản gốc của vụ kiện xem ở đây.

Dịch: Nhóm sinh viên Khoa quan hệ quốc tế – trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Tp.HCM

Biên tập: Phạm Ngọc Minh Trang, Giảng viên, Khoa quan hệ quốc tế – trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Tp.HCM

(*) Website không phụ trách về các vấn đề bản quyền có thể phát sinh từ việc dịch bài viết trên.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: