Ngày 16 tháng 01 năm 2017, Chính phủ Ukraine đã gửi đơn kiện lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) chống lại Liên bang Nga. Trong đơn kiện của mình, Ukraine cáo buộc Nga vi phạm Công ước quốc tế về Xóa bỏ tài trợ khủng bồ (International Convention for the Suppresson of the Financing of Terrorism)[1] và Công ước quốc tế về Xóa bỏ tất cả mọi hình thức phân biệt chủng tộc (International Convention on the Elimination of All Forms of Racial Discrimination – CERD).[2]
Cụ thể, “Ukraine cáo buộc Nga, thông qua các cơ quan nhà nước, công chức và những người, tổ chức khác có quyền lực thực thi thẩm quyền nhà nước, bao gồm cả chính quyền thực tế (de facto) đang quản lý vùng lãnh thổ Crưm đang bị Nga chiếm đóng bất hợp pháp, và thông qua các cá nhân chịu sự chỉ đạo và kiểm soát của nước này, phải chịu trách nhiệm về các vi phạm nghiêm trong Công ước chống tài trợ khủng bố và CERD.”[3]
Cùng ngày Ukraine cũng đề nghị Tòa ICJ ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với Nga.[4]
Đây là một vụ kiện khá thú vị trong bối cảnh xung đột giữa Ukraine và Nga tại Crưm và miền đông Ukraine đang còn căng thẳng. Đây cũng không phải lần đầu tiên Nga bị kiện liên quan đến căng thẳng nghiêm trọng với quốc gia khác. Năm 2008 Cruzia đã kiện một vụ tương tự lên ICJ chống lại Nga sau xung đột vũ trang ở Nam Ossetia và Abkhazia. Trong vụ kiện đó, Cruzia cũng kiện Nga vi phạm Công ước CERD. Tuy nhiên Tòa ICJ đã tuyên bố không có thẩm quyền để xét xử vụ kiện này do Cruzia không thỏa mãn các điều kiện thủ tục (cụ thể, điều kiện về nỗ lực đàm phán) trước khi nộp đơn kiện lên Tòa.[5] Trong vụ kiện giữa Ukraine và Nga hiện nay không rõ Ukraine có hay không lặp lại thiếu sót thủ tục trên sau bài học kinh nghiệm của Cruzia.
Nguồn: Al Jazeera
Sau đây xin giới thiệu các cáo buộc cụ thể của Ukraine chống lại Nga (lưu ý rằng đây là các cáo buộc từ một bên, do đó có thể đúng, có thể sai).
Các cáo buộc cụ thể của Ukraine theo Công ước chống tài trợ khủng bố
Ukraine đề nghị Tòa ICJ ra phán quyết tuyên bố rằng Nga đã vi phạm các nghĩa vụ theo Công ước chống tài trợ khủng bố bằng các hành vi:[6]
- Cung cấp tài chính, bao gồm cả việc phân phát vũ khí và cung cấp huấn loại, cho các nhóm vũ trang bất hợp pháp đang dính líu đến các hành vi khủng bố tại Ukraine, bao gồm nước Cộng hòa tự xưng Donetsk (the so-called Donetsk People’s Republic – DPR), nước Công hòa tự xưng Luhansk (Luhansk People’s Republic – LPR), tổ chức những người ủng hộ nước CỘng hòa nhân dân Kharkiv (Kharkiv Parisans – Paritsans of the Kharkiv People’s Republic) và các cá nhân và nhóm liên quan;
- Không tiến hành bất kỳ biện pháp thích hợp nào để phát hiện, đóng băng và tạm giữ các nguồn tài chính được sử dụng để hỗ trợ cho các nhóm vũ trang bất hợp pháp;
- Không tiến hành điều tra, khởi tố hay trục xuất những người có hành vi tài trợ khủng bố đang có mặt trong phạm vi lãnh thổ của Nga;
- Không cung cấp cho Ukraine các hỗ trợ tốt nhất trong điều tra hình sự các hành vi tài trợ khủng bố; và
- Không tiến hành bất kỳ biện pháp khả thi nào để ngăn chặn và chống lại các hành vi tài trợ khủng bố được thực hiển bởi các chủ thể tư nhân và nhà nước Nga.
Ukraine cũng đề nghị Tòa ICJ ra phán quyết tuyên bố Nga phải chịu trách nhiệm quốc tế, do hành vi bảo trợ khủng bố và do không ngăn chặn hành vi tài trợ khủng bố theo quy định của Công ước trên, cho các hành vi khủng bố được thực hiện bởi các lực lượng tay sai của Nga ở Ukraine, cụ thể:[7]
- Hành vi bắn hạ máy bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia Airlines;
- Pháo kích vào dân thường, như ở khu vực Volnovakha, Mariupol và Kramatorsk; và
- Đánh bom vào dân thường, bao gồm cả khu vực Kharkiv.
Các cáo buộc cụ thể của Ukraine theo CERD
Ukraine cáo buộc Nga vi phạm các nghĩa vụ sau đây theo Công ước CERD khi có các hành vi sau đây đối với cộng đồng thuộc sắc tộc Tatar và sắc tộc Ukraine ở Crưm:[8]
- Có hành vi phân biệt mang tính chất hệ thống chống lại và đối xử sai lầm với người Tatar ở Crưm và các cộng đồng người Ukraine ở Crưm, với việc thúc đẩy chính sách quốc gia nhằm xóa bỏ về mặt văn hóa các nhóm có tư tưởng chống lại việc chiếm đóng Crưm;
- Tiến hành bất hợp pháp việc trưng cầu dân ý trong bối cảnh bạo lực và đe dọa đến các nhóm sắc tộc không phải người Nga, mà không có bất kỳ nỗ lực nào để tìm kiếm đồng thuận và giải pháp toàn diện bảo vệ các nhóm này, và là một bước đầu tiên hướng đến tước bỏ sự bảo vệ từ luật pháp Ukraine sự bảo vệ dành cho các cộng đồng này và hướng đến buộc họ phụ thuộc vào Nga;
- Đàn áp tự do thể hiện văn hóa và chính kiến của cộng đồng người Tatar ở Crưm, bao gồm việc bức hại các thủ lĩnh người Tatar và ngăn cấm Mejlis của dân tộc Tatar ở Crưm;
- Ngăn chặn người Tatar được tập trung kỷ niệm các sự kiện văn hóa quan trọng;
- Thực hiện và tạo điều kiện cho chiến dịch bắt cóc và giết hại người Tatars ở Crưm;
- Quấy rối cộng đồng người Tatar ở Crưm với việc lục soát và bắt sử bừa bãi;
- Ngăn chặn truyền thông của người Tatar ở Crưm;
- Đan áp việc giáo dục ngôn ngữ Tatar ở Crưm và các thiết chế giáo dục cộng đồng;
- Đàn áp việc giáo dục ngôn ngữ Ukraine của những người Ukraine;
- Ngăn chặn người Ukraine tập trung kỷ niệm các sự kiện văn hóa quan trọng; và
- Ngăn chặn truyền thống của người Ukraine.
————————————————————————————
[1] Được thông qua vào ngày 09 tháng 12 năm 1999, có hiệu lực từ ngày 10 tháng 4 năm 2002. Hiện nay có 187 Quốc gia thành viên. Nga và Ukraine trở thành thành viên lần lượt ngày 27 tháng 11 năm 2002 và ngày 06 tháng 12 năm 2002. Việt Nam là thành viên từ ngày 25 tháng 9 năm 2002.
[2] Được thông qua ngày 07 tháng 03 năm 1966, có hiệu lực từ ngày 12 tháng 3 năm 1969. Hiện nay có 178 Quốc gia thành viên. Nga và Ukraine trở thành thành viên lần lượt ngày 04 tháng 02 năm 1969 và ngày 07 tháng 3 năm 1969. Việt Nam là thành viên từ ngày 09 tháng 6 năm 1982.
[3] Application of Ukraine, para. 124, xem tại http://www.icj-cij.org/docket/files/166/19314.pdf
[4] Xem chi tiết tại http://www.icj-cij.org/docket/files/166/19316.pdf.
[5] Đọc Tóm tắt phán quyết (Summary of the Judgment of 01 April 2011), xem tại http://www.icj-cij.org/docket/files/140/16426.pdf [6] Ibid, para. 134. [7] Ibid, para. 135. [8] Ibid, para. 137.