[135] Quyết định ngày 25.5.2019 của Tòa ITLOS áp dụng Biện pháp khẩn cấp tạm thời trong Vụ Ukraine v. Nga: Vấn đề thẩm quyền prima facie

1. Bối cảnh vụ kiện

Ngày 25 tháng 11 năm 2018, 3 tàu hải quân của Ukraine mang tên Berdyansk, Nikopol và Yania Kapu cùng với 24 thuỷ thủ đoàn trên 3 tàu này bị Nga bắt giữ tại eo biển Kerch, nối liền giữa Nga và Crimea, tại Biển Đen. Theo Ukraine, khi các tàu này đi vào cửa eo biển vào tối 24/25 tháng 11 thì được Bộ phận dịch vụ biên giới (Border service) thuộc Dịch vụ an ninh Liên bang (Federal Security Service) của Nga thông báo đóng cửa eo biển. Nga thông báo cho các tàu này chờ tại cửa eo biển. Các tàu của Ukraine đã chờ trong vòng 8 giờ. Đến ngày 25 khi các tàu này không thể chờ được nữa, họ quay đầu và đi khỏi eo biển Kerch thì các tàu cảnh sát biển (Coast guard) của Nga yêu cầu họ dừng lại. Họ khước từ tuân theo lệnh này từ Nga; các tàu của Nga đuổi theo. Một tàu cảnh sát biển của Nga đã bắn vào Beryansk làm bị thương 3 thuỷ thủ và hư hại tàu. Sau đó, cả ba tàu hải quân và thuỷ thủ đoàn của Ukraine đều bị lực lượng cảnh sát biển của Nga bắt giữ. Sự kiện này tạo nên khủng hoảng chính trị trầm trọng hơn nữa giữa Ukraine và Nga. Vụ việc cũng đã được đưa ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Russia-vs-Ukraine-1623813

Ngày 16 tháng 4 năm 2019, Ukraine đã đệ đơn lên Toà án quốc tế về Luật biển (viết tắt ITLOS) để yêu cầu Toà áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (provisional measures) trong tranh chấp giữa nước này và Nga liên quan đến việc nước Nga đã bắt giữ ba tàu hải quân và 24 thuỷ thủ đoàn của Ukriane. Trong đơn đệ trình lên Toà, Ukraine yêu cầu Toà ra quyết định Nga phải thả tự do cho các tàu và thuỷ thủ của Ukraine mà nước này đang bắt giữ.

Ngày 30.4.2019, trong thư trả lời cho ITLOS về vấn đề này Nga cho rằng Toà án theo cơ chế bắt buộc của Công ước Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) không có thẩm quyền xử lý vụ kiện giữa Ukraine và Nga về vấn đề này, do đó, Nga tin rằng ITLOS cũng không có thẩm quyền để sử dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để áp dụng lên Nga trong trường hợp này. Cuối cùng, Nga sẽ không xuất hiện trước ITLOS trong các buổi điều trần. Tuy nhiên, Nga vẫn cung cấp cho Toà tất cả các tài liệu pháp lý liên quan đến vụ việc cho ITLOS.

Đến ngày 02.5.2019, Ukraine vẫn giữ vững lập trường và yêu cầu ITLOS tiếp tục xử lý vụ kiện này.

Đây là lần thứ hai, Nga bị kiện ra ITLOS trong một vụ việc liên quan đến biện pháp khẩn cấp tạm thời. Cả hai lần Nga đều từ chối tham dự phiên toà, và cả hai vụ kiện này đều rơi vào trường hợp vắng mặt trước Toà. Hiện tượng này là khi một quốc gia là một bên trong tranh chấp từ chối ra Toà trong vụ kiện của họ. Một trong các vụ việc vắng mặt trước Toà nổi tiếng gần đây nhất là việc Trung Quốc từ chối ra Toà trong Vụ kiện Biển Đông giữa nước này và Philippines. Thông thường lý do các quốc gia đưa ra để vắng mặt đó là họ tin rằng Toà án không có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp.

Tuy nhiên, việc các quốc gia vắng mặt trước Toà không được xem là một cản trở để phiên Toà có thể diễn ra đúng trình tự của mình. Điều 28 Quy chế làm việc của ITLOS đã quy định: “khi một bên (của vụ kiện) không xuất hiện trước Toà hay không tranh tụng trong vụ kiện, bên còn lại có thể yêu cầu Toà tiếp tục quy trình làm việc và đưa ra quyết định của mình. Sự vắng mặt của một bên hay việc không xuất hiện tranh tụng của bên đó không thể tạo thành chướng ngại cản trở quy trình làm việc của Toà. Trước khi đưa ra quyết định của mình, Toà phải thoả mãn rằng không chỉ Toà có thẩm quyền đối với vụ kiện, mà yêu sách (của bên còn lại trong vụ kiện) là xác đáng trên thực tế và trong luật”. ITLOS trong vụ kiện này cũng nhắc lại ý kiến tương tự trong Vụ Arctic Sunrise trước đây giữa Hà Lan và Nga mà trong đó Nga cũng là một bên không xuất hiện trong vụ kiện.

Do đó, ITLOS vẫn tiếp tục quy trình làm việc của mình. Phiên điều trần, chỉ có mặt của Ukraine, diễn ra vào ngày 10 tháng 5 năm 2019. Và Quyết định của ITLOS về biện pháp khẩn cấp tạm thời được đưa ra vào ngày 25 tháng 5 nằm 2019.

2. Thẩm quyền prima facie

Điều 290 đoạn 5 của UNCLOS 1982 nêu rõ:

“5. Trong khi chờ lập ra một tòa trọng tài xét xử một vụ tranh chấp theo mục này, mọi tòa án do các bên thỏa thuận với nhau chỉ định, hoặc, nếu không thỏa thuận được trong một thời hạn 2 tuần sau ngày có yêu cầu các biện pháp bảo đảm. Toà án quốc tế về luật biển….có thể quy định, sửa đổi hay hủy bỏ các biện pháp bảo đảm theo đúng điều này, nếu như họ thấy prima facie (hiển nhiên) rằng tòa án cần được lập ra sẽ có thẩm quyền, và nếu như họ xét thấy rằng tính chất khẩn trương của tình hình đòi hỏi phải làm như vậy….”

Do vậy, ITLOS cần phải xem xét thẩm quyền của Toạ trọng tài Phụ lục VII mà Ukraine yêu cầu giải quyết tranh chấp giữa họ và Nga.

Để xác định thẩm quyền prima facie của Toà trọng tài phụ lục VII đối với vụ việc đang đặt ra ở đây, ITLOS cần làm rõ ba vấn đề:

  • Thứ nhất, có tồn tại trên thực tế một tranh chấp giữa Ukraine và Nga liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS 1982 hay không?
  • Tranh chấp giữa Ukraine và Nga có liên quan đến ngoại lệ được nêu ra tại Điều 298 của Công ước hay không? Cụ thể, ngoại lệ về các hoạt động quân sự của các quốc gia trên biển sẽ thuộc về ngoại lệ của cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc. Cả Ukraine và Nga đều đã tuyên bố loại mình ra khỏi các hoạt động tranh tụng bắt buộc khi liên quan đến hoạt động quân sự trên biển. Do đó, nếu tranh chấp hiện giờ rơi vào ngoại lệ tại Điều 298, Toà trọng tài Phụ lục VII sẽ không có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp giữa 2 bên.
  • Cuối cùng, cả hai bên đã thực hiện nghĩa vụ trao đổi quan điểm về tranh chấp theo yêu cầu của Điều 283 của Công ước hay chưa. Đây là một trong các điều kiện tiên quyết để có thể sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc của Công ước.

Đầu tiên, không khó khăn để ITLOS có thể kết luận việc có tồn tại trên thực tế tranh chấp giữa Ukraine và Nga liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS 1982. Sự mâu thuẫn giữa hai bên trong việc vận dụng UNCLOS trong vụ việc này được thể hiện rõ trong các công hàm ngoại giao (Note verbale) của họ. Trong thư ngày 15.3.2019 của Ukraine có lập luận việc bắt giữa tàu và thuỷ thủ của Nga vi phạm các Điều 32, 58 và 95 của Công ước. Trong khi đó, trong thông cáo báo chí của Cơ quan an ninh liên bang của Nga cho rằng hành động của Nga là phù hợp theo Điều 30 của Công ước. Do đó, Toà khẳng định tồn tại tranh chấp trong việc giải thích và áp dụng Công ước đối với vụ việc hiện tại giữa Ukraine và Nga.

Sau đó, Toà xem xét tranh chấp liên quan đến việc bắt giữa các tàu hải quân và các thuỷ thủ Ukraine của Nga có thuộc về các hoạt động quân sự, nằm trong ngoại lệ tại Điều 298 của Công ước hay không. Cả Ukraine và Nga đều là thành viên của UNCLOS và khi tham gia vào Công ước đều tuyên bố các hoạt động quân sự trên biển của mình sẽ không thể giải quyết bằng con đường Toà án nếu không có sự đồng ý của họ.

Về vấn đề này, quan điểm của Ukraine và Nga là hoàn toàn trái ngược nhau và cả 2 bên đều đưa ra các bằng chứng để chứng minh luận điểm của mình.

Ukraine cho rằng đây là hoạt động hành pháp hình sự của Nga, các hoạt động này không tương đồng với các hoạt động quân sự. Ukraine đưa ra hai lý do: (1) về bản chất, đây là các hoạt động phi quân sự được thể hiện bởi chính bên thực hiện nó (ở đây là Nga). Nga tuyên bố việc bắt giữ tàu và thuỷ thủ của Ukraine là các vấn đề thuộc về quyền thi hành luật quốc gia. (2) chính bản thân Ukraine cũng đưa yêu sách của mình về việc Nga đã thực thi các hoạt động hành pháp của mình một cách trái với pháp luật. Rõ ràng, các tàu của Ukraine đã bỏ đi nhưng lực lượng cảnh sát biển của Nga vẫn bắt giữ lại vì cho rằng các tàu này đã vi phạm pháp luật của nước này.

Mặt khác, Nga chỉ ra bằng chứng rằng nhiệm vụ của 3 tàu hải quân này là “xâm nhập bí mật vào những vùng biển không được phép (non-permitted secret incursion)” trong lãnh hải của Nga. Và các nhân viên quân sự của Nga đã ngăn chặn hành động này và bắt giữ các tàu này. Theo Nga, đây là một chuỗi hành động của các nhân viên và trang bị quân sự, cho nên đây rõ ràng là các hoạt động quân sự. Thậm chí, trong các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về vấn đề này cũng đề cập đến nó như một hoạt động quân sự.

Toà cho rằng cần phải đánh giá bản chất của các hoạt động trong tranh chấp của cả hai bên một cách khách quan; do đó, Toà xem xét 3 chi tiết sau:

  • Nguyên nhân chính dẫn đến hành động bắt giữ của Nga là hoạt động đi lại của các tàu hải quân của Ukraine. Toà cho rằng đây không thể xem là một hoạt động quân sự khi mà quyền đi lại, vô hại trong lãnh hải hay đi qua các eo biển, được áp dụng cho tất cả các loại tàu. Điều này cũng có nghĩa rằng các tàu hải quân này không đang thực hiện nhiệm vụ “xâm nhậm bí mật vào các vùng biển không được phép” mà Nga đã chỉ ra.
  • Xung đột xảy ra là hệ quả của sự mâu thuẫn trong việc diễn giải các quyền đi lại của cả hai bên. Ukraine cho rằng các tàu hải quân có quyền đi lại tự do theo Hiệp ước 2003 giữa nước này và Nga. Trong khi đó, Nga đã ngăn sự di chuyển của tàu hải quân Ukraine với hai lý do là các tàu này vi phạm Quy định 2015 liên quan của Nga và vì Nga đang tạm dừng công nhận quyền đi lại vô hại của tàu chiến với lý do an ninh. Cuộc điện đàm trao đổi giữa tàu Berdyansk và cảnh sát biển của Nga thể hiện rõ điều này.
  • Mặc dù có hành vi sử dụng vũ lực diễn ra khi Nga đã bắn cảnh cáo và bắn ngắm vào tàu của Ukraine và bắt giữ các tàu này, hoạt động này thực hiện sau khi Ukraine đã từ bỏ việc đi vào eo biển (tức là từ bỏ nhiệm vụ của mình). Do đó, không thể xem đây là hoạt động quân sự đối đầu của cả 2 bên, mà chỉ là hoạt động hành pháp của cảnh sát biển 1 bên.

Do đó, Toà tổng kết cả 3 chi tiết trên và kết luận rằng chuỗi sự kiện diễn ra trong bối cảnh đó là các hoạt động hành pháp. Do đó, tranh chấp này không nằm trong ngoại lệ được nêu ra tại Điều 298 của Công ước

Tiếp theo, Toà xem xét về nghĩa vụ phải trao đổi quan điểm theo Điều 283 của Công ước. Theo đó, các quốc gia chỉ được quyền sử dụng các biện pháp bắt buộc (sử dụng Toà án) khi chứng minh được rằng họ đã thực hiện nghĩa vụ đàm phán về tranh chấp với bên còn lại. Ukraine đã gửi thư ngoại giao đến Nga và vì tính chất khẩn cấp của vụ việc yêu cần Nga cần gấp rút thể hiện quan điểm của mình về vấn đề này cùng với các biện pháp giải quyết. Tuy nhiên, theo Ukraine, Nga đã mập mờ trong cách trả lời. Mặt khác, Nga cho rằng mình đã thể hiện ý chí giải quyết tranh chấp với Ukraine bằng con đường đàm phán, tuy nhiên Ukraine đã không đồng ý với cách thức này. Toà viện dẫn các án lệ trước đây (trong đó có, MOX Plant năm 2001, ARA Libertad năm 2012, Arctic Sunrise năm 2013) để chứng minh rằng: “một bên trong tranh chấp không phải tiếp tục trao đổi quan điểm khi họ kết luận rằng khả năng của việc đạt được sự thoả thuận của cả hai bên là không còn (exhausted)”. Bên cạnh đó, việc nhanh chóng tiến hành đàm phán là nghĩa vụ của cả 2 bên. Do vậy, Toà kết luận Ukraine đã hoàn thành nghĩa vụ trao đổi quan điểm của mình theo điều 283.

Từ tất cả các lập luận trên, Toà kết luận prima facie rằng Toà trọng tài Phụ lục VII xử lý vụ kiện giữa Ukraine và Nga có thẩm quyền giải quyết. Như vậy, ITLOS cũng có thẩm quyền đưa ra các biện pháp khẩn cấp tạm thời liên quan đến vụ việc này.

(Phần 2: Quyết định của ITLOS về các biện pháp khẩn cấp tạm thời được sử dụng trong vụ kiện)

Phạm Ngọc Minh Trang

Bài viết tóm tắt từ Quyết định của Toà án luật biển quốc tế (ITLOS) trong Vụ bắt giữ ba tàu hải quân của Ukraine (Ukraine v. Nga), ITLOS, 2019, xem thêm thông tin về vụ việc, toàn văn Quyết định, và tóm tắt Quyết định của Tòa.

1 bình luận về “[135] Quyết định ngày 25.5.2019 của Tòa ITLOS áp dụng Biện pháp khẩn cấp tạm thời trong Vụ Ukraine v. Nga: Vấn đề thẩm quyền prima facie

Add yours

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: