[48] Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng bầu 05 thẩm phán Toà ICJ năm 2017

Năm 2018 Toà ICJ sẽ có 05 thẩm phán hết nhiệm kỳ. Ngày 09 tháng 11 năm 2017, trong cuộc họp bầu cử thứ nhất, Đại hội đồng (ĐHĐ) và Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc đã bầu 04 thẩm phán Toà ICJ, trong đó ba thẩm phán tái cử thành công và một thẩm phán mới.[1] Thẩm phán Ronny Abraham (người Pháp), Abdulqawi Ahmed Yusuf (người Somali), và Antônio Augusto Cancado Trindade (người Brazil) tái cử. Thẩm phán Nawaf Salam (người Lebanon) là thành viên mới. Điều đặt biệt trong lần bầu thẩm phán Toà ICJ lần này là HĐBA và ĐHĐ chưa thể bầu thẩm phán thứ năm – vị trí đang được cạnh tranh bởi hai thẩm phán đương nhiệm sắp hết nhiệm kỳ là Thẩm phán Christopher Greenwood (người Anh) và Dalveer Bhandari (người Ấn Độ).

Bhandari-Greenwood

Nguồn: The Wire

Ngày 13 tháng 11 năm 2017 HĐBA và ĐHĐ tiến hành cuộc họp bầu cử thứ hai để chọn ra thẩm phán thứ năm nhưng không thành công. Theo truyền thống, trong trường hợp ĐHĐ và HĐBA có kết quả bầu khác nhau thì HĐBA thường thuận theo kết quả tại ĐHĐ như cơ quan toàn thể của Liên hợp quốc – một biểu hiện của “xu hướng dân chủ”.[2] Và lần này, có vẻ xu hướng này lại được duy trì.

Ngày 20 tháng 11 năm 2017 trong cuộc họp bầu cử thứ ba, thẩm phán Greenwood xin rút và thẩm phán Bhandari đã trúng cử với số phiếu tuyệt đối tại cả hai cơ quan trên.

Theo quy định của Quy chế Toà, thẩm phán có nhiệm kỳ 9 năm và có thể tái cử.[3] Trong 15 thẩm phán của Toà, mỗi ba năm sẽ bầu lại 05 thành viên.[4] Ứng cử viên cần đạt được đa số tuyệt đối ở ĐHĐ và HĐBA[5] – hiện nay là ít nhất 97 phiếu ở ĐHĐ và 8 phiếu ở HĐBA. Hai cơ quan này tiến hành bầu độc lập và có thể đồng thời. Thông thường, năm quốc gia là thành viên thường trực của HĐBA sẽ có một thẩm phán trong Toà ICJ, bao gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ và Trung Quốc, và việc bầu cho các ứng cử viên do năm nước này đề cử thường rất dễ dàng. Tuy nhiên, có vẻ như nước Anh lần này đã không thể thuyết phục được các quốc gia thành viên Liên hợp quốc ủng hộ ứng cử viên của mình – Thẩm phán Christopher Greenwood. Tờ Guardian cho rằng đây là một cúc tát vào vị thế quốc tế của Anh hậu Brexit và thể hiện ảnh hưởng ngày càng hạn chế tại Liên hợp quốc của Ngoại trưởng Anh hiện giờ – Boris Johnson.[6]

 

Cuộc họp bỏ phiếu thứ nhất (ngày 09/11/2017)

Trong cuộc họp ngày 09/11/2017, với 06 ứng cử viên cho 05 ghế thẩm phán tại ICJ, ĐHĐ đã phải tiến hành 06 vòng bỏ phiếu, trong khi HĐBA tiến hành 05 vòng.[7] Nếu kết quả bỏ phiếu ở từng cơ quan cho thấy có nhiều hơn 05 ứng viên nhận được đa số thì sẽ tiến hành bầu lại cho đến khi số ứng viên đạt đa số bằng hoặc ít hơn 05, và những ứng viên này cũng đạt được đa số ở cả hai cơ quan. Đến vòng bỏ phiếu thứ 5 tại ĐHĐ và thứ 4 tại HĐBA, bốn ứng viên đã đồng thời đạt được đa số tuyệt đối tại hai cơ quan trên. ĐHĐ tiến hành thêm vòng thứ 6 và HĐBA thêm vòng thứ 5 để chọn thẩm phán thứ năm trong hai ứng viên còn lại – thẩm phán Greenwood và Bhandari. Không ứng viên nào cùng đạt được đa số tại hai cơ quan. Thẩm phán Greenwood thắng ở HĐBA (9/15 phiếu, so với 6/15 của Bhandari), trong khi Thẩm phán Bhandari thắng ở ĐHĐ (115/194 phiếu, so với 76/194 của Greenwood).

Vòng bỏ phiếu

(9/11)

Đại hội đồng Hội đồng Bảo an
Bhandari Greenwood Bhandari Greenwood
Vòng 1 149 147 11 14
Vòng 2 141 137 10 14
Vòng 3 120 109 9 13
Vòng 4 121 102 7 12
Vòng 5 118 96 6 9
Vòng 6 115 76

 

Cuộc họp bỏ phiếu thứ hai (ngày 13/11/2017)

Trong lần này, ĐHĐ và HĐBA bỏ phiếu năm vòng, và cả năm vòng đều không thể chọn ra ứng viên đạt đa số đồng thời tại cả hai cơ quan. Trong cả năm vòng, HĐBA duy trì sự ủng hộ với thẩm phán Greenwood với 9 phiếu, so với 5 phiếu cho thẩm phán Bhandari. Trong khi đó, số phiếu của thẩm phán Greenwood giảm trong ba vòng bỏ phiếu ở ĐHĐ, với kết quả vòng năm là 68, trong khi thẩm phán Bhandari tăng đến 121 phiếu. Do không thể chọn ra ứng viên đạt đa số ở cả năm vòng, cuộc họp bỏ phiếu thứ ba sẽ được tiến hành và là cuộc bỏ phiếu toàn thể cuối cùng. Nếu không chọn được thẩm phán, một thủ tục khác sẽ được áp dụng.[8]

Vòng bỏ phiếu

(13/11)

Đại hội đồng Hội đồng Bảo an
Bhandari Greenwood Bhandari Greenwood
Vòng 1 110 79 5 9
Vòng 2 113 76 5 9
Vòng 3 111 79 5 9
Vòng 4 118 72 5 9
Vòng 5 121 68 5 9

Cuộc họp bỏ phiếu thứ ba (ngày 20/11/2017)

Ngay trước khi cuộc họp bắt đầu Anh đã có thư gửi Chủ tịch ĐHĐ HĐBA thông báo ứng viên của nước này Thẩm phán Greenwood đã xin rút. Lý giải cho việc này pía Anh cho rằng đây là cách tốt nhất để giải quyết bế tắc trong lần bầu cử này vì nước này tin rằng kết quả bỏ phiếu sẽ không khác gì hai cuộc họp trước. Anh cũng ghi nhận rằng nước này đã từng dự định bước vào thủ tục họp chung ĐHD và HĐBA theo quy định tại Điều 12 Quy chế Toà, sau cuộc họp bỏ phiếu thứ ba này, và hi vọng lần bầu cử tiếp theo thủ tục này sẽ được cân nhắc sử dụng. Do chỉ còn lại một ứng cử viên, thẩm phán Bhandari đã trúng cử với số phiếu tuyệt đối trong một vòng bỏ phiếu: 15/15 tại HĐBA và 183/193 với 10 nước bỏ phiếu trắng tại ĐHĐ. Như vậy, trong lần bầu thẩm phán này ĐHĐ đã phải tiến hành 12 vòng bỏ phiếu và HĐBA 11 vòng trong ba cuộc họp.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của Toà, Anh – một uỷ viên thường trực của HĐBA – không có thẩm phán tại ICJ. Nước Anh với truyền thống pháp lý mạnh với nhiều học giả uy tín, do đó hi vọng trong các lần bầu cử tiếp theo Anh sẽ có ứng viên thành công; lần bầu gần nhất là 03 năm tiếp theo và năm 2021.

——————————————————–

Thẩm phán Chirstopher Greenwood là một giáo sư chuyên về luật quốc tế, là thành viên của Toà ICJ từ 2009. Thẩm phán Dalveer Bhandari trước là thẩm phán Toà án Tối cao của Ấn Độ, chuyên về nội luật của Ấn Độ, là thành viên của Toà ICJ từ 2012 thay cho Thẩm phán Awn Shawkat Al-Khasawneh (người Jordan) từ nhiệm. Theo Quy chế Toà, nhiệm kỳ của Thẩm phán Bhandari sẽ là phần còn lại của nhiệm kỳ 9 năm của Thẩm phán Al-Khasawneh.[9] Trong giai đoạn 2012 – nay với 18 quyết định quan trọng, hai thẩm phán này trong tuyệt đại đa số các trường hợp đều bỏ phiếu giống nhau khi thông qua các kết luận, quyết định của Toà ICJ (xem bảng dưới). Bhandari có 08 ý kiến riêng, tuyên bố hay tuyên bố chung đi kèm, trong khi Greenwood có 04. Greenwood không tham gia ra quyết định trong 02 vụ việc.

——————————–

Sự tham gia của Bhandari và Greenwood trong các quyết định của Toà ICJ

Viết tắt:

  • PM (biện pháp khẩn cấp tạm thời), M (phán quyết về nội dung), PO (phán quyết về thẩm quyền và/hoặc điều kiện thụ lý).
  • Y (Ủng hộ kết luận của Toà), N (Không ủng hộ quyết định của Toà), U (bỏ phiếu theo kết luận nhất trí), Maj (bỏ phiếu theo đa số), Min (bỏ phiếu theo thiểu số).
  • SO (ý kiến riêng), D (tuyên bố), DO (ý kiến phản đối), JD (tuyên bố chung của nhiều hơn một thẩm phán),
Năm Vụ Bhandari Greenwood
2017 Vụ Jadhav (Ấn Độ vs Pakistan), PM Y-D (U) Không tham gia
2017 Vụ Áp dụng Công ước chống tài trợ khủng bố và Công ước chống phân biệt chủng tộc (Ukraine v. Nga), PM Y-SO (Maj/U) Y (Maj/U)
2017 Vụ Phân định biển Ấn Độ Dương (Somali v. Kenya), PO Y (Maj) Y (Maj)
2016 Vụ Quyền miễn trừ và thủ tục tố tụng hình sự (Guinea Xích đạo v. Pháp), PM Y (U) Y (U)
2016 Vụ nghĩa vụ đàm phán liên quan đến vũ khí hạt nhân (Marshall Islands v. Ấn Độ/Pakistan/UK), PO Y-SO (Maj) Y
2016 Vụ phân định thềm lục địa vượt quá 200 hải lý (Nicaragua v. Colombia), PO Y (U)

N (Min)

JD and D

Y (U/Maj)

SO

2016 Vụ cáo buộc vi phạm quyền chủ quyền và vùng biển ở Biển Caribe (Nicaragua v. Colombia), PO Y (U/Maj)

N (Min)

D

Y (U/Maj)
2015 Vụ một số hoạt động của Nicaragua ở khu vực biên giới và Vụ xây dựng con đường ở Coasta Rica dọc theo sông San Juan (Costa Rica v. Nicaragua), Merit Y (U/Maj)

N (Min)

SO

Y (U/Maj)

N (Min)

JD

2015 Vụ Nghĩa vụ đàm phán quyền tiếp cận biển Thái Bình Dương (Bolivia v. Chile), PO Y (Maj) Y (Maj)
2015 Vụ thu giữ tài liệu và dữ liệu (Timor Leste v. Australia), Yêu cầu sửa đổi PM Y (U) Y (U)
2015 Vụ áp dụng Công ước chống diệt chủng (Coratia v. Serbia), Merit Y (U/Maj)

SO

Y (U/Maj)
2014 Vụ đánh bắt cá voi (Australia v. Nhật Bản: New Zealand can thiệp), Merit Y (U/Maj)

N (Min)

Y (U/Maj)

SO

2014 Vụ thu giữ tài liệu và dữ liệu (Timor Leste v. Australia), PM Y (Maj) Y (Maj)

N (Min)

DO

2014 Vụ liên quan đến tranh chấp biển (Peru v. Chile), Merit Y (Maj)

N (Min)

Không tham gia
2013 Vụ một số hoạt động của Nicaragua ở khu vực biên giới và Vụ xây dựng con đường ở Coasta Rica dọc theo sông San Juan (Costa Rica v. Nicaragua), PM Y (U) Y (U)
2013 Vụ một số hoạt động của Nicaragua ở khu vực biên giới và Vụ xây dựng con đường ở Coasta Rica dọc theo sông San Juan (Costa Rica v. Nicaragua), new PM Y (U/Maj) Y (U/Maj)
2013 Vụ yêu cầu giải thích phán quyết trong vụ Preah Vihear (Cambodia v. Thái Lan), Merit Y (U) Y (U)
2013 Vụ một số hoạt động của Nicaragua ở khu vực biên giới và Vụ xây dựng con đường ở Coasta Rica dọc theo sông San Juan (Costa Rica v. Nicaragua), Yêu cầu sửa PM Y (U/Maj) Y (U/Maj)
2013 Vụ một số hoạt động của Nicaragua ở khu vực biên giới và Vụ xây dựng con đường ở Coasta Rica dọc theo sông San Juan (Costa Rica v. Nicaragua), Couter-claims Y (U) Y (U)
2013 Vụ tranh chấp biên giới (Burkina Faso/Niger), Merit Y (U) Y (U)

Trần H. D. Minh

—————————————————————

[1] UN News Center, Four judges elected to International Court of Justice, ngày 9/11/2017, http://www.un.org/apps/news/story.asp?NewsID=58064#.WgltN7A-cWo

[2] Dapo Akande, ICJ Elections 2017: UN General Assembly and Security Council elect four judges to the ICJ but fail to agree on a fifth, yet + Trivia Question, ngày 11/11/2017, https://www.ejiltalk.org/icj-elections-2017-un-general-assembly-and-security-council-elect-four-judges-to-the-icj-but-fail-to-agree-on-a-fifth-yet-again-trivia-question/

[3] Quy chế Toà, Điều 13.

[4] Như trên.

[5] Quy chế Toà, Điều 10.

[6] The Guardian, UK humiliated as international court goes to runoff, ngày 10/11/2017, https://www.theguardian.com/law/2017/nov/10/uk-humiliated-as-international-court-election-goes-to-runoff

[7] Xem kết quả bỏ phiếu chi tiết từng vòng tại hai cơ quan tại Meeting coverage GA/11971, ngày 9/11/2017, http://www.un.org/press/en/2017/ga11971.doc.htm, và Meeting coverage SC/13063, ngày 9/11/2017, http://www.un.org/press/en/2017/sc13063.doc.htm

[8] Quy chế Toà, Điều 12.

[9] Quy chế Toà, Điều 15.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: