[69] Phân định biển và hợp tác cùng phát triển: Cơ sở pháp lý, mối quan hệ và kết hợp liên hệ thực tiễn Việt Nam

Trần Hữu Duy Minh[1]

Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Số 2(358), tháng 02/2018, tr. 62 – 67.

Phân định biển và hợp tác cùng phát triển là hai giải pháp chính mà các quốc gia có vùng biển chồng lấn có thể lựa chọn. Trong khi phân định biển thường phức tạp và kéo dài, hợp tác cùng phát triển có thể là một bước thúc đẩy đàm phán phân định biển hoặc là một giải pháp lâu dài mà các bên có thể chấp nhận trong và sau khi phân định biển. Việt Nam có nhiều vùng biển chồng lấn với các nước, do đó hai vấn đề trên cần được nghiên cứu. Bài viết phân tích cơ sở pháp lý và mối quan hệ giữa phân định biển và hợp tác cùng phát triển, và kết hợp liên hệ với thực tiễn Việt Nam.

Maritime delimitation and joint development cooperation are two main options for states that have overlapping areas. While maritime delimitation is more complex and ussually time-comsuming joint development cooperation may play an important role in pushing delimitation negotiations or in some cases may be a long-term solution acceptable to all concerned states during or after delimitation. This article will introduce the legal basis of maritime delimitation and joint development cooperation, and their relations. The article also refers to relevant practice of Vietnam.

  1. Cơ sở pháp lý cho việc phân định biển theo Công ước Luật Biển năm 1982

Theo Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), cơ sở pháp lý cho phân định biển là Điều 15 về phân định lãnh hải, Điều 74(1) về phân định vùng đặc quyền kinh tế và Điều 83(1) về phân định thềm lục địa. Điều 15 yêu cầu các quốc gia áp dụng phương pháp đường trung tuyến/hoàn cảnh đặc biệt để phân định nếu không đạt được thoả thuận. Điều 74(1) và 83(1) về cơ bản quy định giống nhau, cụ thể, các quốc gia sẽ tiến hành phân định biển bằng một thoả thuận trên cơ sở luật pháp quốc tế nhằm đạt được một giải pháp công bằng. Hai điều khoản trên không quy định cụ thể phương pháp, mà chỉ đặt ra một yêu cầu duy nhất là kết quả phân định phải công bằng.

Các đường phân định biển thường được xác lập theo một trong hai cách sau: thoả thuận thông qua đàm phán hoặc phán quyết phân định biển của các cơ quan tài phán. Cũng lưu ý rằng cùng một trường hợp nhưng kết quả phân định biển có thể khác nhau tuỳ thuộc vào các quốc gia lựa chọn tự đàm phán hay mang ra cơ quan tài phán quốc tế để phân định. Lý do là các quốc gia và cơ quan tài phán có quan điểm khác nhau về yếu tố nào là yếu tố quan trọng khi vạch đường phân định. Đối với các quốc gia có thể là yếu tố địa lý, lịch sử, chính trị, kinh tế, an ninh, lịch sử và bất kỳ yếu tố nào mà các quốc gia mong muốn để mang lại quyền lợi tốt nhất cho mình.[2] Trong khi đó, không phải yếu tố nào cũng được các cơ quan tài phán cho là hợp lý và phù hợp để xem xét đến khi tiến hành phân định. Các cơ quan tài phán chú trọng đến yếu tố địa lý, địa mạo của bờ biển và khu vực biển cần phân định cũng như tỷ lệ tương xứng giữa chiều dài đường bờ biển và diện tích phân chia cho từng bên. Ví dụ như về yếu tố kinh tế, các cơ quan tài phán không quan tâm đến sự phân bố tài nguyên khoáng sản, dầu khí hay tài nguyên hải sản trong vùng biển phân chia cho hai bên, trừ trường hợp việc phân chia một vùng biển không có tài nguyên cho một bên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của cộng đồng cư dân ven biển khu vực đó.[3] Do đó các quốc gia cần xem xét cẩn trọng trước khi quyết định mang tranh chấp phân định biển ra giải quyết ở cơ quan tài phán quốc tế.

  1. Cơ sở pháp lý cho việc hợp tác cùng phát triển theo Công ước Luật Biển năm 1982

Cơ sở pháp lý cho việc hợp tác cùng phát triển khi chưa phân định được vùng biển chồng lấn là Điều 74(3) đối với vùng đặc quyền kinh tế và Điều 83(3) đối với thềm lục địa. Không có quy định tương tự đối với vùng lãnh hải. Điều 74(3) và Điều 83(3) có quy định gần như tương tự nhau, và yêu cầu trong giai đoạn chưa phân định biển các quốc gia phải nỗ lực hết sức mình để đạt được một dàn xếp tạm thời có tính thực tiễn và không làm phương hại hay cản trở việc đạt được thoả thuận phân định cuối cùng.[4] Nói cách khác, “các dàn xếp tạm thời có tính thực tiễn” là giải pháp tối ưu mà Công ước yêu cầu các quốc gia phải nỗ lực hết sức để đạt được trong khi chưa thể thoả thuận về một đường phân định phân chia vùng biển chồng lấn. Lưu ý rằng đây là nghĩa vụ nỗ lực, do đó không bắt buộc phải thực sự đạt được bất kỳ dàn xếp tạm thời nào.[5]

Các dàn xếp tạm thời cũng có thể có những hình thức khác nhau tuỳ thuộc vào thoả thuận cụ thể của các bên liên quan. Việc hợp tác cùng phát triển là hình thức phổ biến nhất của các “dàn xếp tạm thời có tính thực tiễn” theo câu chữ của Điều 74(3) và 83(3) nêu trên. Thuật ngữ “hợp tác cùng phát triển” được sử dụng trong bài viết này với nội hàm để chỉ các hoạt động hợp tác của các quốc gia liên quan trên vùng biển chồng lấn trong nhiều lĩnh vực liên quan và cả không liên quan đến khai thác tài nguyên thiên nhiên. Do đó thuật ngữ này rộng hơn so với các thuật ngữ chỉ chú trọng đến lĩnh vực khai thác tài nguyên, chủ yếu là tài nguyên dầu khí như “phát triển chung” (joint development), “khai thác chung” (joint exploitation) hay “sử dụng chung” (joint utilization).

Hợp tác cùng phát triển bao gồm tất cả các hoạt động liên quan đến mọi quyền chủ quyền và quyền tài phán mà các quốc gia liên quan cùng có trên vùng biển chồng lấn. Căn cứ vào Điều 56 và 77 các quốc gia có vùng biển chồng lấn đặc quyền kinh tế và thềm lục địa có thể có các hợp tác đa dạng trên rất nhiều lĩnh vực. Ví dụ như trong vùng chồng lấn đặc quyền kinh tế, các quốc gia liên quan đều có các quyền chủ quyền và quyền tài phán trên nhiều lĩnh vực cụ thể, và từ các lĩnh vực này đều có khả năng hình thành các hoạt động hợp tác cùng phát triển cụ thể. Ví dụ như hợp tác trong thăm dò, khai thác, quản lý, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, xây dựng, vận hành công trình nhân tạo, bảo vệ môi trường biên, nghiên cứu khoa học biển, thậm chí có thể hợp tác trong việc xem xét định hướng hướng đi của ống ngầm của quốc gia khác trên đáy biển vùng chồng lấn.

Trong hình thức hợp tác cùng phát triển cũng có nhiều biến thể khác nhau về đối tượng hợp tác (như dầu khí, hải sản, tuần tra-kiểm soát, an ninh, tìm kiếm cứu nạn, nghiên cứu khoa học biển,…) và mô hình khác nhau (uỷ ban liên hợp, thành lập liên doanh, giao khoán cho một bên thực hiện, tuần tra chung,…). Ngoài ra, dàn xếp tạm thời cũng có thể dưới hình thức là một thoả thuận  xác định đường phân chia tạm thời. Đây là việc các quốc gia thoả thuận với nhau về một đường tạm thời phân chia khu vực hoạt động giữa hai nước nhằm tránh va chạm, xung đột không cần thiết. Đường này có thể ngầm định theo lịch sử quản lý trên thực địa hoặc có thể xác định bằng thoả thuận.

Theo Điều 74(3) và 83(3), việc xác định đường phân chia tạm thời và hợp tác cùng phát triển hay các hình thức dàn xếp tạm thời khác đều không ảnh hưởng đến việc phân định biển sau này. Nói cách khác các bên không được viện dẫn bất kỳ thực tiễn hay hoạt động của mình theo dàn xếp tạm thời trong quá trình phân định biển sau này.

Hợp tác cùng phát triển cũng có thể được tiến hành sau khi phân định biển. Cơ sở pháp lý cho hợp tác cùng phát triển sau khi phân định biển là thỏa thuận giữa các quốc gia, thông thường được ký kết bên cạnh thỏa thuận phân định hoặc được ghi nhận trực tiếp trong thỏa thuận phân định biển giữa các quốc gia. Các thỏa thuận này đặt trên cơ sở tự do ý chí và nguyên tắc bình đẳng chủ quyền của các quốc gia liên quan theo luật pháp quốc tế nói chung. UNCLOS cũng không ngăn cản các quốc gia ký kết các thỏa thuận này trong chừng mực các thỏa thuận phù hợp với Công ước và không ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khác.[6] Khác với hợp tác cùng phát triển trong giai đoạn trước khi phân định biển, hợp tác cùng phát triển sau khi phân định biển không phải là một nghĩa vụ mà là một quyền tư do của các quốc gia liên quan.

  1. Mối quan hệ giữa phân định biển, xác định đường phân chia tạm thời và hợp tác cùng phát triển

Để xử lý các vùng chồng lấn biển giữa các quốc gia có bờ biển đối diện hoặc liền kề, các quốc gia có thể lựa chọn một trong các giải pháp sau: phân định biển và xác lập ranh giới phân chia vùng biển chồng lấn; xác định một đường phân chia tạm thời hoặc tiến hành hợp tác cùng phát triển.[7] Tuỳ tình hình thức tế, các quốc gia cũng có thể lựa chọn một trong các giải pháp hoặc kết hợp các giải pháp trên với nhau.[8] Ví dụ các quốc gia có thể tiến hành phân định đối với một phần vùng chồng lấn dễ đàm phán, xác lập đường phân chia tạm thời phân chia khu vực kiểm soát, thực thi quyền tài phán ở một số phần còn lại và/hoặc khoanh vùng một khu vực hoặc một số các lĩnh vực hợp tác cùng phát triển ở những khu vực chưa thể phân định.

Giải pháp tốt nhất cho các quốc gia liên quan là có thể phân định và xác định rõ ràng đường ranh giới trên biển. Việc xác định rõ ràng đường phân định biển sẽ có vai trò rất lớn trong việc giảm nguy cơ xung đột an ninh và chính trị giữa các quốc gia. Có thể nói các tranh chấp biên giới lãnh thổ, bao gồm cả tranh chấp biển, có nguy cơ đe dọa rất cao đến quan hệ giữa các quốc gia và có thể ảnh hưởng lớn đến vấn đề chiến tranh và hòa bình giữa các bên. Do đó việc phân định rõ ràng các vùng biển sẽ loại trừ nguy cơ này. Hơn nữa, việc phân định biển sẽ mang lại sự chắc chắn, rõ ràng về mặt pháp lý, qua đó thúc đẩy hoạt động kinh tế. Các công ty dầu khí sẽ an tâm khi đầu tư; ngư dân có định hướng, kế hoạch phát triển nghề cá khi họ biết rõ vùng biển được phép đánh bắt và trữ lượng cá ở khu vực đó. Phân định biển là giải pháp tốt nhất nhưng trong nhiều trường hợp không phải là giải pháp khả thi nhất.

Phân định biển thường rất phức tạp và các cuộc đàm phán sẽ đòi hỏi nhiều thời gian. Trong khi chưa đạt được kết quả phân định cuối cùng, nguy cơ an ninh và chính trị vẫn tồn tại, các xung đột, va chạm trên biển vẫn xảy ra gây bất ổn khu vực và kìm hãm các hoạt động kinh tế, gây thiệt hại cho các quốc gia liên quan. Trong ba giải pháp trên, việc xác định đường phân chia tạm thời và hợp tác cùng phát triển có thể đóng vai trò tạm thời giúp các bên có thể tăng cường hợp tác, tránh xung đột hay va chạm trong vùng biển chồng lấn. Hai giải pháp này có thể tạo cơ sở cho các cuộc đàm phán tiếp theo hướng đến một đường phân định biển cuối cùng giữa các quốc gia liên quan. Trong đó, hợp tác cùng phát triển có thể được tiến hành trước hoặc sau khi phân định biển.

Các phân tích dưới đây cho thấy trong khu vực chồng lấn các quốc gia nên kết hợp cả phân định biển và hợp tác cùng phát triển để thúc đẩy việc đàm phán, hỗ trợ sớm đạt được giải pháp lâu dài và ổn định hoạt động trên vùng biển xung quanh đường phân định sau này.

3.1.         Hợp tác cùng phát triển trước hoặc đồng thời với phân định biển

Như đã phân tích ở phần trên, UNCLOS quy định nghĩa vụ cho các quốc gia phải nỗ lực đạt được các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn trong giai đoạn chưa thể phân định biển. Trên thực tế hình thức thông thường nhất của các dàn xếp tạm thời là hợp tác cùng phát triển giữa các quốc gia liên quan. Như vậy hợp tác cùng phát triển là một trong các cách thức phổ biến để thực thi nghĩa vụ theo quy định của Công ước trong giai đoạn tiền phân định.

Hợp tác cùng phát triển sẽ có vai trò và tác động hỗ trợ lớn cho quá trình đàm phán phân định biển. Thông qua quá trình hợp tác các quốc gia liên quan sẽ có thể cùng nhau khảo sát, tiến hành dự án chung, khai thác chung nguồn tài nguyên hoặc hợp tác quản lý vùng biển. Việc hợp tác giúp các quốc gia có thông tin đáng tin cậy về nguồn tài nguyên của vùng biển chồng lấn, tạo cơ sở phân chia hợp lý tài nguyên trong các cuộc đàm phán phân định biển sau này. Clive H. Schofield cho rằng việc xác lập các khu vực phát triển chung có vai trò giống như một chất xúc tác để các bên đạt được thỏa thuận phân định cuối cùng, ví dụ như trao cho các bên một số quyền trong khu vực chồng lấn và do đó tránh được nguy cơ sau khi xác định đường phân định các quốc gia nhận thấy phần lớn hoặc tất cả các nguồn tài nguyên trong khu vực chồng lấn lại nằm phía bên kia đường phân định.[9]

Lịch sử luật biển quốc tế hiện đại và quy định của UNCLOS cho thấy việc xác lập vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế nhằm mục đích kinh tế là chủ yếu.[10] Các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với việc thăm dò, khai thác, quản lý và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, sinh vật và phi sinh vật trong hai vùng biển trên.[11] Các đặc quyền về kinh tế, đặc biệt là dầu khí và hải sản, là mối quan tâm số một của các quốc gia ven biển khi đàm phán và soạn thảo quy chế của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong các hội nghị luật biển quốc tế. Mặc dù trong các án lệ về phân định biển của tòa án và trọng tài quốc tế các yếu tố kinh tế, tài nguyên không đóng vai trò quan trọng hay thậm chí không được xem xét đến,[12] yếu tố kinh tế, tài nguyên có lẽ là yếu tố mà các quốc gia quan tâm nhất khi tiến hành phân định biển.[13] Việc có một vùng biển lớn nhưng nghèo tài nguyên không phải là kết quả mà các quốc gia mong muốn. Nếu việc phân định biển được tiến hành thông qua đàm phán, các quốc gia có thể sẽ chú ý nhiều đến nguồn lợi tài nguyên mà mình mong muốn có được và yếu tố này sẽ có tác động đến việc liệu các bên có đạt được thỏa thuận hay không.

Các dự án hợp tác cùng phát triển có thể bảo đảm sự thống nhất và nhận thức chung giữa các quốc gia về nguồn tài nguyên và các lợi ích kinh tế khác, tăng sự hiểu biết về lợi ích của nhau trong vùng biển chồng lấn, tạo cơ sở cho việc đạt được thỏa thuận mà các bên có thể cùng chấp nhận, mang lại lợi ích công bằng và hợp lý cho mọi bên.

Ngoài ra, hợp tác cùng phát triển cũng giúp các quốc gia quản lý tài nguyên thiên nhiên được hiểu quả hơn, đặc biệt là tài nguyên sinh vật. Các đàn cá thường không quan tâm đến quy chế pháp lý của vùng biển mà chúng di chuyển đến và đi, do đó nếu không có hợp tác trong quản lý nghề cá thì có thể dẫn đến việc đánh bắt cá quá mức hoặc theo cách thức không bền vững, nghiêm trọng hơn là hủy diệt nguồn cá, phá hủy hệ sinh thế trong vùng biển chồng lấn, dẫn đến thiệt hại lâu dài cho các quốc gia liên quan. Trong các lĩnh vực không liên quan đến tài nguyên thiên nhiên, hợp tác cùng phát triển sẽ giúp giữ ổn định và trật tự trên vùng biển chồng lấn, ngăn chặn hợp động tội phạm và các hoạt động bất hợp pháp khác lợi dụng sự xung đột trong thẩm quyền thực thi pháp luật của các quốc gia liên quan. Hợp tác cùng phát triển ơ đây có thể dưới hình thức tuần tra chung của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển (như kiểm ngư, cảnh sát biển,…) hay cơ chế quản lý nghề cá chung. Như vậy, các quốc gia giữ ổn định được vùng biển, quản lý tốt hoạt động trên biển và bảo đảm tính bền vững, lâu dài của nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Trong một số trường hợp, hợp tác cùng phát triển trước phân định có thể mang tính chất lâu dài và các quốc gia có thể không cảm thấy cần thiết phải phân định biển – đây được xem giải pháp thay thế phổ biến nhất trong thực tiễn hiện nay.[14] Điều này có thể do khu vực chồng lấn quá nhỏ hay các bên đã đạt được lợi ích hợp lý từ thỏa thuận hợp tác cùng phát triển. Ví dụ như trong Vịnh Thái Lan Việt Nam và Malaysia đã và đang tiến hành hợp tác cùng phát triển rất thành công và lâu dài trong một khu vực chồng lấn khá hẹp. Khu vực chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia chỉ rộng khoảng 2.800 km2, bằng khoảng 85% diện tích của Thủ đô Hà Nội. Việt Nam và Malaysia ký một MOU vào năm 1992 xác lập cơ sở tiến hành dự án hợp tác cùng khai thác dầu khí giữa PetroVietnam và Petronas. Trong năm 1997 dự án khai thác được thùng dầu đầu tiên.[15] Năm 2014 dự tính dự án khai thác được 29 triệu thùng dầu mỗi ngày.[16] Sự thành công của dự án đã thúc đẩy hai nước tiếp tục kéo dài MOU năm 1992 thêm 10 năm nữa, đến năm 2027 và có thể sẽ tiếp tục sau đó.[17]

JointDevelopment VN Malay

Nguồn: CogitAsia (CSIS)

Một ví dụ khác là Hiệp định Vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia (1982). Hiệp định xác lập một vùng nước lịch sử chung giữa hai nước và thỏa thuận sẽ đàm phán phân định “vào thời gian thích hợp”.[18] Vùng nước tạm thời này rộng khoảng 9.500 km2.[19] Điều 3 của Hiệp định quy định quy chế tạm thời cho vùng nước lịch sử, theo đó:

– Việc tuẫn tiễu, kiểm soát trong vùng nước lịch sử này do cả hai bên cùng tiến hành;

– Việc đánh bắt hải sản của nhân dân địa phương trong vùng này vẫn tiếp tục theo tập quán làm ăn từ trước tới nay. Đối với việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên trong khu vực đó, hai bên sẽ cùng nhau thoả thuận.”

Như vậy Việt Nam và Campuchia đã thỏa thuận hai vấn đề lớn nhằm tránh các va chạm và xung đột trong giai đoạn chưa phân định. Thứ nhất, hai bên thỏa thuận việc quản lý, kiểm soát hay các hoạt động thực thi pháp luật sẽ do cả hai bên cùng tiến hành. Năm 2002 Bộ Quốc phòng hai nước đã ký kết một thoả thuận hợp tác trong hoạt động trên vùng biển này.[20] Sau đó Hải quân hai nước cũng đã ký một bản quy tắc về tuần tra và liên lạc.[21] Cho đến năm 2015, Hải quân hai nước đã tiến hành được 30 cuộc tuần tra chung.[22] Thứ hai, hai bên cam kết bảo đảm quyền đánh bắt cá truyền thống của ngư dân hai nước. Đối với tài nguyên thiên nhiên khác, không thuộc phạm vi quyền đánh bắt cá truyền thống, sẽ được tiến hành theo thỏa thuận.

3.2.         Hợp tác cùng phát triển sau khi phân định biển

Trong các trao đổi học thuật và hoạch định chính sách, có vẻ như vấn đề hợp tác cùng phát triển hiện nay chỉ được hiểu một cách khá hạn hẹp chỉ giới hạn trong hợp tác cùng phát triển trước khi phân định biển. Tuy nhiên, hợp tác cùng phát triển không chỉ tiến hành trước và trong quá trình phân định biển mà còn có thể tiến hành sau khi các đường ranh giới trên biển đã được xác lập nhằm bảo đảm việc khai thác tối ưu nguồn tài nguyên hoặc quản lý hiệu quả hoạt động trên biển. Các nguồn tài nguyên trên biển, cả sinh vật và phi sinh vật, đều có nhiều khả năng vắt ngang qua đường biên giới mà các quốc gia vạch ra. Các mỏ dầu khí có thể vắt ngang đường ranh giới. Các đàn cá có thể di chuyển từ bên này sang bên kia đường biên giới, hoặc có tập tính di cư giữa các vùng biển. Điều này dẫn đến khả năng việc một quốc gia tiến hành khai thác trước hoặc khai thác mạnh hơn quốc gia còn lại sẽ ảnh hưởng đến phần tài nguyên thuộc về quốc gia kia. Giả sử một quốc gia khai thác dầu khí ở mỏ vắt ngang đường ranh giới sẽ chắc chắn làm suy giảm lượng dầu khí đáng nhẽ ra nằm bên kia đường biên giới, do đặc tính của chất lỏng và khí. Hoặc trong trường hợp các đàn cá di cư, việc quốc gia đánh bắt cạn kiệt hay phá hủy nơi sinh sản của đàn cá chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn các của quốc gia kia. Do đó, vấn đề hợp tác cùng phát triển cũng được đặt ra sau khi phân định biển và tốt nhất cần được thỏa thuận cùng với thỏa thuận phân định biển nhằm tránh các tranh chấp về tài nguyên sau này.

Trong một số các thỏa thuận phân định biển, các quốc gia thường thêm vào điều khoản về nguồn trữ lượng chung hoặc điều khoản dự trù về hợp tác cùng phát triển sau này. Các điều khoản này sẽ giải quyết vấn đề khai thác nguồn tài nguyên vắt ngang hay di chuyển ngang qua đường phân định. Ví dụ Điều 4 Hiệp định Phân định thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonesia năm 2003 quy định:

“Trong trường hợp có một cấu tạo mỏ dầu hoặc khí tự nhiên, hoặc mỏ khoáng sản khác dưới đáy biển nằm vắt ngang đường ranh giới nêu tại khoản 1 Điều 1, các Bên ký kết sẽ thông báo cho nhau mọi thông tin liên quan và thoả thuận về cách thức khai thác hữu hiệu nhất các cấu tạo hoặc mỏ nói trên và về việc phân chia công bằng lợi ích thu được từ việc khai thác đó.”

Hiệp định Phân định biển trong Vịnh Thái Lan giữa Việt Nam và Thái Lan năm 1997 và Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2000 cũng có câu chữ quy định giống nhau và tương tự.[23]

Thêm nữa việc hợp tác cùng phát triển sau khi phân định có thể giúp các quốc gia liên quan quản lý tốt hơn hoạt động trên biển. Việc phân định biển sẽ xác định rõ phạm vi giới hạn hoạt động thực thi pháp luật và quản lý của cơ quan chức năng của các quốc gia liên quan và với đặc điểm rộng lớn trên biển và khó kiểm soát, nếu không có sự hợp tác giữa các quốc gia sẽ gây khó khăn cho việc quản lý của tất cả các bên. Một ví dụ có thể nêu ra là việc hợp tác thực thi pháp luật và quản lý biển có thể ngăn chặn tình trạng tàu thuyền vi phạm ở bên này đường ranh giới sẽ chạy trốn sang bên kia đường ranh giới nhằm trốn tránh, gây khó khăn cho sự kiểm soát và bắt giữ của cơ quan chức năng. Hơn nữa việc hợp tác không chỉ giúp xử lý hiệu quả các vi phạm pháp luật mà còn có thể tăng cường khả năng ngăn chặn các vi phạm xảy ra.

Ví dụ điển hình về việc hợp tác cùng phát triển sau khi phân định là trường hợp Việt Nam và Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ. Hai nước đã tiến hành phân định biển và đồng thời đàm phán xác lập quy chế đánh bắt cá trong khu vực hai bên đường phân định biển. Hiệp định Phân định Vịnh Bắc BộHiệp định Hợp tác Nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ giữa hai nước được ký kết cùng vào ngày 25 tháng 12 năm 2000 và cùng có hiệu lực vào ngày 30 tháng 6 năm 2004. Có thể thấy cả hai nước đã nhận thức rất rõ ràng việc xác lập đường ranh giới trên biển là quan trọng nhưng chưa đủ để tạo lập một Vịnh Bắc Bộ hòa bình, hữu nghị và không có xung đột. Thông qua thỏa thuận về hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ Việt Nam và Trung Quốc quản lý tốt hơn hoạt động đánh bắt cá và xử lý, ngăn chặn các hoạt động vi phạm các quy định về đánh bắt cá một cách hiệu quả hơn, tránh xung đột và va chạm có thể xảy ra giữa ngư dân và cơ quan chức năng của hai nước.

Joint fisheries Tonkin Vn CN

Nguồn: CogitAsia (CSIS)

Ngoài ra còn một số ví dụ khác về hợp tác cùng phát triển sau khi phân định biển như giữa Bahrain – Arabia Saudi (1958), Argentina – Uruguay (1973), Australia – Papua New Guinea, Iceland – Norway (đảo Jan Mayen), Đan Mạch – Anh.[24]

Kết luận

Phân định biển và hợp tác cùng phát triển là hai vấn đề có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Hợp tác cùng phát triển có thể triển khai trong giai đoạn tiền phân định biển phù hợp với nghĩa vụ tại Điều 74(3) và 83(3) của UNCLOS và góp phần tạo cơ sở nhận thức chung giữa các quốc gia, tiến tới phân định biển thành công. Đồng thời, hợp tác cùng phát triển có thể được tiến hành sau khi phân định nhằm thăm dò, khai thác hiệu quả và công bằng các nguồn tài nguyên vắt ngang đường phân định và góp phần hợp tác quản lý tốt hơn các hoạt động trên biển. Việt Nam đã có kinh nghiệm trong việc kết hợp giữa phân định biển và hợp tác cùng phát triển cả trong giai đoạn trước, trong và sau khi phân định biển với các nước. Đây là cơ sở thực tiễn cho việc kết hợp nghiên cứu và đàm phán về phân định biển và hợp tác cùng phát triển đối với các vùng biển chồng lấn còn lại giữa Việt Nam và các nước.

———————————————————————————-

[1] Nghiên cứu sinh tiến sĩ, Đại học Utrecht (Hà Lan), giảng viên Khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao.

[2] Division for Ocean Affairs and the Law of the Sea, Office of Legal Affairs, United nations (DOALOS), Handbook on the Delimitation of Maritime Boundaries, United Nations: New York, 2000, tr. 25.

[3] Tanaka Yoshifumi, The International Law of the Sea, Cambridge University Press, 2012, tr. 208 – 209.

[4] Xem Trần Hữu Duy Minh, Nghĩa vụ của các quốc gia trong vùng biển chồng lấn thềm lục địa và đặc quyền kinh tế theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 5 (325), 2015, tr. 80.

[5] Vụ Phân định biển ở Đại Tây Dương (Ghana vs Bờ Biển Ngà), Phán quyết ngày 23/9/2017, Viện đặc biệt thuộc Tòa án Luật Biển Quốc tế, đoạn 627.

[6] UNCLOS, Điều 311(2).

[7] David Anderson CMG, Methods of resolving maritime boundary disputes, bài trình bày tại the Meeting of the International Law Discussion Group at Chatham House, ngày 14 tháng 2 năm 2006, xem tại https://www.chathamhouse.org

[8] Như trên.

[9] Clive H. Schofield, Blurring the lines: maritime joint development and the cooperative management of ocean resources, Issuees Legal Scholarship, 8 (1), 2009, Article 3, tr. 5.

[10] Tanaka Yoshifumi, sđd, tr. 124, 132.

[11] UNCLOS, Điều 56 và 77.

[12] Tanaka Yoshifumi, sđd, tr. 208.

[13] Barbara Kwiatkowska, ‘Economic and Environmental Considerations in Maritime Boundary Delimitations’, trong J. I. Charney, L. M. Alexander, International Maritime Boundaries, Martinus Nijhoff Publishers, Leiden/Boston, 1993, vol. I, tr. 41 – 114.

[14] Clive H. Schofield, sđd, tr. 5.

[15] Nguyen Hong Thao, Managing Vietnam’s Maritime Boundary Disputes, ODIL, vol. 38, 2007, tr. 311.

[16] Talisman Company, Annual Information Form (for the year anded December 31, 2014), ngày 4 tháng 3 năm 2015, tr. 6, xem tại http://www.talisman-energy.com/upload/ir_briefcase/189/01/annual-information-form—talisman-energy.pdf

[17] PetroVietnam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Nguyễn Vũ Trường Sơn làm việc tại Malaysia, ngày 16 tháng 5 năm 2016, xem tại http://www.pvn.vn/?portal=news&page=detail&category_id=95&id=8588

[18] Hiệp định Vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia, 1982, Điều 1 và 2.

[19] Somjade Kongrawd, Thailand and Cambodia Maritime Disputes, xem tại http://www.navy.mi.th/judge/Files/Thailand%20Cambodia.pdf, bản đồ 4, tr. 9.

[20] Trần Công Trục, Tìm hiểu vấn đề biển đảo giữa Việt Nam và Campuchia, ngày 16/8/2015, xem tại http://nghiencuuquocte.org/2015/08/16/van-de-bien-dao-viet-nam-campuchia/

[21] Như trên.   [22] Như trên.

[23] Hiệp định Phân định biển trong Vịnh Thái Lan giữa Việt Nam và Thái Lan năm 1997, Điều 4; Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2000, Điều 7.

[24] Clive H. Schofield, sđd, tr. 5 – 11.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: